A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thi THPT quốc gia 2019: Giám sát chấm thi là yêu cầu quan trọng

08:36 | 16/10/2018

Bộ GDĐT vừa chính thức thông báo, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2018,...

.... nhất là khâu chấm thi, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình GDPT mới.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hà Nội.

Băn khoăn chấm thi theo cụm

Trước đó, vào ngày 12/10 Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương báo cáo Thủ tướng việc hoàn thiện quy trình tổ chức thi THPT quốc gia, khắc phục bất cập không để tái diễn các sai phạm như trong kỳ thi năm 2018.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây nhất, Bộ GDĐT đã có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018, dự kiến chương trình năm 2019 đối với lĩnh vực GDĐT. Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, Bộ GDĐT cho biết nhằm khắc phục bất cập trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ đã chỉ đạo toàn ngành rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo giám sát chặt chẽ, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi. Bộ cũng sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi đảm bảo đáp ứng mục đích, tính phân hóa hợp lý. Đặc biệt, Bộ GDĐT sẽ cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi. Theo đó, năm 2019 Bộ sẽ tổ chức chấm theo cụm với nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức chấm chéo với mong muốn giảm tiêu cực. Theo TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nếu chấm chéo mà vẫn giao quyền về cho địa phương thì chưa hẳn đã tốt. Cho nên sẽ phù hợp hơn nếu giao quyền chấm thi về cho các trường ĐH, hoặc trung tâm khảo thí uy tín. Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cũng nhận định: Ở góc độ kỹ thuật, việc chấm chéo vẫn có thể thực hiện được nhưng cốt lõi vẫn là con người. Bởi trên thực tế quy trình thi, các quy định, quy chế thi khá chặt chẽ nhưng qua những vụ việc gian lận trong thi THPT quốc gia 2018 vừa qua cho thấy chủ yếu là do yếu tố con người ở các hội đồng thi không tuân thủ quy định, quy chế thi. Kèm đó là bộ phận giám sát không thực hiện hết chức trách của mình để kiểm tra, phát hiện gian lận. Vì lẽ đó, muốn kết quả trung thực thì phải siết cả quy trình chứ không nên chỉ tập trung vào một khâu nào đó. 

Tương tự, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất nên để các trường ĐH chủ trì công tác chấm thi và tự chịu trách nhiệm bằng chất lượng đào tạo và uy tín của mình. Ngoài ra, khâu giám sát khi chấm thi rất quan trọng và người giám sát được can thiệp tới đâu cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Ông Tớp nêu rõ: Phải giám sát chặt chẽ không được để xảy ra gian lận như năm 2018.

Băn khoăn phương án tuyển sinh 

Mới đây, khi đề cập tới kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay: Tới đây, kỳ thi sẽ không phục vụ 2 mục đích, mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp THPT. Do đó nội dung, mức độ, yêu cầu đạt được phải gắn với THPT quốc gia, miễn là phải phản ánh thực chất, minh bạch, công khai. Còn các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi là việc của các trường.

Như vậy, nếu kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp, các trường ĐH dùng kết quả thi để tuyển sinh sẽ không thực chất. Dẫu thế, cho đến thời điểm hiện tại, cũng chưa có trường ĐH, CĐ nào đưa ra phương án tuyển sinh riêng. Đại diện nhiều trường ĐH cũng chia sẻ, rất khó để đứng ra tuyển sinh riêng trên toàn quốc, mà cơ bản vẫn dựa chủ yếu vào điểm thi THPT quốc gia.

Như vậy, với những đổi mới, điều chỉnh về kỹ thuật mà mục đích hướng tới chỉ để xét tốt nghiệp THPT năm 2019 thôi thì chưa đủ. Chấm chéo, hay sử dụng máy chấm trắc nghiệm vẫn cần đến sự khách quan và công tâm của con người. Một câu hỏi lớn đang đặt ra là phương án tuyển sinh nào cho các trường ĐH, CĐ khi không còn nhiều thời gian từ nay cho đến kỳ thi và tuyển sinh năm 2019. Bởi suy  cho cùng, xét tốt nghiệp, công nhận cho người học đã hoàn thành chương trình THPT vẫn dễ chấp nhận hơn  là “tháo khoán” đầu vào ĐH - xuất phát từ bệnh thành tích của các địa phương.      

Minh Quang 

    nguồn “nongnghiep.vn”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ