A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Học phí tăng cao, sinh viên xoay xở thế nào?

15:34 | 02/10/2024

Từ tháng 1/2024, học phí ở các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tăng lên theo quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP, với mức tăng trung bình khoảng từ 10 - 30% tùy theo trường và theo ngành nghề.

Khóa sinh viên đầu tiên phải đóng học phí theo lộ trình mới vừa nhập học đã phải gia tăng thêm khá nhiều áp lực, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn…

Việc tăng học phí gây nhiều lo lắng cho sinh viên.

Áp lực kinh tế khi học phí tăng cao

Gặp chúng tôi khi đang xách làn đi chợ, em M.T.H., sinh viên năm thứ ba trường Cao đẳng Y tế Hà Nội xuýt xoa: “Sau cơn bão số 3, thực phẩm nào cũng tăng giá, nhất là rau xanh. Trước kia, em cầm 400.000 đồng còn có thể đủ mua gạo và thức ăn cho cả tuần. Giờ cũng từng ấy nhưng bữa cơm của em đạm bạc hẳn. Mà em cũng không dám xin thêm tiền bố mẹ, vì vài trăm nghìn ấy giờ còn phải bù vào phần học phí tăng thêm nữa. Như bọn em còn đỡ, chứ như mấy em năm thứ nhất vừa mới lên Hà Nội thì đúng là khó khăn rất nhiều”.

“Chúng ta trải qua một giai đoạn triển khai tự chủ đại học, từ thí điểm đến diện rộng. Tự chủ làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta từng bước để tự chủ ngày càng cao hơn, chiều sâu và thực chất hơn. Cùng với đó, bên trong hệ thống cần gia tăng một số “tự”: tự kiểm soát, tự điều tiết, tinh thần tự lực tự cường, tự biết mình ở đâu để tự soi, tự sửa, tự tin hơn để hành động, tự mình từng ngày làm tốt hơn để hướng đến chất lượng cao hơn…”

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Theo chia sẻ của em N.T.L., sinh viên năm thứ nhất khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, học phí của các em rơi vào khoảng 20 triệu đồng/năm học nên cũng gây ra một số khó khăn đối với sinh viên. Để cân đối tài chính đóng học phí, các em phải cắt giảm chi tiêu cho việc thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, gia đình cũng phải tính toán để đảm bảo các khoản nộp đầu năm học mới.

“Để thuê được trọ ở gần trường, em cũng phải tìm rất lâu, cuối cùng chấp nhận ở ghép với một chị khóa trên trong căn phòng trọ khoảng 18m2, với mức giá 2 triệu đồng/người, chưa kể điện nước. Nhưng may mà ở chung với các chị khóa trên, em không cần phải sắm nhiều đồ gia dụng (như tủ lạnh, máy giặt…) nên cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ.” – sinh viên N.T.L cho biết.

Không chỉ có nỗi lo về học phí, những chi phí sinh hoạt, chi phí học tập khác cũng đặt gánh nặng lên kinh tế của các gia đình có con học đại học. Em P.K.N, sinh viên năm thứ nhất ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: “Vì ngành học của em là ngành mới nên tài liệu chủ yếu đều mua mới hoặc photo chứ không thể xin lại của anh chị khoá trên nên ngay tháng đầu tiên nhập học, em đã tốn khoảng 300.000 - 400.000 đồng để mua sách. Đó là còn chưa kể đến đồng phục thể dục, áo khoác đồng phục… Nếu tính cả đồng phục thì phải đến khoảng 800.000 - 1 triệu đồng cho các khoản chi phục vụ việc học tập.”

Theo K.N., em may mắn được ở trong ký túc xá của trường nên khoản phí thuê trọ mỗi tháng đỡ được rất nhiều so với các bạn phải thuê trọ bên ngoài. Tuy nhiên, do ký túc xá không cho phép nấu ăn nên chi phí ăn uống hàng ngày của em cao hơn các bạn ở trọ tự nấu ăn. “Tính ra, mỗi tháng, nếu em ăn uống hợp lý và tiết kiệm thì chỉ cần 3,5 triệu đồng sinh hoạt phí, bao gồm tất cả các chi phí ăn, mặc, đi lại.”

Học phí tăng gây áp lực không nhỏ đến kinh tế của các gia đình có con đang học đại học. Chia sẻ với chúng tôi, chị Đ.T.T.N (40 tuổi, tại Hưng Yên) cho biết, chị có 3 con, cháu lớn năm nay vừa đỗ vào Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cháu thứ hai đang học lớp 12, còn cháu út mới lên lớp 6. Việc đóng một khoản tiền lớn ngay đầu năm học cũng khiến cuộc sống của gia đình chị lao đao.

“Nguồn thu của gia đình chúng tôi chủ yếu trông vào mẫu ruộng và công việc phụ hồ của chồng tôi, vì vậy thu nhập không ổn định. Thi thoảng, bên cạnh việc chăm lo ruộng đồng, tôi cũng ra ngoài tìm các công việc làm thuê theo mùa vụ để san sẻ gánh nặng kinh tế và kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Giờ con lớn vào đại học, các chi phí ăn học, sinh hoạt, học phí đại học đều tăng cao. Tôi lo lắng không biết năm sau, cháu thứ hai thi vào đại học thì chúng tôi phải xoay sở thế nào…”, chị T.N. giãi bày.

Ký túc xá được nhiều sinh viên lựa chọn vì chi phí rẻ hơn so với thuê trọ.

Có trường tăng 60%, có nhóm ngành tăng hơn 70%

Theo quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP, học phí của các trường đại học công lập năm học 2023 - 2024 có thể cao hơn khoảng 10% - 30% so với năm học 2022 - 2023. Và tới năm học 2024 - 2025, mức học phí này sẽ tăng khoảng 12,5% so với năm trước. Nếu tính theo quy định mới, học phí của khối ngành y dược sẽ tăng khoảng 70% so với cách tính cũ.

Chúng ta chưa định giá được về chi phí đào tạo một sinh viên
Nhà trường thực hiện việc tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 97/2023/NĐ-CP. Nhà trường vẫn đang triển khai việc hỗ trợ sinh viên, dù có việc tăng học phí hay không, kinh phí hỗ trợ từ những nguồn lực nhà trường vốn có. Trường đại học Mỏ - Địa chất có một quỹ học bổng, quỹ khuyến học khoảng 5 tỷ đồng để có nguồn thu chủ động hằng năm cấp học bổng cho sinh viên. Khi học phí tăng khoảng 15 %, nhà trường có thêm nguồn lực về mặt tài chính để có thể đầu tư thêm về phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, ví dụ như trường lắp điều hòa ở tất cả các phòng học. Đây là trường chưa tự chủ đầu tiên của thành phố Hà Nội là lắp điều hòa toàn bộ cho sinh viên. Nhà trường đã lắp hệ thống wifi toàn trường để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Theo lộ trình thì đến năm 2025 tất cả các trường đại học đều phải tự chủ, như vậy ngân sách nhà nước sẽ không cấp nữa và tất cả hoạt động của các trường đều phải lấy từ nguồn thu học phí. Thế nhưng chúng ta chưa định giá được về chi phí đào tạo một sinh viên. Do vậy chưa thể trả lời được câu hỏi mức tăng học như thế này đã đủ bù đắp được cho các trường đại học để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, đảm bảo tỉ lệ và mật độ sinh viên tối thiểu trên đầu giảng viên…tức là rất nhiều yếu tố để đảm bảo rằng là người thụ hưởng được hưởng dịch vụ rất chất lượng. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các trường đại học với nhau, trong đó có các trường đại học tự chủ và những trường đại học chưa tự chủ. Ví dụ như trường Đại học Mỏ - Địa chất khoảng 400.000 đồng/tín chỉ nhưng trường Đại học Văn Lang có thể có những ngành đến 1.200.000 đồng/tín chỉ, gấp ba lần.
Nguồn thu từ học phí vẫn là nguồn thu chủ yếu của nhà trường chiếm khoảng tầm 85 %. Hiện giờ nguồn thu này chủ yếu đang chi cho yếu tố con người. Đó là chi cho sinh viên, chi cho học bổng, chi cho hỗ trợ sinh viên, chi cho lương của giảng viên còn một phần tương đối khiêm tốn chi đầu tư cho cơ sở vật chất và chi cho phát triển chương trình đào tạo. Nếu định giá chuẩn thì phải định giá được đào tạo một sinh viên ngành kỹ thuật tốn bao nhiêu tiền và từ đó tính được ra học phí và chắc chắn là sẽ cao hơn nhiều.
(Một cán bộ xin giấu tên của trường đại học Mỏ - Địa chất)

Từ mức trần quy định của Nghị định này, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố mức tăng học phí cho năm học 2024 - 2025 đối với khóa tuyển sinh năm 2024. Trong đó, tại Học viện Ngân hàng, mức học phí áp dụng với sinh viên khóa mới ở chương trình đào tạo chuẩn từ khoảng 25 - 26,5 triệu đồng/năm học, tăng hơn 10 triệu so với năm ngoái (tương ứng tăng 66,7%).

Cụ thể, mức học phí dự kiến thấp nhất là khối ngành Kinh doanh quản lý và pháp luật với 25 triệu đồng/năm học, mức cao nhất thuộc về khối ngành Công nghệ thông tin, khoảng 26,5 triệu đồng/năm học. Với các chương trình chất lượng cao, trường áp dụng mức học phí 37 triệu đồng/năm học, còn với chương trình liên kết quốc tế, học phí dao động từ 340 - 380 triệu đồng cho cả khóa 4 năm.

Tại trường Đại học Y dược TP HCM, mức tăng học phí vào khoảng 10%/năm, dao động từ khoảng 46 - 84,7 triệu đồng/năm. Ngành học có mức học phí cao nhất, 84,7 triệu đồng/năm, là ngành Răng hàm mặt; kế đó là ngành Y khoa, với mức 82,2 triệu đồng/năm học.

Trong Hội nghị Giáo dục đại học tổ chức đầu tháng 8/2024 tại Hà Nội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: ngân sách chi thường xuyên hàng năm tiếp tục cắt giảm gây khó khăn cho các đơn vị trong đảm bảo chất lượng đào tạo. Mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh. Đồng thời, tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí...

Ngân sách cấp hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, không có kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thực hiện tự chủ nhưng chưa thực sự gắn với việc tự chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra. Một số trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện, không dám đổi mới. Một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành, dựa vào đội ngũ giảng viên ngoài cơ hữu để xác định chỉ tiêu nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ đại học. Năng lực quản lý, quản trị cơ sở vật chất của một số đơn vị còn hạn chế…

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19-NQ/TW nhưng khung và mức thu học phí còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo. Bên cạnh đó, quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7 vừa qua, khiến quỹ tiền lương của các đơn vị hằng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Các nhà trường đang đưa ra phương án hỗ trợ

Hiểu được khó khăn của nhiều gia đình khi học phí tăng cao, một số trường đại học đã có chính sách hỗ trợ, học bổng để động viên người học. Đơn cử như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã dành nhiều suất học bổng gồm học bổng đặc biệt, học bổng toàn phần, học bổng miễn 100% học phí và học bổng miễn 50% học phí.

Đối tượng nhận học bổng là các thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn Toán, Lý và Tin học, các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ươngcác môn Toán, Lý và Tin học, các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia hoặc thí sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Năm học 2024 - 2025, trường Đại học Thương mại dành 25 tỷ đồng để cấp học bổng cho sinh viên theo quy định về xét, cấp học bổng cho sinh viên đại học chính quy của trường và các quy định hiện hành của Nhà nước. Đối với đợt tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, trường cấp học bổng cho sinh viên thủ khoa đầu vào các ngành đào tạo. Ngoài ra, sinh viên cũng có nhiều cơ hội được xét cấp học bổng tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp ngoài trường.

Việc tăng học phí đồng nghĩa với việc các trường đại học sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như đầu tư nhiều hơn vào trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy, học tập để nâng cao trải nghiệm dạy và học cho các sinh viên và giáo viên. Theo nhiều sinh viên, khoản bù đắp này cũng đem lại lợi ích cho người học. Em H.N.H, sinh viên năm thứ nhất khoa Thời trang và Sáng tạo, trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: sinh viên các ngành nghệ thuật sẽ phải chi tiêu nhiều cho họa cụ, màu vẽ và các phụ phẩm khác tùy theo ngành học. Những dụng cụ học tập tiêu hao này tốn không nhỏ trong phần sinh hoạt phí của em. Mỗi tháng em cần dành ra khoảng 300.000 đồng để mua họa cụ phục vụ việc học. Theo N.H., đó mới là chi phí ban đầu, sau này các em còn cần mua nguyên liệu, vải vóc để làm bài tập với chi phí không hề rẻ. Thậm chí, các anh chị khóa trên của em còn tiêu tốn hàng triệu đồng tiền nguyên liệu để làm đồ án. “Tuy nhiên, học phí tăng thì cơ sở vật chất của trường cũng phải tăng. Trường em cho phép sinh viên được sử dụng các thiết bị trong xưởng thực hành, do nhà trường sắm. Như vậy, sự bù trừ này với sinh viên nghệ thuật chúng em cũng là khá ổn”.

Mặc dù việc tăng học phí đại học là để đáp ứng yêu cầu về tự chủ nguồn thu đối với các trường đại học, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần có lộ trình, tính toán cẩn thận, không thể đột ngột tăng học phí gấp 3 - 4 lần. Học phí tăng cao liên tiếp sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh, như vậy vừa không có lợi cho các trường, vừa khiến nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn phải dang dở giấc mơ đổi đời nhờ tấm bằng đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam: Một số trường công nhà nước vẫn nên đầu tư, tránh thiệt thòi cho người học

Trường công là trường của Nhà nước cho nên Nhà nước phải chấp nhận đầu tư, nếu cắt giảm ngân sách theo tinh thần tự chủ tài chính thì tôi thấy không hợp lý lắm. Tất nhiên là có sự chia sẻ từ các nguồn khác mà ta hay gọi là xã hội hóa, nhưng đầu tư Nhà nước vẫn cần chiếm một tỷ lệ xứng đáng chứ không phải là Nhà nước không đầu tư nữa. Nếu Nhà nước không đầu tư thì nguồn chủ lực đối với các trường vẫn là nguồn học phí, dẫn tới học phí phải tăng. Như vậy, thiệt thòi nhất chính là người học, đặc biệt sinh viên từ các tỉnh thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, tức là chưa đảm bảo sự công bằng xã hội. Nhà nước vẫn phải dành một tỷ lệ ngân sách đáng kể cho các trường, bao gồm ngân sách đầu tư phát triển chứ không phải là cứ tiến tới tự chủ hoàn toàn toàn về tài chính như chính sách hiện nay.

Quan điểm của tôi là không phải trường nào cũng có thể giao quyền tự chủ được mà họ phải thể hiện được năng lực từ chiến lược phát triển, chính sách nhân sự, thu chi tài chính…Những trường xử lý chi tiêu tốt, quản lý tốt thì có khi ngân sách nhà nước đầu tư thậm chí còn phải cao hơn. Nhà nước đầu tư có hiệu quả thì nhiều người sẽ được thụ hưởng.

ANH THƯ

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/hoc-phi-tang-cao-sinh-vien-xoay-xo-the-nao-10291332.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ