A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngày thứ hai kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đề thi quá dài, thí sinh căng sức

09:59 | 27/06/2018

Sáng 26/6, thí sinh tiếp tục làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên trong 150 phút. Nhiều thí sinh cho biết, đề thi năm nay dài và khó hơn năm trước nên các em phải chịu sức ép lớn về thời gian.

Chiều cùng ngày, tiếp tục với môn thi tiếng Anh, phần đông thí sinh cho biết hết ngày thi thứ hai, tiếng Anh là môn “dễ thở” nhất trong số các môn thi.

Thí sinh tập trung làm bài thi. Ảnh minh họa.

Môn Sinh “khó nhằn” 

Bước sang ngày thi thứ hai, gần 350 nghìn thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp 3 môn KHTN gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học trong cùng buổi sáng. Bài thi tổ hợp gồm 120 câu trắc nghiệm được chia thành 3 bài thi theo từng môn, mỗi phân môn gồm 40 câu. Thí sinh phải hoàn thành mỗi bài thi phân môn thi trong 50 phút, chỉ có thời gian nghỉ 10 phút giữa các phần thi.

Trong 3 môn thi của tổ hợp, nhiều thí sinh đánh giá môn Sinh học là dài và  khó nhất, 20 câu đầu học sinh có thể làm được, các câu còn lại  khá khó do phải tính toán.

Thí sinh Nguyễn Hải Anh, thi tại điểm Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Phần khó của đề thi môn Sinh nằm ở phần tính toán liên quan đến gen. Em làm được 20 câu còn những câu còn lại em không chắc chắn kết quả”.

Tương tự, tại điểm thi Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhiều thí sinh nhận định, môn Sinh khó hơn 2 môn còn lại. Môn Hóa, môn Lý từ câu 1 điểm đến câu 7 điểm thì dễ, nhưng từ câu 8 điểm trở đi thì độ khó tăng dần, câu 10 điểm áp dụng nhiều kiến thức nâng cao nên phải mất nhiều thời gian làm bài hơn.

Nhận xét về đề thi Sinh, cô Phương Thùy - Trường THPT Cầu Giấy chia sẻ: Ngoài kiến thức chương trình Sinh học 11 năm đầu tiên được đưa vào đề thi thì về cơ bản cấu trúc đề, tương quan lí thuyết/ bài tập vẫn như đề các năm gần đây. Nhóm câu hỏi dạng nhận biết vẫn chiếm phần lớn (18 câu = 4,5 điểm), bên cạnh đó nhóm câu vận dụng và vận dụng cao tăng lên đáng kể. Đặc biệt, các câu hỏi dạng đếm số câu đúng sai tăng (Đề 2017 có 10 câu dạng đếm số câu đúng/sai, năm 2018 có 20 câu = 5 điểm). Đề dài và có tính phân loại cao, khó có tình trạng “mưa điểm 10” như năm 2017. Để đạt được điểm 9, 10 điểm các em học sinh cần xác sớm mục tiêu cụ thể, trên cơ sở đó đưa ra phương pháp học tập khoa học. Đặc biệt các em học sinh cần nâng cao khả năng tự học, tiếp nhận và rèn luyện kiến thức theo hướng phát huy tư duy và rèn luyện kĩ năng thực hành (1 câu). 

Không thể  “khoanh bừa”

Với đề thi trắc nghiệm tổ hợp KHTN năm nay, theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi năm nay đã phần nào loại bớt được các câu hỏi khiến học sinh có thể “khoanh bừa”. 

Ở môn Hoá, thầy giáo Phạm Thanh Tùng – giáo viên Tuyensinh247.com nhận định: Tổng quan là đề thi năm nay khó hơn đề năm ngoái. Độ khó của các câu hỏi được xếp theo thứ tự tăng dần, nhưng đề thi năm nay tính phân loại cao hơn. Để đạt điểm 8 – 10 thì học sinh phải xếp loại học lực giỏi và hiểu bản chất vấn đề, biết đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng và vận dụng cao mới có thể đạt được. Theo đó, phổ điểm phổ biến năm nay sẽ rơi vào mức điểm 5-6. Sẽ hiếm có điểm 9,5-10. Học sinh hoàn toàn phải hiểu bản chất mới làm được bài. Các phương án gây nhiễu đáp án cũng khó phát hiện ra hơn, tránh khoanh bừa đáp án mà vẫn đạt điểm trong kỳ thi.

Còn ở môn Vật lí, ThS. Phạm Quốc Toản giáo viên Tuyensinh247.com cho rằng: Đề thi năm nay đã ra đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT: Dễ dàng cho tốt nghiệp và phân loại cao với học sinh khá và giỏi, nhiều câu hỏi mang tính vận dụng thực tế, liên quan đến thí nghiệm, phải hiểu đúng bản chất vật lí và không quá khó về mặt toán học,…

Phần nội dung kiến thức lớp 11 không nhiều và đều không phải là các câu khó. Các câu khó và rất khó vẫn rơi vào phần kiến thức lớp 12. Phương pháp loại trừ để chọn đáp án đúng đã được hạn chế tối đa khi học sinh làm bài. Các em phải có kiến thức và giải ra kết quả mới lựa chọn được đáp án đúng. Để đạt được mức điểm từ 5, 6 không khó nhưng để đạt điểm cao hơn thì yêu cầu thí sinh phải chắc kiến thức và thao tác thật nhanh.

“Nhìn chung đề thi năm nay không khó hơn nhiều so với đề thi minh họa mà Bộ đã đưa ra trước đó, tuy nhiên khá dài. Theo tôi, điểm phổ biến sẽ rơi vào điểm từ 5 đến 7, sẽ không có “mưa điểm 10” thậm chí rất ít điểm 10 tuyệt đối”- theo thầy Toản.

Môn Ngoại ngữ, đề “dễ thở”

Chiều cùng ngày, các thí sinh bước vào môn thi Ngoại ngữ với thời gian 60 phút. Với đề thi Ngoại ngữ năm nay nhiều thí sinh nhận định, đề thi Tiếng Anh dài, tuy nhiên không quá khó, học sinh trung bình cũng dễ đạt điểm tốt nghiệp. 

Ra khỏi phòng thi sớm, một thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho hay: Đề Anh văn gồm 50 câu, không khó lắm. Đề nằm trong kiến thức sách giáo khoa (SGK) tuy nhiên khá dài, và có những câu phân loại thí sinh khá giỏi.

Với đề thi này, cô giáo Hoàng Xuân, giáo viên dạy Tiếng Anh tại Hà Nội nhận xét: Đề thi môn Tiếng Anh năm nay khá xác thực với đề minh họa của Bộ. Đề có độ phân hóa thí sinh khá tốt, và một số chủ điểm ngữ pháp/ kiến thức đã từng được ra trong đề minh họa cũng xuất hiện trong đề thi chính thức, ví dụ: dạng câu nhấn, câu hỏi đuôi, tính từ ghép…

Theo cô Xuân, phổ điểm môn Tiếng Anh sẽ dao động từ 5 đến 7 điểm. Học sinh học khá và nắm chắc kiến thức một chút sẽ có thể dễ dàng đạt 7 điểm. Ngoài ra, sẽ không có mưa điểm 9 và 10 như năm ngoái. Điều này đảm bảo sẽ chọn được những học sinh giỏi thực sự vào các trường đại học tốp trên. Cũng theo cô Xuân: Đề được phân hóa khá rõ ràng, khoảng 35 câu ở mức dễ, trung bình, trong đó có nhiều kiến thức nằm trong chương trình SGK lớp 11, 12, ví dụ như ngữ âm, trọng âm, mệnh đề quan hệ rút gọn (dạng bị động), câu hỏi đuôi, câu điều kiện loại 2, câu hỏi từ loại, động từ nguyên mẫu có to…; và 15 câu ở mức khá, giỏi để xét tuyển đại học. Đề đặc biệt phân loại ở phần kiến thức kiểm tra cụm động từ, thành ngữ, sự lựa chọn từ, tính từ ghép, câu hỏi suy luận…

Nhìn chung, với các câu hỏi dễ và trung bình, học sinh chỉ cần nắm được kiến thức trong SGK là có thể làm được, tạo điều kiện cho học sinh thoát liệt và học sinh trung bình kiếm điểm. Để đạt được điểm 8 trở lên, học sinh cần phải có vốn từ vựng tốt thì mới làm tốt được các câu hỏi liên quan đến cụm động từ, thành ngữ và sự lựa chọn từ. Ngoài ra, học sinh cũng phải có kiến thức ngữ pháp nâng cao để làm tốt một số dạng bài, đặc biệt là dạng bài nối câu... 

Ngày 27/6, các thí sinh sẽ thực hiện nốt bài thi Tổ hợp KHXH- cũng theo hình thức thi trắc nghiệm, với 3 môn thi là Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. 

* Giám thị có vi phạm quy chế thi?
Theo quy chế thi THPT quốc gia, cán bộ coi thi sẽ thu lại đề thi của các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp (trừ môn thi cuối cùng). Tuy nhiên, trong buổi thi bài thi Khoa học Tự nhiên sáng 26-6, rất nhiều thí sinh đã được mang đề thi của cả 3 môn ra ngoài sau khi hết giờ thi. Điều đó đồng nghĩa với việc quy chế thi chưa được các cán bộ coi thi thực hiện một cách nghiêm túc. 
Cụ thể, Quy chế thi THPT quốc gia, Điểm n, Khoản 1, Điều 22 quy định về trách nhiệm của cán bộ coi thi nêu rõ: “Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh làm bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Đề thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp được phát lần lượt theo từng môn thi thành phần để thí sinh làm bài trong thời gian quy định; ngay khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần nào thì thu đề thi và giấy nháp của thí sinh thi môn thi đó, đồng thời phát đề thi của môn thi thành phần kế tiếp theo đúng lịch thi đã quy định. Không thu lại đề thi, giấy nháp của thí sinh thi môn thi thành phần cuối cùng của bài thi tổ hợp và của thí sinh thi các bài thi khác của kỳ thi”. Như vậy, theo Quy chế thi, giám thị chỉ không thu lại đề thi của môn cuối cùng là môn Sinh học. 

* 12 thí sinh vi phạm quy chế thi

Theo thông tin của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 về ngày thi thứ hai: Buổi sáng thí sinh làm Bài thi KHTN, với tổng số thí sinh đăng kí dự thi là: 395.576; Trong đó, môn Vật lí số thí sinh đăng kí là 388.358; số thí sinh dự thi: 385.829 đạt tỷ lệ 99.34%.  Môn Hóa học số thí sinh đăng kí là 392.619; số thí sinh dự thi: 389.568, đạt tỷ lệ 99.22%. Môn Sinh học số thí sinh đăng kí là 384.650; số thí sinh dự thi: 382.182, đạt tỷ lệ 99.35%; Buổi chiều bài thi Ngoại ngữ tổng số đăng kí dự thi là: 818.972 số thí sinh dự thi: 815.933, đạt tỷ lệ 99.63%. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi ở các môn đều đạt trên 99%.
Tổng số thí sinh vi phạm quy chế thi: 12 thí sinh (11 đình chỉ, 1 cảnh cáo). Không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. 
Trước đó, trong báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong buổi thi KHTN sáng 26-6, đã có 9 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật, trong đó có 8 em bị đình chỉ thi, 1 em bị cảnh cáo.
Theo đánh giá, ngày thi thứ hai của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế.

PV

TP Hồ Chí Minh: Thí sinh 18 lần đi thi đại học

Là một trong nhiều thí sinh tự do tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại điểm thi trường THPT Colette (quận 3, TP HCM), thí sinh Trần Xuân Trường (sinh năm 1983) là thí sinh đặc biệt nhất. Nguyên nhân bởi đây là lần thứ 18 anh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, mặc dù bản thân anh đã tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế-Luật (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) từ nhiều năm trước. Được biết, năm nay, anh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM).
Anh Trường cũng cho biết, nhiều năm qua, anh chỉ đăng ký tham dự các kỳ thi chứ không tham gia các khóa học bởi muốn lập kỷ lục là “Người tham dự nhiều kỳ thi ĐH nhất Việt Nam”. Anh cũng không nhớ rõ mình đã đỗ vào bao nhiêu trường trong thời gian qua. Hiện, anh đang sinh sống và làm nghề kinh doanh tại TPHCM.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay tại thành phố có tới 4.500 thí sinh sinh tự do đăng ký thi trên tổng số 78.000 thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thống kê ở ngày thứ 2 cho thấy, có tới hơn 1.000 thí sinh tự do đã không tới tham dự các bài thi dù đã đăng ký.     

Trường thi chỉ có 1 thí sinh
Ngày thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các thí sinh tại TPHCM bắt đầu tham gia làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (buổi sáng) gồm 3 môn Lý, Hóa, Sinh. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các địa điểm thi đều khá vắng vì tỷ lệ thí sinh chọn lựa tổ hợp này ít hơn tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Ngữ văn, Sử, Địa). Thậm chí, tại điểm thi trường Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn) chỉ có duy nhất một thí sinh lựa chọn tổ hợp này. Đó là thí sinh Phạm Ngọc Quỳnh Như (Trường THPT Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM). Điều đáng nói, ngoài lựa chọn tổ hợp thi Khoa học tự nhiên, thí sinh này cũng lựa chọn luôn tổ hợp thi Khoa học xã hội. Được biết, mặc dù chỉ có 1 thí sinh nhưng địa điểm này vẫn bố trí đầy đủ phòng thi, giám thị, công an, lãnh đạo hội đồng coi thi… để phục vụ thí sinh theo đúng quy định của Bộ.    

Đ.Xá

Phương Linh - Minh Quang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ