A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tố chất giáo viên chủ nhiệm

13:27 | 21/05/2018

Giáo viên chủ nhiệm lâu nay được xem là linh hồn của mỗi lớp học, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đạo đức, nhân cách và tri thức cho học sinh, đồng thời cũng chính là “cánh tay nối dài” của nhà trường trong quản lý.

Tuy nhiên, hiện nay công tác giáo viên chủ nhiệm dường như vẫn bỏ ngỏ.

Trong lớp học.

Thiếu kỹ năng

Thời điểm này, hầu hết các trường đều đã và đang tổ chức cuộc họp phụ huynh cuối năm. Cũng tại những cuộc họp này, các phụ huynh có thể nhận thấy rõ hơn vai trò và năng lực của giáo viên chủ nhiệm. Từ cách trình bày các vấn đề của lớp đến cách giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình dạy và học tập… Và cả cách ứng xử với phụ huynh.

Tại buổi họp phụ huynh mới đây, mẹ bạn học sinh kế bên ghé tai tâm sự rằng, chị cũng chuẩn bị đi họp cho cậu con trai lớn đang học cuối cấp hai. Chị bảo, nuôi con thời này mệt mỏi không chỉ với con cái mà còn vất vả với cả giáo viên. Cậu con trai lớn vốn hiếu động nên luôn là tâm điểm chú ý của giáo viên. Nay bị giáo viên gọi vì con bị ghi sổ đầu bài nhiều, mai lại bị giáo viên nhắc không mặc đồng phục, đi dép lê đến trường, không làm bài tập về nhà, trêu bạn, trốn tiết… Thời trước, những lỗi như vậy dường như không bao giờ giáo viên phải mời phụ huynh tới trường, hầu hết các giáo viên đều tìm thời điểm, phương pháp nhắc nhở, bảo ban giúp học sinh thay đổi. Nay thì khác, cũng như chị, có phụ huynh gần như tháng nào cũng phải đến trường gặp giáo viên đôi lần vì con mắc các lỗi như trên.  

Chị bảo, có hôm cô giáo mời đến đúng ngày chị không thể thu xếp được việc cơ quan, xin phép hoãn thì cô giáo lập tức phê bình: “Gia đình không quan tâm đến con thì thôi, mọi khuyết điểm cứ chiếu theo nội quy nhà trường mà làm…” Chị cho rằng, bản thân và gia đình bức xúc lắm nhưng cũng chẳng dám trình bày lại. Sợ cô không hài lòng thì con lại khổ.

Theo người mẹ này, giáo viên nghiêm khắc yêu cầu học sinh thực hiện nội quy là đúng nhưng đã bao giờ nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm  tìm hiểu xem tại sao học sinh thường ngại mặc đồng phục hay không đi dép quai hậu đến trường chưa? Đơn giản vì chất liệu quần áo đồng phục thường rất kém, không thấm mồ hôi làm học sinh bức bối hơn so với các trang phục khác. Còn dép quai hậu chất lượng cũng dở, trong thời tiết nóng ẩm ở nước ta, khi ra mồ hôi chân thường phát sinh mùi khó chịu, ngại ảnh hưởng đến các bạn nên nhiều cháu ngại đi dép quai hậu… Còn trốn tiết, thì con trai chị cũng thú thật có hôm con chưa thuộc bài, chưa làm bài tập về nhà sợ cô giáo hạ thi đua của lớp nên không dám vào… Và với nhiều giáo viên, chỉ cần học sinh, mắc khuyết điểm là phạt chứ miễn tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân.

Nói về vấn đề này, một phụ huynh chia sẻ: Thời nay, giáo viên kênh kiệu lắm. Hôm rồi tôi nhắn tin xin nghỉ học cho con, cẩn trọng thưa cô, trình bày lý do xin phép cho con đàng hoàng thế mà chỉ nhận lại được mỗi chữ “Ok” lạnh như mưa. Cô giáo mà cộc lốc thế thì sao dạy được học sinh chỉn chu, lễ phép… 

Nhiều lắm những trăn trở của học sinh và phụ huynh đối với giáo viên. Đấy là chưa kể thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra nhiều trường hợp giáo viên có hành vi cư xử không chuẩn mực với học sinh, bạo hành học sinh... gây bức xúc trong xã hội. Vậy chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD& ĐT chuẩn bị đưa vào áp dụng, sẽ gỡ nút thắt này như thế nào? 

Về vấn đề này, theo cô Hoàng Thị Mỹ Nhung- phó hiệu trưởng Trường THCS Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), là do quan hệ thầy - trò đang dần thay đổi. Trong đó, đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tự hoàn thiện, điều chỉnh thái độ, hành vi cư xử phù hợp với không chỉ “học sinh cá biệt” mà cả với “phụ huynh cá biệt”. Đây là yêu cầu mang tính cấp thiết nhưng không phải giáo viên nào cũng làm được. 

Cần được bồi dưỡng, hỗ trợ

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Người giáo viên chủ nhiệm với chương trình giáo dục phổ thông mới”, phân tích về vấn đề này, Th.S Hồ Thế Dũng- phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), cho biết theo Nghị quyết 29/NQ-TW thì mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông là “tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”. Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm thực hiện tại các trường phổ thông, từ cán bộ quản lý đến giáo viên vẫn còn lúng túng trước các nội dung đổi mới. 

Giáo viên chủ nhiệm, ngoài 2 nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục của lớp, thay mặt hiệu trưởng quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh, còn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, giáo viên bộ môn, các tổ chức đoàn thể, hội trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp cho học sinh. Có thể thấy, giáo viên chủ nhiệm cùng lúc gánh vác nhiều trọng trách, vừa đóng vai trò quản lý, chuyên gia tâm lý trong lớp học, vừa là người dạy chữ, trong khi họ chưa qua một lớp đào tạo kỹ năng quản lý, tâm lý bài bản nào. Vì thế, có giáo viên chủ nhiệm còn lúng túng trước một số tình huống sư phạm xảy ra. Ngay trong chương trình đào tạo sinh viên ở các trường sư phạm cũng chưa có môn công tác chủ nhiệm, chỉ lồng ghép trong học phần giáo dục sư phạm. 

Trước những băn khoăn của xã hội và hàng loạt yêu cầu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông mới, hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP HCM- PGS.TS Hà Thanh Việt cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp cùng lúc phải có những năng lực về chuyên môn, lãnh đạo, quản lý; xây dựng mối quan hệ gắn bó với học sinh; năng lực tư vấn; tổ chức các hoạt động giáo dục; phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường… Bên cạnh đó, để làm tốt công tác chủ nhiệm đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm cần phải rèn luyện, bồi dưỡng để phát triển năng lực xử lý và giải quyết các tình huống sư phạm, biết ứng dựng công nghệ thông tin, năng lực giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Chung- Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP HCM, nhận định đối với yêu cầu tăng cường giáo dục kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bản thân giáo viên sẽ không thể làm tốt nếu không kịp thời nắm bắt những diễn biến thay đổi của xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, học sinh có thể cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và chịu không ít tác động từ môi trường học tập “vàng thau lẫn lộn” này thì vai trò định hướng của người giáo viên càng trở nên quan trọng.

Từ thực tế đó, Th.S Hồ Thế Dũng kiến nghị cần mở thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành công tác chủ nhiệm thông qua bồi dưỡng thường xuyên hàng năm, đồng thời quy định thêm chế độ đãi ngộ, phụ cấp cho đội ngũ này, giúp các thầy cô có thêm động lực công tác.    

Mai Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ