A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Ngập úng ở đô thị: Thực tiễn và những bài học

12:58 | 29/10/2023

Đúng một năm trước, TP. Đà Nẵng lâm cơn hồng thủy, cả thành phố ngập sâu trong nước. Những ngày gần đây, đô thị này lại hứng chịu những trận mưa dồn dập, nước dâng lênh láng khắp địa bàn.

Thực cảnh này gợi rõ hình ảnh ngập lụt do triều cường cộng mưa to tại TP. Hồ Chí Minh, những đường phố úng sâu trong nước ở thủ đô Hà Nội. Làm sao để xóa đi nguy cơ ngập úng như vậy, ở những thành phố đang đà phát triển như Buôn Ma Thuột?

Các chuyên gia tư vấn thuộc Hiệp hội Quy hoạch đô thị Việt Nam nhìn nhận, tình trạng ngập úng nước ở các đô thị lớn ngày càng phổ biến, bởi tư duy phát triển của các nhà quản lý quy hoạch đang có vấn đề. Những bản đồ quy hoạch tính toán trong giới hạn 10 năm, 15 năm bó buộc tầm nhìn là một nguyên nhân. Nhưng quan trọng hơn, chính năng lực nội tại của các cấp quản lý địa phương trong điều hành, giám sát phát triển, mở rộng đô thị theo đà tiến bộ của xã hội, lại là lý do chính khiến các đô thị ngày càng ngập sâu khi mưa gió bão bùng.

Ba điểm cần điều chỉnh

Theo những kết quả khảo sát, điều tra tình trạng ngập úng đô thị mà ngành xây dựng và đô thị Việt Nam thực hiện, có nơi phạm vi bao quát, có nơi mang tính cục bộ nghiên cứu, thì tình trạng ngập nước đô thị liên quan ba điểm quy hoạch và tổ chức thực thi. Quan tâm đến ba điểm này, các đô thị có thể tính toán lại bài toán thoát nước tránh ngập úng hiệu quả hơn.

Thứ nhất, quy hoạch phân cấp các loại đất đô thị cần có cái nhìn bao quát toàn cảnh, đặt ra những bài toán chiều sâu về năng lực an toàn cho đô thị. Đó là điều tiết giao thông tĩnh và động hợp lý, hài hòa; phát triển mật độ xây dựng nhà ở hợp lý, nghiên cứu theo hướng ưu tiên những vùng diện tích dự trữ cho tương lai hơn là khai thác kiệt quệ hiện trạng tại chỗ. Quan trọng hơn, tỷ lệ phân bổ nhà ở đô thị cần tính đến những mảng kiến trúc lớn, tránh tình trạng cắt xén quy hoạch tạo nên những vùng dân cư vụn vỡ, nhiều cụm xóm nhà đường hẻm, để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ và nhất là tỷ lệ ngập úng mùa mưa. Cần tránh lỗi quy hoạch không đồng bộ giữa tỷ lệ mái cao tầng đô thị và hệ thống thoát nước ngầm dưới mặt đất, phải ưu tiên tỷ lệ mặt bằng cây xanh, đất trống ngay giữa lòng đô thị để khả năng “chứa nước” tốt hơn, tránh ngập úng.

Thứ hai, thực hiện đầu tư hệ thống thoát nước đô thị phải song hành giữa chỉ số kỹ thuật các công trình ngầm và tỷ lệ “ngậm nước” bề mặt. Với nhiều đô thị đã có bề dày lâu đời, vấn đề này khá nan giải, vì sẽ thiếu sự đồng bộ cao trình đáy cống thoát, khẩu độ các mương cống… giữa những khu vực, tuyến đường khác nhau. Nhưng trong việc chỉnh trang, chỉ cần tăng cường đo đạc chính xác, đầu tư nghiêm túc vào việc khớp nối các tiểu vùng đô thị, tạo dòng chảy thông suốt giữa các khu vực xây dựng với hướng thoát nước, khả năng ngập úng sẽ được ngăn chặn tốt hơn. Với các đô thị mới, bài toán hoàn chỉnh tính toán hệ thống thoát nước sẽ thuận lợi hơn, có thể sử dụng những cao trình, độ giới địa hình khác nhau để thiết kế những tuyến thoát nước phù hợp.

Thứ ba, chính quyền, các cấp quản lý nghiêm túc trong vấn đề bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên hệ thống thoát nước ngầm, giải phóng tốt các khu vực bề mặt đô thị. Đây là đòi hỏi kỹ thuật đi cùng cái tâm trách nhiệm của nhà quản lý, một khi bị xem nhẹ sẽ tạo ra những hiểm họa khó lường cho đô thị.

Lực lượng chức năng đưa phương tiện vào hẻm 313 Nguyễn Văn Cừ (TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ người dân bị cô lập do ngập lụt sau một cơn mưa lớn năm 2019. Ảnh: Đinh Nga

Câu chuyện thoát nước của Buôn Ma Thuột

TP. Buôn Ma Thuột có lợi thế bao quanh là cả cao nguyên đất bazan màu mỡ, tạo nên vùng rừng đệm xanh tự nhiên, đặc điểm địa hình lượn sóng, dốc thoải, mật độ chia cắt ngang và sâu với các dòng chảy chính từ suối Ea Tam và Ea Nuôl thoát ra sông Sêrêpốk. Hướng dốc địa hình vì thế theo hướng đông bắc – tây nam, với cao độ tự nhiên từ 590 m (dải đồi phía bắc thành phố) xuống 390 m (khu ruộng trũng phía nam), rõ ràng cho phép tốc độ thoát nước tự nhiên thuận lợi.

Từ thực tế đó, thành phố đã định vị quy hoạch phát triển mật độ đô thị hóa phía đông bắc, bảo vệ vùng đệm thấp phía nam, xây dựng các tuyến thoát nước gắn liền với thủy lợi tưới tiêu bao quanh bằng đất canh tác nông nghiệp. TP. Buôn Ma Thuột cần giữ vững tinh thần quy hoạch này, bảo đảm có một bản đồ phân vùng hợp lý và khai thác hiệu quả các lợi thế địa lý phục vụ kinh tế và đô thị hóa.

Điểm chú ý là với các khu đô thị mới và vùng trung tâm cũ cần chỉnh trang, sự cố ngập úng có thể xảy ra nếu không liên đới thông suốt tốc độ thoát nước ngầm giữa các khu vực với nhau. Việc này cần các cấp quản lý giám sát hiệu quả việc mở rộng và tăng thêm mật độ, diện tích nhà ở đô thị, cân đối bài toán bề mặt bê tông hóa với khả năng tiêu thủy bên dưới, bằng hệ thống cống ngầm, cống dẫn nước mưa theo các tuyến giao thông, lộ giới đô thị… Mỗi cao trình xây dựng phải cân đối hợp lý khả năng thoát nước với khả năng thấm chịu, chứa nước tại chỗ. Giải được bài toán này, cục bộ các khu vực đô thị hóa của TP. Buôn Ma Thuột sẽ được giải quyết thoát nước triệt để, tránh bị ngập úng.

Nhìn thẳng vào hiện trạng ngập úng tại các đô thị đi trước, là việc làm cần thiết của Buôn Ma Thuột hôm nay, để rút ra bài học thực tiễn về xây dựng, điều tiết hệ thống thoát nước, khống chế hợp lý diện tích bê tông đô thị với tỷ lệ đất trống tự nhiên, đất công trình công cộng và đất quy hoạch canh tác bao quanh. Đô thị Buôn Ma Thuột điều chỉnh cân đối những yêu cầu này, làm căn cứ triển khai những hoạch định đầu tư, phát triển đô thị mới, mới thực sự tránh được những bất cập trong tương lai.

Thụy Bất Nhi

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202310/ngap-ung-o-do-thi-thuc-tien-va-nhung-bai-hoc-dd60164/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ