A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Công nhận chức danh GS, PGS: Đề nghị sớm ban hành văn bản mới

10:26 | 05/06/2018

Dự thảo mới nhất về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đưa ra xin ý kiến đóng góp rộng rãi đã nhận được sự quan tâm của nhiều người trong giới.

Một bức biếm họa về việc phong hàm GS,PGS.

So với Quy định 174/2008, dự thảo mới về tiêu chuẩn để công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS mới đã có nhiều điểm tiếp cận mới, chuẩn cao hơn, thực chất hơn, linh hoạt hơn, minh bạch hơn và thống nhất được sự đa dạng.

Công khai hồ sơ ứng viên trên mạng

Theo dự thảo mới, ứng viên GS phải có thời gian được bổ nhiệm chức danh PGS đủ 3 năm trở lên, tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư tại Hội đồng GS cơ sở. Trong trường hợp ứng viên đã được bổ nhiệm chức danh PGS nhưng chưa đủ 3 năm và không đủ số giờ chuẩn giảng dạy quy định thì phải có ít nhất gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp khoa học..

Về công bố khoa học, dự thảo đưa ra lộ trình với 2 mốc thời gian khác nhau. Ứng viên phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế. Trong trường hợp ứng viên không đủ công trình khoa học phải có ít nhất 2 trong số các công trình khoa học và1 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 2 trong số các công trình khoa học nêu trên và 1 sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.

Từ ngày 1/1/2020, ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 5 bài báo khoa học. Trong trường hợp ứng viên không đủ công trình khoa học thì phải có ít nhất 3 trong số các công trình khoa học và 2 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 3 trong số các công trình khoa học nêu trên và 2 sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.

Theo tiêu chuẩn mới, ứng viên GS phải chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo từ trình độ ĐH trở lên hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp; Chủ trì thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên…

Cũng theo dự thảo, với ứng viên PGS, viết sách không còn là quy định cứng. Ngoài ra, thủ tục xét và công nhận tiêu chuẩn GS, PGS vẫn giữ nguyên 3 cấp gồm: Hội đồng chức danh GS cơ sở, Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành; Hội đồng chức danh GS nhà nước; Hồ sơ, kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được công bố công khai trên trang thông tin điện tử để nhân dân nhân dân biết, giám sát. 

Khắc phục bất cập trước đó  

Là người tiếp cận góp ý quá trình soạn thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS mới, GS Nguyễn Hữu Đức- Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội đánh giá, so với Quy định 174/2008, dự thảo mới về tiêu chuẩn để công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS mới đã có nhiều điểm tiếp cận mới, chuẩn cao hơn. Ban soạn thảo đã bám rất sát các bất cập đó và thể hiện quyết tâm đổi mới rất cao, mặc dù tiếp cận chưa tạo ra đột phá như nhiều nhóm các nhà khoa học mong muốn, còn phải phân chia lộ trình, phải cân nhắc về sự thống nhất trong đa dạng và tính không đồng đều của các lĩnh vực, nhưng đây là quy định đã đưa ra các giải pháp hợp lý. Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, những ngày này Ban soạn thảo đang rà soát các khâu cuối cùng, một số điểm mới nữa đang tiếp tục được bổ sung chi tiết.

Theo GS Nguyễn Hữu Đức, nếu như trong quy định tiêu chuẩn GS, PGS theo quyết định 174 có nhiều điểm khá cứng nhắc như quy định bắt buộc giờ giảng, viết sách, thậm chí có hoạt động được tính điểm nhiều lần… thì  quy định mới chắc chắn có thay đổi. Trước đây, có nhiều ứng viên chỉ thiếu vài chục giờ giảng, một ít điểm viết sách là bị loại ngay. Lần này, sự linh hoạt hướng đến thực chất và chuẩn chất lượng, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tài năng phát triển nhanh.

Nhằm khắc phục những bất cập liên quan đến hoạt động của các hội đồng- như ở kỳ xét phong hàm GS, PGS vừa qua, theo ông Đức, cần phải giải quyết hài hoà hai khâu: đạt tiêu chuẩn cứng và sự tín nhiệm của chuyên gia đánh giá; giữa lượng và chất và giữa thiểu số và đa số. Do đó, giải pháp lần này trước hết là phải đưa ra được các quyết định nên dựa trên tỷ trọng hài hoà hơn. Số phiếu đồng ý lần này chỉ còn 2/3, thậm chí có quy trình chỉ cần 1/2. Như vậy có thể khắc phục được cái mọi người hay nói là “đa số phục tùng thiểu số” tức là muốn nói chỉ một vài phiếu không đồng ý của một thiểu số ủy viên lại quyết định tất cả.

Thêm vào đó, hội đồng ngành trước đây có nhiệm kỳ quá dài, thành phần lại cố định, trong khi đó số lượng và tỷ lệ chuyên ngành của các ứng viên thay đổi hàng năm rất nhiều. Vai trò của hội đồng ngành lần này vẫn được xác định rất cao, rất quan trọng trong việc đánh giá chuyên môn của các ứng viên, nhưng sẽ được tổ chức linh hoạt hơn, hiệu quả phải cao hơn và được Hội đồng Chức danh GS nhà nước điều chỉnh hàng năm.

Hiện, Bộ GD&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành văn bản mới quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS từ năm 2018 thay thế Quyết định 174.     

Dung Hòa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ