A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đề án Đổi mới Chương trình, SGK sau 2015: Tiếp tục rối bời, vì sao?

13:53 | 23/04/2014

Đề án cải cách giáo dục của Bộ GD&ĐT đang lúng túng, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Liệu có "vỡ trận” không khi Bộ trưởng Bộ này vừa phải đính chính gói kinh phí khổng lồ hơn 34.000 tỷ đồng không có trong dự án?

 Chỉ khi Bộ chấm dứt những bất nhất trong hành động, biết lắng nghe nhân dân và các nhà khoa học, Đề án mới có cơ sáng lên được.

 
 
Bộ GD&ĐT chưa lắng nghe tiếng nói của học sinh?
 
Coi nhẹ tư vấn phản biện 
 
Cách đây gần 3 năm, tháng 6-2011, tham dự buổi góp ý kiến cho Đề án "Đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015” của Bộ GD&ĐT, do Liên hiệp các Hội KH&KT VN (VUSTA) tổ chức, GS Chu Hảo và nhiều nhà khoa học có mặt đều ngạc nhiên về con số dự toán kinh phí khổng lồ của Đề án, 70.000 tỷ đồng. 
 
Những điểm mà nhiều người phản biện về con số dự toán, khái toán này từng được báo chí truyền tải dày đặc hồi đó. "Càng ngẫm tôi lại càng băn khoăn, e rằng cách làm không bình thường này lại có vẻ như thông thường của Bộ GD&ĐT, rằng sự dễ dãi trong sử dụng tiền thuế của nhân dân, sự thiếu minh bạch về tài chính vẫn tiếp diễn...” - GS Chu Hảo nói. 
 
Vị GS này cũng nhấn mạnh dự toán kinh phí trên hoàn toàn không có cơ sở, không theo chuẩn mực nào và quá lớn. Lãnh đạo VUSTA đã có công văn tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, những góp ý rất cởi mở, thẳng thắn, phong phú, khá tập trung, rất xác đáng, trí tuệ và xây dựng. Nhưng VUSTA sau đó gửi cho Bộ GD&ĐT chưa, Bộ xử lý sao, quả báo chí không rõ.
 
Đề án "Đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015” được đưa ra tham vấn VUSTA từ ngày ấy, mà giờ đây dự thảo mới vẫn "gạt” đi tất cả phần nội dung dự kiến kinh phí, như thanh minh tối 20-4 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Vì sao những tính toán đó chưa đưa vào, thì quả là không ai rõ. "Nhưng chắc chắn rằng phải có tiền mới làm được, không có tiền thì không làm được!” - GS Đinh Quang Báo, thường trực Ban chỉ đạo đổi mới SGK nói. 
 
Đề án cải cách giáo dục của Bộ GD&ĐT đang rối bời, có lý do đã rõ: Sự thiếu quan tâm tới đội ngũ chuyên gia trong và ngoài VUSTA có nhiệt huyết, từng tham gia vấn đề này. Không huy động được đúng các chuyên gia am hiểu sâu vấn đề và có trách nhiệm với xã hội. Với một đề án cụ thể này không nhất thiết cần nhiều chuyên gia, nhưng quan trọng là thể hiện được tính khách quan, khoa học, phản ánh trung thực ý kiến của dư luận xã hội.
 
Bộ GD&ĐT không thể kéo dài hơn nữa tình trạng "chấp” tư vấn phản biện, đặc biệt với những Đề án lớn như "Đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015”, được chính Bộ trưởng ví như trận đánh lớn.
 
Chưa nghe giáo viên, học sinh, báo chí 
 
Những ý kiến từ báo chí, phản hồi từ báo chí về Đề án trên cũng chưa được Bộ xem xét, trả lời thấu đáo. Điều này có thể thấy rõ tại cuộc họp báo định kỳ quý I/2014 mới đây, do Bộ tổ chức hôm 15-4. 
 
Nóng chuyện gói kinh phí khổng lồ, có nhiều phóng viên nhắc lại câu hỏi 34.275 tỷ bao gồm chi những đầu mục gì, ông Phó Vụ trưởng Vụ THPT buộc phải thú thực là "tôi không nhớ vì phần này tôi không phụ trách. Hôm qua Thứ trưởng Hiển đã nêu lên bảy, tám đầu việc”… 
 
Một phóng viên cho biết hiện tại báo đang nhận được phản hồi của một HS lớp 12 đề cập đến vấn đề cấu trúc lại chương trình THPT. Trước khi gửi thư cho báo, HS này đã gửi thư cho Bộ GD&ĐT nhưng HS này chia sẻ là: "Em không nhận được bất cứ một phản hồi nào từ phía Bộ, mặc dù đây là những tâm huyết của bản thân em”. HS này đưa ra cấu trúc học đến lớp 9 và sau đó chúng ta sẽ kéo dài thời gian học ĐH hơn để có thể chuẩn bị đầy đủ về năng lực, kỹ năng… để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. HS này cũng thắc mắc rằng với tất cả những thay đổi của Bộ GD-ĐT thì người ảnh hưởng trực tiếp nhất phải là HS. "Nhưng chưa bao HS chúng em được hỏi ý kiến, suy nghĩ gì về những đổi mới này. Và khi chúng em muốn Bộ tiếp nhận ý kiến thì lại không nhận được phản hồi gì từ Bộ”. HS này gửi thư đến địa chỉ Bộ là: bogddt@moet.edu.vn mà không nhận được phản hồi gì. PV đã thay mặt cho HS này, cũng như nhiều HS khác muốn Bộ cho biết quan điểm của mình, bởi HS là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất những quyết định của Bộ GD&ĐT..
 
Trả lời câu này, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc HS phản hồi, kể cả Bộ trưởng, Thứ trưởng cũng thường xuyên nhận được và cũng thường xuyên trả lời. "Có thể thư của em không đến đúng địa chỉ trả lời hoặc quá nhiều thư. Những trường hợp này chúng tôi rất mong báo chí phản ánh lại cho Phòng Báo chí tuyên truyền, Văn phòng Bộ. Chúng tôi đảm bảo rằng tất cả những đồng chí lãnh đạo của Bộ ở đây đều sẵn sàng trả lời GV, HS”. 
 
Nên chăng, Bộ mở kênh riêng lắng nghe GV, HS góp ý cho Đề án, có người giám sát thường xuyên. Bởi lẽ mọi đổi mới GD&ĐT liên quan trước hết đến đối tượng trung tâm này. Báo chí nếu có cũng chỉ có thể chuyển tải phần nào. Chừng nào kênh thông tin này chưa được coi trọng lắng nghe, xử lý kịp thời, minh bạch, chừng đó Đề án còn rối, nhiều chủ trương giáo dục còn xa dân!
 
Kinh phí lấy từ đâu?
 
Cũng tại họp báo, một phóng viên cho biết khi phỏng vấn một chuyên gia về GD đã phản ánh nhiều vấn đề SGK, ông đã gửi 1 câu hỏi nhờ PV chuyển đến Bộ GD&ĐT. Đó là sau thông tin về Đề án với kinh phí hơn 34 nghìn tỷ đồng, ông cho rằng đã nhiều năm nay ông đưa ra con số là chỉ làm SGK với 100 tỷ đồng. Nhưng chưa bao giờ thấy Bộ GD&ĐT hỏi là ông là ai và làm như thế nào để làm chỉ 100 tỷ đồng. 
 
Đại diện Bộ cho biết: Nếu có một GS nào đó nói rằng 100 tỷ có thể viết được bộ SGK thì chúng tôi chưa nhận được kiến nghị cụ thể, không hiểu là như thế nào. 
 
Đó là điển hình của thiếu kênh lắng nghe và Bộ GD&ĐT đang phải trả giá đắt cho sự "bế quan tỏa cảng”, mất lòng tin của xã hội vào những quyết sách của mình, dù chỉ là "bảo vệ thử”. Còn một câu hỏi nữa của bạn đọc mới chuyển đến tòa soạn ĐĐK hôm qua 21-4, liên quan đến Đề án này, là sau lời nhận trách nhiệm của Bộ trưởng trên VTV tối 20-4 về sơ suất rất đáng tiếc và "Bộ xin nhận trách nhiệm về việc này”, xin Bộ trưởng làm rõ Bộ nhận trách nhiệm cụ thể là ai, mức độ ra sao?
 
Quả việc một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án đổi mới giáo dục có gói kinh phí hơn 34.000 tỉ cho việc đổi mới SGK, mà như khẳng định của Bộ trưởng Luận là lãnh đạo Bộ chưa hề xem xét đến kinh phí, chỉ xem xét đến chủ trương, vậy thì kỷ cương, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ đang có vấn đề?
 
Sự cấp bách của việc đổi mới GD&ĐT đã rõ. "Giáo dục liên quan đến tất cả mọi người dân, một sự thay đổi nhỏ không phù hợp sẽ liên quan đến tương lai của một đời người và cộng lại là nhiều năm đối với tương lai của một dân tộc. Chính vì thế, chúng ta phải quyết liệt nhưng phải làm hết sức trí tuệ và bình tĩnh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại một Hội nghị của ngành cuối năm ngoái. Ông cũng lưu ý một khâu đột phá của GD&ĐT trước hết phải thay đổi quản lý giáo dục. "Tôi đề nghị cần đổi mới ngay công tác này tại Bộ GD&ĐT đầu tiên” - mong lãnh đạo hãy Bộ thực thi nghiêm chỉ đạo này.
 
Thanh Lê - Ngân Hà

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ