A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Luật và thực tiễn cuộc sống

09:41 | 06/04/2019

Ngày 4/4, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu đã phát biểu đóng góp cho Dự thảo Luật này.

Như vậy, kể từ khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi cho đến nay, đặc biệt là sau khi có báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Luật Giáo dục (sửa đổi) - tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, với nhiều chính sách mới được đưa vào Dự thảo, nhưng sự quan tâm đến Dự thảo Luật này chưa bao giờ hết “nóng”.

Trong lớp học. Ảnh: Bá Hoạt.

Một trong số những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay vẫn là câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) trong chương trình GDPT. Nhiều ý kiến vẫn bày tỏ những quan điểm khác nhau về “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Không ít người lo ngại nhiều bộ SGK sẽ gây khó khăn khi thi cử; song cũng có người cho rằng đây là xu thế quốc tế. Cùng với đó, trước vấn nạn bạo lực học đường đang diễn ra ở nhiều địa phương, trong cuộc họp vừa qua, nhiều đại biểu đã đề nghị Luật cần quy định rõ trách nhiệm của nhà trường để đảm bảo môi trường giáo dục thân thiện, các em cùng nhau học tập…

Thời gian qua, việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) bao gồm nhiều nội dung: Từ hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; tài chính và đầu tư cho giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục; chính sách đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với người học; đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; thanh tra, kiểm tra. Trong đó, những đóng góp tập trung nhiều nhất ở các nội dung đổi mới chương trình và SGK; lương giáo viên; đào tạo và tuyển dụng ngành sư phạm; chính sách học phí cho học sinh phổ thông…

Trước đó, trong tháng 2/2019 thay mặt Chính phủ, trình bày báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay: Với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý, kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với Dự thảo Luật này.

Dẫu thế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, có 4 vấn đề phức tạp và còn có nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm chính sách tiền lương của nhà giáo; không thu học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập; việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, quy định cụ thể nhiệm vụ của các bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

Thường trực cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng cho rằng, để Luật Giáo dục (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đối tượng tham gia đóng góp ý kiến cần đa dạng và đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến chưa thu hút được sự quan tâm của các nhóm đối tượng ngoài ngành giáo dục, nhất là ý kiến của những người sử dụng sản phẩm của giáo dục, đào tạo.

Đây không phải lần đầu tiên, việc sửa đổi Luật Giáo dục được đặt ra và thực hiện. Trước đó, cải cách giáo dục ở nước ta là các thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục phổ thông và đại học từ sau năm 1976, bao gồm những thay đổi liên quan tới chương trình giáo dục, nội dung SGK, phương pháp dạy học, cách thức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học.

Luật Giáo dục đã được ban hành và sửa đổi ở các đợt khác nhau trong các năm 1998, 2005, 2009, qua quá trình thực hiện đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên cũng đã nảy sinh một số điểm hạn chế, bất cập, một số quy định của Luật chưa đi vào cuộc sống.

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, một số nội dung của Luật cần sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng hơn để dễ hướng dẫn, dễ thực hiện; đồng thời nhằm tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện dự luật này thì đời sống xã hội và môi trường giáo dục đã và đang xảy ra nhiều vấn đề. Trong đó có nạn bạo hành học đường, gian lận thi cử, việc công nhận chức danh giáo sư, độc quyền sách giáo khoa... Do đó, ngoài việc cần tiếp thu đa số ý kiến nhân dân để tạo ra sự đồng thuận trong dư luận, một yêu cầu lớn đặt ra là cần điều chỉnh làm sao để những quy định của luật bám sát hơn vào những vấn đề mang hơi thở cuộc sống, của môi trường giáo dục hiện nay.  

 Vi Cầm

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ