A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bộ tạm lùi tìm đột phá?

14:10 | 27/04/2014

Việc Bộ GD&ĐT chính thức xin lùi thời hạn trình Quốc hội dự thảo Đề án đổi mới chương trình (CT), SGK phổ thông sau năm 2015 đã đặt ra một vấn đề quan trọng trước những người có trách nhiệm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Đó là cần tham chiếu ý kiến các chuyên gia có uy tín đã và đang theo đuổi sứ mệnh GD tiên tiến thay vì những người quen "nói cho hả”.

 
 
Học sinh trước mùa thi
 
Không bất ngờ
 
Những bất ngờ nhất trong sóng gió GD dường như đã qua, hoặc chưa tới, nên việc hôm qua (25-4) Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) rút nội dung về báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về Đổi mới CT và SGK giáo dục phổ thông khỏi chương trình làm việc phiên họp toàn thể thứ 6 của Ủy ban không gây bất ngờ. Nhiều chuyên gia thậm chí cho đó là đương nhiên, không thể khác.
 
Lùi là đúng, theo Giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ, hồ sơ mà Bộ GD&ĐT được Chính phủ ủy quyền trình sang UBTVQH chưa đầy đủ, báo cáo tổng kết việc thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông chưa có, báo cáo tác động cũng sơ sài.
 
Vả lại, nhiều người đều đã chỉ ra Đề án đổi mới GD mới chỉ chủ yếu đề ra các định hướng lớn mà chưa có nhiều giải pháp cụ thể. Để có thể triển khai thì khâu tổ chức thực hiện luôn là vấn đề hết sức quan trọng. Hơn nữa, như cố GS Nguyễn Thiện Tống từng lưu ý: Giải quyết vấn đề giáo dục không thể theo cách của "phổ thông đầu phiếu”. 
 
Hay như đề xuất của TS Nguyễn Khánh Trung, để thực hiện thành công lộ trình cải cách trong giáo dục, việc đầu tiên nên làm là các nhà lãnh đạo cao nhất phải thay đổi lề lối tư duy, thay đổi tầm nhìn. Cần có một viễn kiến chính xác, không tách biệt với đường đi chung của nhân loại. Từ đó mới đưa ra những mục tiêu giáo dục quốc gia và các địa phương. Thiết kế lại nội dung CT và cách thức tổ chức giảng dạy, thi cử trong nhà trường. 
 
Vậy mới cần thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới GD&ĐT. Ủy ban Quốc gia này sẽ chỉ đạo cải cách GD, sẽ vạch ra lộ trình và kế hoạch cụ thể để thực hiện cải cách sau khoảng một thập kỷ, áp dụng tốt trong thực tiễn VN.
 
Nói đi, nên nhìn lại
 
Đúng là gần đây Bộ đã có những hành xử tiền hậu bất nhất, có những sơ suất "mệt” đến nỗi Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm trên truyền hình về con số 34.000 tỷ đồng làm đề án đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông, sau khi dư luận phản ứng mạnh. 
 
Hàng loạt bất cập, yếu kém cũng đã kéo dài mà tới đây, trước hết Bộ phải tổng kết việc thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, tổng kết từ cơ sở lên. Báo cáo giám sát của Quốc hội dù có cũng không thể thay thế báo cáo tổng kết của Bộ. 
 
Nhìn rộng hơn, những vấn đề của GD mà báo chí nêu hằng ngày chẳng qua là biểu hiện của "lỗi hệ thống”. Bao năm qua chúng ta đã loay hoay, cam chịu làm nô lệ cho chính cái lỗi hệ thống đó, không đủ dũng cảm vượt thoát ra để đưa GD đi lên. Trong sự xuống cấp đó, những lỗi hệ thống đó, có trách nhiệm của nhiều người, trong đó có nhiều vị nguyên là lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
 
Thế nên khi nghe những phê phán gay gắt về sai lầm trong GD&ĐT, thậm chí thiếu nước "chan tương đổ mẻ” của một số nguyên quan chức bộ, của những chuyên gia từng "làm đủ, ăn đủ” khi biên soạn bộ SGK hiện hành, nhiều người ngạc nhiên. Thái độ của họ như kẻ "qua cầu rút ván”, trách nhiệm không liên quan. Dường như nhiều người vội quên mình chính là tác giả đã và đang làm oằn lưng các thế hệ học trò bởi chiếc cặp nặng cân nhẹ chữ, của thất nghiệp cử nhân kéo dài? Cũng hầu như chưa thấy ai "sám hối” hoặc chỉ ra "kinh nghiệm xương máu” như bài học nằm lòng, răn người đảm nhận trách nhiệm đổi mới GD&ĐT hôm nay đừng đi vào vết xe đổ. 
 
Chỉ thấy triền miên bài ca phê và chê, phê nữa, chê mãi. Chỉ thấy miên man điểm lại những phát ngôn gây sốc và mâu thuẫn nhau của Bộ GD&ĐT mà quên thấy mình khi còn đương chức, đương quyền, cũng tùy tiện và thiếu cố gắng, cũng đối phó với dư luận đủ bài.
 
Nói thì ai chẳng nói được?
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử nói rằng: "Nói thì ai chẳng nói được…”. Hàng loạt những vỡ trận GD&ĐT như phân ban tan nát, CT và SGK nặng nề hàn lâm được ví như váy cưới dài ba mét lắm dây dợ chả để làm gì, đào tạo ĐH cốt càng đông càng tốt…, do ai gây nên? Vì ai mà GD&ĐT ra nông nỗi này? Đó là điều rất cần được Bộ GD&ĐT làm rõ nếu có thể, để minh bạch thông tin và tăng tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo. Nên công bố cả nhóm chuyên gia nào đã nghiên cứu đề xuất con số hơn 34 ngàn tỷ "gây bão”, vì có nghiên cứu phải có bảo vệ, dù đúng, dù sai.
 
Công chúng phản biện GD&ĐT bằng kiểu chỉ ra rất nhiều bất cập. Một số chuyên gia nguyên lãnh đạo ngành nói như "đúng rồi”, trong khi thời họ đương chức e bất cập của GD&ĐT còn tệ hơn hôm nay. Bằng chứng là SGK phổ thông 10 năm qua chỉ có một bộ, xơ cứng, giáo điều và tất cả cùng "cam chịu”! SGK lịch sử đáng sợ đến mức… hầu như không học sinh nào chọn thi sử. Tất cả cùng cam chịu cảnh sách tham khảo tràn cung mây và giáo trình ĐH luôn đói thiếu. Nay SGK hứa hẹn hai bộ trở lên?
 
Mô hình dự kiến cho CT GD phổ thông mới sau năm 2015 có đạt được chuẩn mực khoa học, hiện đại? Làm sao biến định hướng đổi mới "phát triển năng lực người học” thành một CT GD tốt theo chuẩn mực quốc tế? Vấn đề còn hết sức nan giải. 
 
Bộ rất nên lùi vì cần thời gian, cần những chuyên gia uy tín như Giáp Văn Dương, Ngô Bảo Châu, và nhiều người tài tham góp ý kiến tạo đột phá. Những tiếng nói thuyết phục và mới mẻ của họ, khen chê công tâm, triết lý GD thuyết phục, không giống chút nào những "trường ca chê” ngày càng cũ kỹ. 
 
Thanh Như

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ