A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tránh lãng phí sách giáo khoa

13:54 | 19/03/2019

Câu chuyện sách giáo khoa (SGK) cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề này cũng thực sự “nóng” trên bàn nghị sự, khi vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn quanh việc sử dụng một hay nhiều bộ SGK,...

.... làm thế nào tránh lãng phí trong in ấn SGK, việc thẩm định SGK trong xu thế xã hội hóa sẽ ra sao, người học sẽ lựa chọn SGK theo tiêu chí nào…, khi mà công tác chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới không còn nhiều thời gian.

Sách giáo khoa phổ thông là vấn đề được xã hội quan tâm.

Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông, SGK. Một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT), bảo đảm tính khả thi.

Đây là những quan tâm rất “sát sườn” khi thời điểm triển khai Chương trình GDPT mới đã và đang cận kề.  Trong khi, theo tinh thần các Nghị quyết về đổi mới giáo dục, Chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành sau khi được Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Và SGK  là công cụ để triển khai Chương trình GDPT và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng Quốc gia thẩm định. 

Đáng lưu ý hơn cả là vấn đề lãng phí SGK lâu nay vẫn được đặt ra khi mỗi năm, tính trung bình phụ huynh cả nước chi 1.000 tỷ đồng mua SGK rồi bán… đồng nát. Đơn cử như năm học 2018-2019, NXB Giáo dục Việt Nam đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK. 100 triệu bản sách này sang năm sau hoàn toàn không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng để... bán đồng nát. Nguyên nhân lãng phí được chỉ ra là do những quyển sách đó chỉ sử dụng một lần bởi có phần bài tập đi kèm học sinh phải điền vào phần bài giải… 

Sắp tới đây, khi thực hiện Chương trình GDPT mới, nếu như triển khai một chương trình nhiều SGK thì vấn đề lãng phí SGK càng cần được giải quyết rốt ráo. Bởi nếu như năm nay nhà trường học sách này, sang năm học sách khác, của đơn vị khác biên soạn, xuất bản… thì kể cả khi học sinh giữ gìn cuốn SGK cẩn thận trong khi học thì việc tái sử dụng hầu như là rất khó. 

Được biết, hiện nay Bộ GDĐT đang giao Cục Cơ sở vật chất chủ trì xây dựng dự thảo đề án củng cố, nâng cao chất lượng thư viện trường phổ thông. Nội dung dự thảo dự kiến sẽ “quét” hết các vấn đề cần phải giải quyết trong công tác thư viện trường học hiện nay, trong đó quan trọng nhất là đưa ra được mô hình quản lý thư viện trường học. Mục tiêu của dự thảo đề án là tạo ra được định hướng cho các cơ sở giáo dục, các phòng, các sở giáo dục chỉ đạo thực hiện. Kinh phí hoạt động của thư viện là tập trung vào xã hội hóa. Ví dụ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các cựu học sinh có các hoạt động đóng góp cho thư viện, chẳng hạn như tặng sách (trong đó có SGK) làm giàu kho học liệu cho nhà trường.

Dự kiến cuối năm nay Cục sẽ hoàn thành dự thảo đề án, trình Bộ phê duyệt. Trên cơ sở đề án, sẽ sửa đổi Quyết định 01 (được ban hành năm 2004) quy định về tiêu chuẩn của thư viện cho sát với tình hình thực tiễn hiện nay. Theo đó, nếu làm tốt việc kêu gọi học sinh dùng xong SGK tặng lại cho thư viện nhà trường thì giải quyết được đồng thời nhiều vấn đề, bao gồm việc khuyến khích người học dùng SGK mượn, giảm lãng phí xã hội. Việc khuyến khích học sinh tặng SGK đã qua sử dụng cho nhà trường nghĩa là chúng ta cũng khuyến khích học sinh có ý thức giữ gìn SGK. Chỉ sau một vài năm thì kho SGK trong nhà trường sẽ trở nên dồi dào, để những học sinh nào có nhu cầu mượn SGK thì thư viện nhà trường sẽ đáp ứng được. 

Đóng góp của nhiều chuyên gia cho chương trình và SGK mới đều có sự thống nhất rằng: Về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, trước hết, cần hiểu là vẫn có một bộ SGK chính thống nhưng bên cạnh đó sẽ bổ sung thêm nhiều bộ SGK phụ với mục đích tham khảo, không bó hẹp chương trình và khuôn khổ học tập. Cần phải làm rõ vấn đề này, đồng ý cho phép có nhiều bộ sách nhưng phải có khung, có tiêu chuẩn, nếu cứ để “mạnh ai người nấy làm”, sản xuất tràn lan, giống như kinh doanh sách thì hoàn toàn không được. Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh, dù ai biên soạn SGK thì vẫn có Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung.

Ngoài ra, việc trao quyền lựa chọn SGK cho nhà trường, cha mẹ học sinh là để đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt trong giảng dạy, đặc biệt là để phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng địa phương, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của mỗi vùng, miền và cộng đồng dân cư.  

 Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ