A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo viên, thừa và thiếu

15:19 | 22/10/2018

Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh, thành phố không thiếu giáo viên là Đà Nẵng, Đồng Nai; còn 21 tỉnh thiếu nhiều giáo viên (thiếu từ 1.000 giáo viên trở lên), đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non, tiểu học.

Hà Nội là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất với 12.681 giáo viên. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang là bài toán khó của ngành giáo dục và đào tạo.

Trong một lớp mầm non.

Thừa - thiếu cục bộ 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tính đến ngày 15/8, toàn quốc có trên 1,16 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, giáo viên trường công lập là gần 1,1 triệu người, giáo viên trường ngoài công lập là trên 71.000 người. Chia theo bậc học, bậc mầm non có 309.770 giáo viên. Bậc tiểu học có 395.848 giáo viên. Bậc trung học cơ sở có 305.815 giáo viên. Bậc trung học phổ thông có 149.710. 

So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người. Số lượng thiếu tập trung chủ yếu ở bậc mầm non, thiếu 43.732 người; tiểu học thiếu 18.953 người; trung học cơ sở thiếu 10.143 người; trung học phổ thông thiếu 3.161 người. Riêng cấp trung học cơ sở có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được. 

Lý giải tình trạng bất cập này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, trước năm 2015, thực hiện Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, các địa phương chủ động phê duyệt biên chế. Do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ, dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ. Đặc biệt là, từ sau năm 2011, việc chuyển đổi mô hình trường bán công (không còn mô hình trường bán công) đã dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên ở các trường bán công vào các trường công lập tăng lên, nhiều nơi tuyển dụng vào các trường công lập nhiều hơn chỉ tiêu biên chế được giao.

Bên cạnh đó, theo bà Nghĩa, dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng giáo viên. Đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sỹ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần đảm bảo đủ giáo viên theo quy định. 

Bà Nghĩa cũng phân tích: Việc thừa, thiếu giáo viên diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác, giáo viên cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển giáo viên giữa các địa phương cũng khó khăn vì các địa phương được tổ chức tuyển dụng riêng. 

Bộ GDĐT cho rằng việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở, phòng giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên. Vì thế, các đơn vị này không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.  Sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hầu hết các tỉnh, thành không được giao thêm biên chế giáo viên mặc dù số học sinh ở các địa phương trong thời gian qua vẫn tăng. 

Giải pháp tháo gỡ?

Trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên gây bức xúc tại nhiều địa phương, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì (Bộ GDĐT, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp) khẩn trương rà soát và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế. 

Bộ GDĐT cho biết Bộ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức giáo viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp... theo quy định của Luật Viên chức. Bộ cũng đã có các văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tình hình bố trí, sử dụng giáo viên mầm non, phổ thông và thực hiện tinh giản biên chế.

Kế hoạch sắp tới, Bộ GDĐT sẽ xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học và thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để thiếu giáo viên, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các địa phương không tinh giản biên chế một cách cơ học đối với đội ngũ giáo viên: “Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến năm 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp. Tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy. Sắp xếp trường lớp cũng phải trên điều kiện thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình, bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày, bảo đảm sĩ số; giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản”.

    Minh Hà

    nguồn đaioanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ