A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lo lạm thu đầu năm

09:13 | 27/08/2018

Năm học mới chưa chính thức bắt đầu nhưng một số trường học đã tiến hành triển khai thu các khoản đóng góp tự nguyện và bắt buộc.

 Điều khiến phụ huynh bức xúc là bảng kê các khoản phí cần nộp không chi tiết từng hạng mục, nhiều đồ giá quá cao so với thị trường hoặc thu tiền không có biên lai...

Ảnh minh họa.

Phụ huynh nói có, trường bảo không

Mấy ngày qua, thông tin về từ phía phụ huynh có con học Trường tiểu học đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết phải nộp gần 3 triệu đồng tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục, cơ sở vật chất nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Phụ huynh này cũng cho biết có những khoản thu theo kiểu liệt kê bằng... lời nói, không hề có biên lai chi tiết, được cô giáo thông báo là tiền tạm ứng đầu năm học như điều hòa, giá để cốc, để dép, giá sách, gối, chăn, tủ bán trú, rèm, cây nước nóng...  Với một trường chuẩn quốc gia cấp độ 2 mà phụ huynh học sinh phải mua từ giá cốc, giá dép, gối... là không hợp lý.

Trong khi đó, trả lời báo chí, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Hằng Nga cho hay hiện tại chưa vào năm học mới, phòng GD-ĐT, UBND quận Long Biên chưa có văn bản chỉ đạo về công tác thu chi cho năm học mới. Vì vậy, nhà trường chưa có chỉ đạo thu tới phụ huynh các lớp.
Theo quy trình, khi có sự chỉ đạo của UBND quận, nhà trường sẽ có buổi họp với phụ huynh, khi thống nhất mới có văn bản thu. Thông thường thời gian chốt là cuối tháng 9.

Về nội dung phản ánh, nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên lớp 1 họp xem họ đã triển khai như thế nào, ai là người thu sai, giáo viên hay ban đại diện cha mẹ phụ huynh? Khi có kết quả nhà trường sẽ có nội dung trả lời Phòng GD- ĐT, báo cáo giải trình với UBND quận và báo cáo Sở GD- ĐT. Đối với các khoản thu sai, thu không đúng, bà Nga cho biết nếu có sẽ yêu cầu giáo viên phải trả lại phụ huynh đầy đủ 100% có chữ ký xác nhận. 

Không chỉ ở Hà Nội, một số địa phương như Hải Phòng, Thanh Hóa... hiện cũng đang nóng vấn đề lạm thu với những phản ánh của phụ huynh học sinh khi nhận được thông báo về các khoản đóng góp đầu năm học từ phía nhà trường. Chẳng hạn, tại Hải Phòng, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân) đã gửi đến phụ huynh thư kêu gọi tài trợ cơ sở giáo dục số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng.

Nhà trường đưa ra kế hoạch bổ sung và sửa chữa trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập như mua mới 5 phòng và sửa chữa bàn ghế học sinh 256,250 triệu đồng, lắp camera cho các lớp bán trú 265 triệu đồng. Sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng 450 triệu đồng. Nhiều phụ huynh cho biết rất ngạc nhiên và có phần phản cảm khi đọc bức thư...

Hiểu đúng về xã hội hóa

Ngày 29/3/2018, Bộ GD- ĐT đã có văn bản 1029 gửi các địa phương. Trong đó nêu nhiều vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý từ địa phương, Sở GD- ĐT, phòng GD- ĐT, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ, từ kế hoạch năm học, kế hoạch kêu gọi, tài trợ, xã hội hóa, rồi tất cả các vấn đề liên quan đến thu chi năm học để quán triệt trước và đầu năm học.

Văn bản này đã gửi đến các địa phương và nhiều địa phương đã triển khai, có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý, huyện, Sở GD- ĐT, phòng GD-ĐT và các sở ban ngành liên quan.

Bộ cũng đã có hướng dẫn công tác thanh kiểm tra với việc triển khai các kế hoạch đào tạo trong năm. Đặc biệt, việc thanh kiểm tra với lạm thu, giao cho các Sở GD-ĐT phải triển khai để phát hiện kịp thời những hiện tượng lợi dụng Hội cha mẹ học sinh, lợi dụng xã hội hóa hoặc lợi dụng Thông tư 29 để triển khai thu áp đặt, cào bằng, dẫn đến bất bình trong phụ huynh học sinh và người dân cả nước.

Mặc dù có chỉ đạo quyết liệt từ phía Bộ GD- ĐT như vậy nhưng vẫn có nơi này nơi kia làm chưa đúng khiến phụ huynh học sinh bức xúc. 

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Trần Tú Khánh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu ở các trường đó là do không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. 

“Từ câu chuyện ở Hải Phòng, cho thấy tư duy, cách thức thu và quản lý tài chính huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh, các nhà tài trợ. Thực tế là có nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt và thực sự muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học cho các con. Nhưng vẫn còn rất nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện” – ông Trần Tú Khánh nói. 

Để tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa của Hội cha mẹ học sinh thu các khoản thu không đúng quy định, năm học 2017-2018, Bộ GD- ĐT đã chỉ đạo các vụ, cục chức năng liên quan rà soát để sửa đổi 2 thông tư, đặc biệt là Thông tư 55 quy định rõ những gì Hội cha mẹ học sinh được làm, những gì không được làm. Chẳng hạn, Hội cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học. Điều này, trong Hội cha mẹ học sinh nhiều người cũng chưa nắm được, hoặc hiểu chưa rõ về trách nhiệm quyền hạn của mình, những khoản được thu, khoản không được thu…

   Hàn Minh

 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ