STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) được hiểu là những nhóm ngành liên quan đến các ngành: Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học.
STEM đã phát triển rất mạnh mẽ ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Giáo dục STEM đang là xu hướng giáo dục lớn thứ hai tại Trung Quốc và Hàn Quốc sau phong trào học tiếng Anh.
Nguồn nhân lực chất lượng cao STEM và đổi mới sáng tạo được đánh giá là yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia, một đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, kinh tế số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Việt Nam, quy mô và tỉ lệ sinh viên đại học các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực STEM còn khiêm tốn. Hiện số sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân.
Số sinh viên theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số sinh viên đại học của Việt Nam trong những năm gần đây từ 27% - 30% và năm 2021 đạt khoảng 28,7%, xấp xỉ Israel và mức trung bình trong khối Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực và châu Âu như Singapore (46%), Malaysia (50%), Hàn Quốc (35%), Phần Lan (36%), Đức (39%).
Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán học, tỉ lệ sinh viên theo học ở Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc và 1/5 so với Singapore và Đức.
Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực STEM từ giáo dục phổ thông
Theo Tiến sĩ Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để nâng cao chuỗi giá trị các ngành công nghiệp, công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ đại học, kỹ năng chuyên sâu và bằng cấp về STEM.
Vị chuyên gia này nhận định Chính phủ Việt Nam xây dựng kế hoạch khá tham vọng liên quan việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao. Chính sách này mở ra con đường mới trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đáp ứng các mục tiêu thực hiện tham vọng cho ngành bán dẫn của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tiến sĩ Andrea Coppola, nguồn cung nhân lực chuyên môn cao của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng đủ cho các ngành công nghiệp công nghệ và thiếu kỹ sư thiết kế chip.
Ngành công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi tỉ lệ cao hơn lao động có trình độ đại học và được đào tạo trong các lĩnh vực STEM, có thể gấp đôi so với các ngành nghề khác.
Tiến sĩ Andrea Coppola đưa ra khuyến nghị các giải pháp bao gồm sự cam kết nguồn cung từ các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, mở rộng quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực STEM, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Ưu tiên phát triển kỹ năng hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, trước hết cần xây dựng nguồn cung mạnh các nhà khoa học và kỹ sư trình độ cao. Cam kết bền vững và lâu dài vì xây dựng nguồn nhân lực này đòi hỏi nguồn cung ổn định và đáng kể từ giáo dục đại học, sau đại học và đào tạo thực tế.
Đảm bảo đầu tư vào giáo dục đại học, giải quyết vấn đề khả năng chi trả của người học, phải vừa túi tiền. Cần tăng cường sự hỗ trợ cộng đồng để khuyến khích các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động...
BÌNH LUẬN