A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đón chương trình, sách giáo khoa mới: Khắc phục trở ngại

08:57 | 19/10/2018

Đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đây là bước đệm quan trọng để thực hiện thành công chương trình, SGK phổ thông mới áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

 Nhưng vẫn còn đó những trở ngại, rào cản cần được khắc phục...

Cần có thời gian để các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh tìm hiểu, lựa chọn bộ sách phù hợp. 

Dùng sách giáo khoa nào?

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, bắt đầu từ năm học 2019 - 2020, học sinh lớp 1 học bộ SGK mới. Các năm tiếp theo sẽ lần lượt đến lớp 6 và lớp 10. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy một năm là đến thời hạn bắt đầu nhưng hiện tại, đã gần hết tháng 10, chương trình các môn học trong giáo dục phổ thông mới vẫn chưa ban hành. Hàng loạt công việc tiếp theo sẽ phải thực hiện như: thông báo để các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký viết SGK; nghiên cứu chương trình để biên soạn sách; thẩm định, phê duyệt rồi mới phát hành SGK. Chưa kể, sau khi có SGK cũng cần có thời gian để các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh tìm hiểu, dạy học thử nghiệm để có thể lựa chọn bộ sách phù hợp nhất. 

Trong bối cảnh đó, Bộ GDĐT dự kiến sẽ quyết định lùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình, SGK đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 thay vì 2019-2020 như kế hoạch ban đầu. 

Một lần nữa, ý kiến không đánh đổi tiến độ lấy chất lượng lại được nhiều người nhắc lại và ủng hộ quyết định của Bộ GDĐT. Nhưng băn khoăn cũng không ít vì đến nay, sau tròn 10 tháng công bố dự thảo chương trình môn học, dự thảo vẫn là... dự thảo. Mặc dù chương trình tổng thể đã được ban hành nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chương trình chi tiết môn học mới thể hiện cụ thể là đã giảm tải những phần không phù hợp, quá khó, giảm lý thuyết, tăng giờ thực hành... hay chưa như những gì Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đề cập trước đó. 

Bên cạnh đó, hình hài những bộ/cuốn SGK sẽ ra sao khi thông tin trên truyền thông, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, một số nhà xuất bản đã rất nhạy bén, đã bắt tay viết SGK mới. Khi có chương trình môn học chính thức, họ sẽ đối chiếu và chỉnh sửa, in sách. Câu hỏi đặt ra là, cơ sở nào để các nhà xuất bản này viết sách? Ngay cả dự thảo chương trình môn học vẫn còn chưa được thông qua thì việc “cầm đèn chạy trước ô tô” như vậy có đúng và có hiệu quả? 

Với quyết định một chương trình nhiều bộ SGK của Quốc hội trước đó, vấn đề xóa bỏ độc quyền trong biên soạn, phát hành SGK lâu nay được kỳ vọng sẽ thay đổi. Ngược lại, vấn đề “đi đêm” để các trường chọn sách của đơn vị này thay vì đơn vị kia để dạy học sinh lại khiến nhiều người lo ngại. Mặc dù Bộ GDĐT khẳng định đã và sẽ ban hành những quy định, chế tài để ngăn chặn, xử lý tiêu cực nhưng vấn đề thực thi những quy định này như thế nào phụ thuộc vào từng địa phương. Nếu có xảy ra sai phạm được phát hiện, thì khi đó, rất có thể lứa học sinh thử nghiệm cũng đã hoàn thành chương trình!

61/63 tỉnh thành thiếu giáo viên

Hai điểm nóng về thiếu giáo viên và áp lực sĩ số của ngành giáo dục đã được đề cập trong rất nhiều hội nghị, hội thảo không chỉ của ngành giáo dục mà trên nghị trường quốc hội nhiều kỳ gần đây cũng nóng vấn đề này. Thống kê mới nhất, cả nước chỉ có Đà Nẵng và Đồng Nai là đủ giáo viên. 21/63 tỉnh thành thiếu từ 1.000 giáo viên trở lên, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học. Với 27 tỉnh thiếu giáo viên đang có nhu cầu tuyển dụng nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới trong năm học 2018-2019, bài toán đổi mới chất lượng giảng dạy ở bậc học phổ thông thực sự là một thách thức. Trong đó, tổng số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 18.953 người chỉ tính riêng cấp tiểu học.

Giải pháp tạm thời trong năm học 2018-2019, Bộ GDĐT đã đề nghị uỷ ban chuyên trách của Quốc hội kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương ký hợp đồng làm việc có thời hạn đối với những nơi tăng trưởng “nóng” dẫn đến thiếu giáo viên mà địa phương không thể điều tiết để tăng cường giáo viên cho những nơi thiếu.

Về lâu dài, Bộ GDĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Cùng với đó, Bộ này đã chủ trì, phối hợp với các các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo Luật Viên chức, góp phần phát triển và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đối với vấn đề áp lực sĩ số, hướng dẫn mới nhất từ Bộ GDĐT gửi các Sở GDĐT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cho biết, đối với các cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc TP lớn đông dân cư nếu thiếu phòng học nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học, tùy từng trường học cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành. Mặc dù còn nhiều băn khoăn về phương án này nhưng trong bối cảnh chưa thể tìm được quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường mới thì giải pháp nâng tầng được nhiều chuyên gia tán thành. Đi kèm với đó là các điều kiện đảm bảo an toàn khác cho học sinh ở các ngôi trường này như sau khi thực hiện nâng tầng các công trình để bố trí các phòng học và phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp; các khu vực hiệu bộ, phòng hành chính, khu vực của giáo viên.... được bố trí tại tầng cao... như Bộ GDĐT đã hướng dẫn. 

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được tổ chức tại ĐH Sư phạm Hà Nội mới đây đã nhấn mạnh Nghị quyết 29 như một luồng gió mới làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của đội ngũ giáo viên – yếu tố quyết định sự thành bại của lần đổi mới chương trình, SGK này. Tuy nhiên, với bộn bề công việc còn phải làm, xã hội và nhân dân vẫn đang kỳ vọng nhiều hơn vào những thay đổi tích cực, hiệu quả hơn từ ngành giáo dục nước nhà. 

Thu Hương

    nguồn đaioanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ