A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm: Có giảm cơ hội đỗ đại học của thí sinh?

16:18 | 27/11/2024

Trong khi hầu hết các trường hiện dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức xét tuyển sớm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến giảm chỉ tiêu tuyển sinh xét tuyển sớm. Quy định này đang gây nhiều ý kiến không đồng tình.

Lo ngại học sinh tăng áp lực

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp THPT, vì vậy quy chế tuyển sinh đại học cũng cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Điểm mới đáng chú ý là những quy định nhằm quản lý chặt chẽ việc xét tuyển sớm.

Bộ cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu, nhưng khống chế về tỷ lệ nhằm hạn chế việc các trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này, khiến cho điểm chuẩn trúng tuyển ở phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp bị đẩy lên quá cao, làm giảm cơ hội của thí sinh.

Theo đó, các trường chỉ được dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm không vượt quá 20% trong tổng chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành. Các trường còn phải bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Trong khi hầu hết các trường hiện dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức xét tuyển sớm thì quy định này đang gây nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, nếu áp dụng thì quy định này sẽ là rào cản trong tuyển sinh với các trường đại học; còn với thí sinh, sẽ giảm cơ hội trúng tuyển sớm.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội về giáo dục, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định trên tại dự thảo.

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, các phương thức xét tuyển sớm chủ yếu là xét học bạ, xét kết quả các kỳ thi riêng, xét kết hợp các tiêu chí như điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... Xét tuyển sớm được các trường đại học áp dụng nhiều năm nay và dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh.

Để tăng cơ hội vào đại học, con chị Hương cũng như nhiều học sinh khác dành nhiều thời gian học và ôn tập trong 3 năm học bậc THPT để “săn vé” vào đại học sớm. Chị Hương bày tỏ mong muốn: “Việc thay đổi phương án tuyển sinh cần có lộ trình để công sức học và thi của học sinh cũng như tiền bạc của phụ huynh không bị uổng phí”.

Đại diện một trường đại học cho rằng, việc Bộ GDDĐT quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20% sẽ khiến các trường gặp khó. Điều này sẽ khiến điểm chuẩn xét tuyển bằng thi tốt nghiệp THPT có thể sẽ hạ, còn điểm chuẩn xét tuyển sớm có thể tăng lên.

Tạo công bằng trong tuyển sinh

Trước băn khoăn của học sinh, phụ huynh và các trường đại học về quy định giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung của quy chế tuyển sinh đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết, dự thảo quy định phải quy đổi tương đương điểm xét và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển, cùng với yêu cầu điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển chung đã tự động hạn chế quy mô xét tuyển sớm.

Việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, bởi không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Bà Thủy nhấn mạnh, việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh.

“Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi. Tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm? Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập?

Trong khi Bộ GDĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn toàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nêu quan điểm và cho rằng, đã đến lúc cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm một cách khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó.

Với phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ cấp THPT, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung của quy chế tuyển sinh đại học quy định các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 thay vì sử dụng kết quả học tập của 5 kỳ học (tức là kết quả học tập năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12) như hiện nay.

Quy định này nhằm tăng chất lượng đầu vào, hạn chế tình trạng học sinh lơ là, chủ quan khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm vào đại học.

Nguyễn Hoài

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/giam-chi-tieu-xet-tuyen-som-co-giam-co-hoi-do-dai-hoc-cua-thi-sinh-10295388.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ