A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đăk Lăk: Tỉnh duyệt bán hồ thủy lợi?

11:45 | 21/05/2013

Gần 8 năm qua, 2 hồ thủy lợi tại xã Krông Buk, huyện Krông Păk vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của cá nhân. Không có nước tưới, nhiều hộ dân thậm chí phải chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng… sắn (mì).

Lúa úng, cà phê khô

Từ khi hồ K47 (xã Krông Buk) bị bán đi, chị HDuin Bya (buôn Krông Păk, xã Ea Kly, huyện Krông Păk) đã phải bỏ tiền mua nước tưới cho cà phê. Chỉ có 4 sào nhưng mỗi lần tưới chị phải mất từ 50- 100 nghìn đồng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, trong khi đó xăng dầu ngày càng tăng giá lại phải trả thêm tiền nước, chị HDuin không thể kham nổi, đành phải bỏ một nửa cà phê chuyển sang trồng mì.

Không có nước tưới, vườn cà phê của anh Y Dhul Niê (buôn Krông Păk, xã Ea Kly) đang héo úa và chết dần.

Thế nhưng số cà phê còn lại của chị vẫn trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, queo quắt, chết dần. Xung quanh rẫy của chị HDuin, từ năm 2007 đến nay, hàng trăm hộ dân khác cũng phải mua nước từ hồ K47 để tưới cà phê. Anh Krut Niê ở buôn M Bê, xã Krông Buk cho biết, vì tiền mua nước quá đắt nên nhiều hộ dân đã phải đào giếng để tưới cà phê. Tuy nhiên, hầu hết các giếng đều không đủ nước để tưới.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nông Thị Dắn, mẹ của anh Mã Minh Vỹ (một trong 2 người mua lại hồ K47) thừa nhận có việc thu tiền nước của dân. Theo bà Dắn, đối với những người trước đây cùng công ty với bà thì được tưới nước miễn phí. Còn lại những hộ khác khi tưới nước phải đóng tiền với giá 100.000 đồng/ha/1 đợt tưới.

Ông Lê Khánh - Phó Chủ tịch HĐND xã Krông Buk cho biết, sau khi nhận phản ánh của người dân, HĐND xã đã có ý kiến rất nhiều lần tại các cuộc họp với tỉnh và huyện nhưng đến nay sự việc vẫn không được giải quyết. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Quốc Vĩnh - Phó Chủ tịch huyện Krông Păk nói, việc này huyện đã biết, tuy nhiên do xã chưa có văn bản cụ thể nên chưa thể tiến hành xử lý.

Không chỉ những hộ trồng cà phê, người dân trồng lúa xung quanh hồ K47 cũng khốn khổ không kém. “Khi lúa cần nước thì chủ hồ đóng kiệt để nuôi cá. Đến khi người dân chuẩn bị thu hoạch thì họ lại xả nước để bắt cá. Tình trạng này diễn ra liên miên suốt nhiều năm qua khiến người dân rất bức xúc”- ông Phạm Tâm - Chủ tịch xã Krông Buk cho biết. Cũng theo ông Tâm, không chỉ ở hồ K47, người dân xung quanh hồ K49 cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi hồ này cũng bị bán nốt.

Xã kiến nghị nhiều lần, tỉnh huyện im lặng

Ông Trần Thỏa Hợp- Phó Chủ tịch xã Krông Buk cho biết, năm 2007, sau khi giải thể, Công ty Cà phê Phước Sơn đã bán hồ K49 và K47 cho các hộ dân nuôi cá. Trong đó, hồ K49 có diện tích hơn 5,6 ha, được bán cho ông Vũ Đăng Hòa (thôn 1, xã Ea Kly).

Hồ này tưới khoảng 100ha cà phê và khoảng 20ha lúa. Hiện nay, người dân xung quanh hồ vẫn được tưới nước nhưng hàng năm mỗi hộ phải góp từ 50- 200 nghìn đồng cho ông Hòa tu sửa hồ. Hồ K47 có diện tích hơn 16,3 ha được bán cho ông Mã Minh Vỹ và bà Trần Thị Thơ (cùng ở thôn 6, xã Krông Buk).

Đập này phục vụ tưới cho các buôn M Bê, Ea Oh, thôn 6 (xã Krông Buk) và một phần diện tích của buôn Krái B và buôn Krông Păk (thuộc xã Ea Kly). Trong đó, chỉ riêng tại các buôn M Bê và Ea Oh đã có trên 70ha cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số phải trả tiền để mua nước tưới. Tuy có diện tích khá lớn, nhưng nhiều năm qua, hồ K47 không được sửa chữa gì.

Theo hợp đồng chuyển nhượng hồ đập, thì việc bán hồ thủy lợi của Công ty Cà phê Phước Sơn được tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1078/QĐ- UBND ngày 24.5.2007 (về việc phê duyệt phương án thanh lý tài sản của Công ty Cà phê Phước Sơn). Tuy nhiên, hiện phóng viên vẫn chưa tiếp cận được văn bản Quyết định 1078.

    Theo Dân Việt

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ