A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sách giáo khoa khan hiếm

08:31 | 27/08/2018

Rất lâu rồi, mới lại có tình trạng đầu năm học, phụ huynh nhiều nơi phải vất vả tìm mua sách giáo khoa (SGK) cho con để chuẩn bị vào năm học mới. Đằng sau nỗi lo ấy cho thấy điều gì?

Mua sách giáo khoa cho con vào năm học mới.

Sợ... tồn kho

Trong thời gian cao điểm này, nhiều người đổ dồn đi mua sách, một số cửa hàng đã có biểu hiện “găm” hàng, “thổi” giá, gây bất ổn tình hình cung ứng SGK, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý phụ huynh và học sinh.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GDĐT cho hay, Bộ GDĐT đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, nắm bắt ngay tình hình, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời. Theo ông Phạm Hùng Anh, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm và chỉ thiếu một vài đầu sách trong bộ SGK. 

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương năm nay đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam.

Trong khi đó, lý giải về tình trạng khan hiếm SGK trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Văn Tùng- Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục VN lại cho rằng do có sự gia tăng đột biến số lượng học sinh ở một số địa phương nên mới có hiện tượng thiếu SGK.

Theo ông Tùng, để phục vụ năm học mới 2018-2019, NXB đã xây dựng kế hoạch in và phát hành sách dựa vào số lượng đặt mua sách của các công ty sách và thiết bị trường học địa phương, cũng như căn cứ vào thực tiễn phát hành SGK các năm học trước, đặc biệt là năm học 2017-2018. Tính đến thời điểm ngày 20-8, NXB Giáo dục VN  đã phát hành được 108,8 triệu bản SGK, đạt 105% kế hoạch năm nay và vượt 3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cũng giải thích tương tự như vậy, bà Dương Vân Nhung- Trưởng Phòng Tổng hợp NXB Giáo dục Việt Nam tại TPHCM, cho rằng việc thiếu SGK thiếu do 2 nguyên nhân cơ bản là số lượng học sinh lớp 1 tăng cơ học và trước thông tin sang năm đổi sách các đại lý e dè trong việc đặt hàng SGK lớp 1 vì hàng tồn kho không bán được.

Bà Nhung cho rằng lường trước sẽ có tình trạng thiếu SGK cục bộ xảy ra bởi các nguyên nhân trên nên vừa qua, NXB Giáo dục VN đã tăng cường kiểm tra tình hình để có kế hoạch cung cấp đầy đủ SGK theo yêu cầu đặt hàng của các công ty sách và thiết bị trường học. 

Do độc quyền?

Theo nhận định của NXB Giáo dục Việt Nam, đến thời điểm này, hầu hết phụ huynh và học sinh ở TPHCM đã mua SGK cho năm học mới, chỉ còn một số ít chưa mua hoặc mua chưa đủ bộ, thiếu một vài cuốn. Song dư luận cũng băn khoăn nếu đã phát hành đạt 105% kế hoạch thì tại sao lại có tình trạng khan hiếm khiến phụ huynh vất vả ngược xuôi khắp nơi mua sách cho con? 

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng có sự mâu thuẫn khi mà đã phát hành vượt kế hoạch mà phụ huynh vẫn không mua được sách. Mâu thuẫn đó chính là hệ quả của việc độc quyền in, phát hành SGK. Ông Lâm cũng cho rằng, trước năm học, các tỉnh đều có khảo sát về dân số và biết được lượng học sinh tăng giảm ra sao, vì thế lý do thiếu sách do lượng học sinh tăng đột biến không thuyết phục. 

Một số chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận SGK là mặt hàng đặc biệt, việc in và phát hành không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là trách nhiệm xã hội vì liên quan mật thiết đến mọi gia đình. Nếu chỉ có duy nhất NXB in SGK như hiện nay thì việc phát hành sách cần đặt nhiệm vụ chính trị lên trên hết chứ không đơn thuần là kinh doanh. Ngoài ra, không ít ý kiến lo ngại về tính độc quyền trong in SGK tồn tại trong thời gian dài cũng là nguyên nhân dẫn đến một số bất cập về chất lượng sách, giá cả,...

Lãng phí?

Trước tình trạng thiếu SGK hiện nay, thiết nghĩ câu chuyện về sử dụng, bảo quản SGK cần được nhắc lại. Kết thúc năm học 2017-2018, báo chí cũng đã đề cập đến tình trạng đáng tiếc khi ở thành phố hàng triệu cuốn sách giáo khoa bị vứt bỏ hoặc bán đồng nát. Trong khi ở các trường vùng nông thôn, miền núi, rất nhiều học sinh thiếu sách học, các thầy cô phải vất vả đi xin sách cũ cho học sinh. 

Theo chị Minh Hà (Thanh Trì, Hà Nội), mỗi năm gia đình chị phải chi ra cả triệu đồng để mua sách giáo khoa cho hai con học, học hết năm là bỏ. Thậm chí có những quyển ở dạng tham khảo, hay một vài quyển bài tập, tài liệu tìm hiểu về Hà Nội hay địa lý gì đó thì còn mới nguyên. Những quyển ấy đi theo nguyên bộ sách (giá cũng hơn 10 ngàn đồng/ quyển) nhưng con không dùng đến mấy khi. Hết năm lại bán đồng nát. Thật ra chẳng dám để lại cho hàng xóm vì sợ họ nghĩ coi thường nhà họ nghèo không mua nổi bộ sách cho con. Kỳ lạ, năm học mới, nhà nào cũng kêu khó khăn trước các khoản đóng góp, sách vở nhưng rồi vẫn cố phải mua bộ sách mới chứ không dùng sách cũ. Trước đây, thế hệ chúng tôi, anh chị đi học có trách nhiệm giữ sách để lại cho em. Chứ bây giờ, hầu hết học sinh không còn được nhắc nhở ý thức giữ gìn, bảo quản sách như trước kia.

Chị Thanh Hòa (Trung Tự, Hà Nội) thì băn khoăn, bộ sách mua mới hết 3-400 ngàn, học xong cho người khác thì còn giá trị chứ bán đồng nát thì chỉ được chục ngàn đồng. Khổ nỗi, năm nào Bộ  cũng có sửa đổi, thêm bớt nên con phải mua sách mới. Ngoài ra, học sinh cũng mua thêm rất nhiều loại tham khảo khác như Kỹ năng sống, tài liệu dạy nếp sống văn minh thanh lịch Hà Nội, sách tiếng Anh theo chương trình liên kết. Đặc biệt là sách bài tập in luôn phần giải bài của học sinh. Những cuốn sách bài tập này chỉ dùng một lần vì học sinh đã viết vào phần trả lời câu hỏi, đáp án. Bản thân học sinh cũng không có ý thức giữ gìn, trân trọng sách như trước đây khi mà mỗi bộ SGK đều phải thuê, mượn từ thư viện, dùng xong phải trả lại để phục vụ học sinh năm sau. 

Theo các nhà quản lý giáo dục, tình trạng SGK chỉ sử dụng 1 lần, không sử dụng được cho năm sau như hiện nay là rất lãng phí. Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, trước đây học sinh đi học rất ít khi được dùng sách mới, chủ yếu là dùng lại sách từ các khóa trước.

Thời đó, sách cũng ít có sự điều chỉnh như bây giờ, nếu có tái bản, thông tin sẽ được đính chính dưới chân trang nên sử dụng lâu dài được. Nhưng hiện nay, ở nhiều nước có điều kiện kinh tế phát triển vẫn áp dụng phương pháp này, sách cũ được mượn lại của nhà trường và chỉ phải nộp một khoản phí rất nhỏ. Ở nước ta, hàng năm phụ huynh đều phải mua hàng chục cuốn sách mới cho con. Trong khi ở thành phố SGK phần lớn bỏ đi sau một năm học thì nhiều trường tại vùng khó khăn lại luôn thiếu sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh. 

Lê Hùng

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ