A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Quy hoạch lại đào tạo nghề

08:06 | 29/11/2024

Mất cân đối nguồn nhân lực do đào tạo và cơ cấu ngành nghề dẫn đến dư thừa lao động, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm không ra người

Việc mất cân đối cung - cầu lao động khiến "nơi cần không có, nơi có không cần", giảm động lực phát triển kinh tế, không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp (DN). Sâu xa hơn là mất sức hút đầu tư, thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thừa thầy, thiếu thợ

Số liệu của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy có khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các DN có nhu cầu tuyển dụng không tuyển đủ người làm.

Một trong những nguyên nhân của nghịch lý trên được các chuyên gia chỉ ra có một số ngành nghề dù DN "đỏ mắt" tìm lao động nhưng nguồn cung khan hiếm, rất ít cơ sở đào tạo hoặc không kịp đào tạo. Bất cập lớn nhất nằm ở khâu dự báo cơ cấu ngành nghề và đào tạo nghề chưa theo kịp thị trường. 

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho rằng biến động lao động trong các DN tại TP HCM và vùng kinh tế phía Nam là rất lớn, nhất là các DN khu vực ngoài nhà nước. Ước tính cứ 3 nhân sự được DN tuyển dụng mới thì có 2 lao động sẽ tìm "bến đỗ" mới.

Thực trạng này nói lên nhiều điều. Thứ nhất, người lao động (NLĐ) đang làm việc không đúng chuyên môn hoặc chưa được chủ sử dụng bố trí công việc phù hợp dẫn đến tâm lý chán nản và muốn nhảy việc. Thứ hai là DN đang "khỏa lấp chỗ trống" để có người làm tạm thời vì nguồn cung lao động chất lượng đủ điều kiện chưa có. Và cuối cùng là tâm lý "đứng núi này trông núi nọ" của NLĐ vẫn còn lớn khi những nơi họ đang làm việc chưa thật sự vững chắc để NLĐ gắn bó dài lâu.

Hiện nay, tại TP HCM có 6 học viện, 50 trường đại học, 62 trường cao đẳng và 50 trường trung cấp. Hằng năm những cơ sở đào tạo này "xuất xưởng" khoảng 300.000 học sinh, sinh viên, học viên với đủ các cấp bậc trình độ. Tuy vậy, thực tế những sinh viên trường nghề luôn có tỉ lệ tìm được việc làm phù hợp cao hơn bậc đại học trở lên. Hiện tượng "thừa thầy, thiếu thợ" đang xảy ra trên thị trường lao động.

Ông Tuấn đánh giá dù TP HCM có nhiều nỗ lực khảo sát, thông tin và định hướng phát triển các ngành nghề cho cân đối nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều nút thắt mất cân đối. "Trong đó, có 2 nghịch lý lớn nhất là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề. DN tìm lao động tốt nghiệp trường nghề ngày một nhiều trong khi người tìm việc có trình độ cao lại chiếm tỉ lệ lớn" - ông Tuấn nói.

Để chủ động nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp hợp tác đào tạo với các trường nghề

Để cung - cầu sớm gặp nhau

Theo kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, 3 tháng cuối năm 2024 toàn thành phố cần bổ sung khoảng 80.000 lao động để đáp ứng nhu cầu của các DN. Trong đó, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm gần 88%, còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Trong đó, nhu cầu người có trình độ đại học trở lên chiếm gần 21%; cao đẳng hơn 22%; trung cấp gần 25%; sơ cấp 20%. Trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chỉ hơn 12%.

Nghịch lý này không chỉ diễn ra ở TP HCM mà còn nhiều địa phương khác. Đồng Nai cũng đối diện với thách thức khi tình hình khó tuyển lao động ở nhiều DN trên địa bàn, trong khi NLĐ thất nghiệp vẫn loay hoay nộp hồ sơ, chờ tuyển dụng và chưa tìm được việc làm phù hợp.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, cho biết nhu cầu tuyển dụng đang rất sôi động nhưng nguồn cung lao động lại ảm đạm. Rõ nét nhất trong nhu cầu tuyển dụng hiện nay của các DN là đòi hỏi ngày càng cao. "Các DN đang chuyển mình mạnh mẽ, họ đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên NLĐ phải có tay nghề, được đào tạo mới có thể đáp ứng được công việc. Ngược lại, nhóm lao động chưa qua đào tạo sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm việc" - bà Trâm nhận định.

Ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch Câu lạc bộ Phát triển Doanh nhân Việt Nam - ASEAN, cho rằng xu hướng tuyển sinh chạy theo nhóm ngành "hot" và đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết diễn ra ở nhiều trường.

Cũng theo ông Tuấn, nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam nhiều năm qua là thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết của nền kinh tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đáng lo hơn là sự thiếu hụt đội ngũ nhân công lành nghề, những người được đào tạo nghề với những ngành nghề là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam. "Nhiều DN như cơ khí, xây dựng, sản xuất, chế tạo, may mặc và cả nhà hàng - khách sạn họ cũng than là tuyển không ra nhân sự có tay nghề. Trong khi đây là những thành phần kinh tế sử dụng nhiều nhân lực và đóng góp rất lớn vào nền kinh tế nước nhà" - ông Tuấn nói.

Điều đó đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước vấn đề: Phải làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động. Thậm chí phải sắp xếp, quy hoạch lại để NLĐ và DN sớm "gặp nhau" từ lúc đào tạo; DN yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh và đóng góp nhiều hơn cho an sinh xã hội

85% doanh nghiệp thiếu lao động

Theo khảo sát của Việc Làm Tốt với 300 DN tuyển dụng nhân sự số lượng lớn, có 85% DN cho biết đang thiếu hụt lao động. Đặc biệt, 30% trong số đó rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, khi số lượng nhân sự hiện có chỉ đạt một nửa so với nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhiều kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn.

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/quy-hoach-lai-dao-tao-nghe-196241128210015986.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ