A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Ứng dụng công nghệ trong dự báo, ứng phó thiên tai

15:48 | 03/10/2024

Một trong những biện pháp ứng phó với thiên tai là giải pháp về công nghệ

Giải pháp này giúp nâng cao công tác dự báo, cảnh báo để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế rủi ro thiên tai. Đồng thời công nghệ cũng có thể ứng dụng với những hoạt động cứu hộ, cứu trợ sau bão lũ.

Các chuyên viên khí tượng thủy văn đang thiết lập sơ đồ cảnh báo sạt lở đất. Ảnh: T.N.

Nâng cao công tác dự báo, cảnh báo

Việt Nam nằm trong khu vực hay xảy ra thiên tai. Mới đây, cơn bão số 3 đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 81,5 nghìn tỷ đồng. Hiện, mưa lũ, sạt lở đất vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số tỉnh. Do đó việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số trong ngành khí tượng thủy văn (KTTV) nói chung và phòng chống thiên tai (PCTT) nói riêng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, tránh bị động trong tình huống có thiên tai xảy ra.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, trong lĩnh vực KTTV, KHCN đóng vai trò rất quan trọng công tác dự báo, cả trong quan trắc, truyền tin và phân tích dự báo. Trước đây, quan trắc chủ yếu là thủ công nên thông tin thường bị chậm trong khi tình huống thiên tai luôn có sự thay đổi nhanh nên ảnh hưởng đến công tác dự báo, cảnh báo. Những năm gần đây, KHCN đã bắt đầu được ứng dụng để chuyển đổi số công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động (máy đo gió, máy đo khí áp, đo mưa, đo độ ẩm...); thành lập các trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét; phát triển các mô hình dự báo số độ phân giải cao cho riêng khu vực Việt Nam; xây dựng bản đồ số hóa để khoanh vùng rủi ro thiên tai...

Bên cạnh đó, ứng dụng KHCN cũng có thể kiểm tra “sức khỏe” của những cây cầu. Vừa qua, sự cố lũ trên sông Hồng (địa phận tỉnh Phú Thọ) đã gây ra sự cố làm sập 2 nhịp cầu Phong Châu (Phú Thọ) làm nhiều người và phương tiện bị cuốn trôi. Theo ông Lại Hữu Thanh - Trưởng nhóm Phát triển sản phẩm (Công ty CP Công nghệ viễn thông Elcom), việc áp dụng các hệ thống quan trắc thông minh có thể giúp theo dõi tình trạng độ rung lắc, sức căng, độ lệch của cây cầu…, từ đó các kỹ sư cầu đường có thể đưa ra các cảnh báo hoặc quyết định sửa chữa kịp thời, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Công nghệ còn được dùng để kết nối tình nguyện viên với mạng lưới thông tin cứu nạn khẩn cấp. Theo đó, khi thiết bị có kết nối Internet, các tình nguyện viên có thể trực tiếp tham gia mạng lưới thông tin cứu nạn khẩn cấp mà không bị giới hạn bởi thời gian, không gian. Họ sẽ tiếp nhận yêu cầu cứu hộ trực tuyến, xác minh, phân loại thông tin. Các đối tượng cần cứu trợ sẽ được kết nối với đội cứu trợ gần nhất. Các tổ chức, các đoàn cứu trợ sẽ được kết nối với khu vực, trường hợp tương thích về vị trí, tuyến đường, nhu cầu… từ đó giảm thiểu rủi ro và tình trạng lãng phí nguồn lực cứu trợ. Hiện Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cũng đã phát triển mini app trên Zalo để người dân phản ánh thiên tai và liên hệ cứu trợ trong tình huống khẩn cấp.

Cần được xã hội hóa

Ông Khiêm cho biết, dù thời gian gần đây Việt Nam đã đầu tư KHCN cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV nói chung và PCTT nói riêng nhưng so với các nước tiên tiến chúng ta còn kém rất xa. Ví dụ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã đầu tư hệ thống siêu máy tính cho phép hệ thống tính toán vài trăm phương án trong vòng 30 phút, trong khi hệ thống máy tính hiện nay của chúng ta chỉ tính toán được 32 phương án mô hình toán để dự báo trong 3 ngày tới. Hay tại những vị trí công trình quan trọng họ đã lắp đặt quan trắc vị trí dịch chuyển của các khối đất để đưa ra những cảnh báo cụ thể. Để làm được điều này sẽ rất tốn kém. Nhưng trong tương lai Việt Nam cũng rất cần có hệ thống quan trắc này để theo dõi những công trình quan trọng như khu dân cư, đê điều, cầu cống, các đập thủy điện…

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Hiện, hệ thống quan trắc của Việt Nam còn ít, chúng ta cũng chưa có hệ thống quan trắc tàu, phao ngoài biển Đông, đặc biệt rada thời tiết trên biển Đông. “Dựa vào hệ thống quan trắc chúng ta mới chỉ cảnh báo các nguy cơ rủi ro về lũ quét, sạt lở đất ở quy mô cấp huyện, xã trong một khoảng thời gian nào đó. Chưa thể tính toán vị trí cụ thể như góc nào của thôn bản, mảng sườn, mảng đồi nào có thể bị sạt lở hay thời điểm cụ thể xảy ra. Nếu muốn như vậy thì số lượng các trạm quan trắc của chúng ta sẽ phải lớn hơn rất nhiều, không chỉ quan trắc mưa mà cả quan trắc về địa chất trong lòng đất” - ông Khiêm nói.

Cũng theo ông Khiêm, do nguồn ngân sách hạn chế nên nước ta chưa thể đầu tư KHCN nhiều cho lĩnh vực dự báo KTTV, thiên tai. Đối với ngành KTTV, cả nguồn lực và nhân lực đều chưa đầy đủ. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin còn kém; trạm quan trắc chưa nhiều; cơ chế cho những người làm KTTV chưa tốt nên khó thu hút nhân sự… đó là những khó khăn hiện tại.

Trong thời gian tới, ông Khiêm cho biết sẽ kết hợp với các trường, viện nghiên cứu trong nước và các chuyên gia trên thế giới để ứng dụng chuyển đổi số, phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép tăng cường các phương án dự báo cụ thể các loại hình thời tiết và thiên tai, phục vụ công tác ứng phó thiên tai tốt hơn. “Chúng tôi cũng mong muốn được xã hội hóa từ các tập đoàn công nghệ lớn để có thêm nguồn lực, ứng dụng KHCN vào dự báo, cảnh báo KTTV nói chung và thiên tai nói riêng” - ông Khiêm bày tỏ.

Thái Nhung

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-du-bao-ung-pho-thien-tai-10291575.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ