A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuẩn bị tăng tốc dạy và học

10:20 | 29/02/2020

Học sinh THPT của nhiều tỉnh, thành trên cả nước sẽ trở lại trường học từ đầu tuần sau, ngày 2/3, sau kỳ nghỉ Tết và nghỉ dịch Covid-19. Có nơi như Hà Nội, học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ hết ngày 8/3.

 Đây là thời điểm cả thầy và trò đều phải tăng tốc sau một kỳ nghỉ “bất đắc dĩ” kéo dài, trong khi vẫn phải đặt ưu tiên số 1 đảm bảo an toàn sức khỏe cả thầy và trò.

Sắp tới là thời điểm gấp gáp cho cả thầy lẫn trò.

Không chủ quan với dịch bệnh

Theo thầy giáo Đào Tuấn Đạt- Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), Ban Giáo hiệu nhà trường đã có một cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm, trong đó đề nghị các thầy cô gửi tới học sinh phiếu hỏi về sức khỏe. Trong đó bao gồm các nội dung như trong 14 ngày gần nhất học sinh có bị ốm ho khó thở, bị sốt hay không. Thứ hai, học sinh có đi qua các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… hay không. Thứ ba, nếu học sinh chỉ ở Hà Nội thì có tiếp xúc với người đến từ vùng dịch hay không. Học sinh khai xong bố mẹ xác nhận vào đó. Khi tới cổng trường, các bạn phải có tờ giấy đó mới được vào lớp.

Trong 15 phút đầu tiên của buổi học, các giáo viên chủ nhiệm sẽ thông tin chính thức về dịch Covid-19, rửa tay xà phòng và uống nước nhiều, khoảng 15’ uống nước 1 lần để hạn chế nguy cơ mắc dịch.

Chia sẻ quan điểm này, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết, ngay khi đi học trở lại, việc đầu tiên nhà trường quan tâm cũng là đảm bảo sức khỏe, an toàn của cả thầy và trò. Chính vì vậy, việc thường xuyên nhắc nhở học sinh rửa tay, uống nhiều nước, đeo khẩu trang y tế, không ăn chung, uống chung… sẽ được nhà trường ưu tiên số 1. Sau đó sẽ là việc học tập đảm bảo chương trình, đặc biệt với học sinh lớp 12 có một kỳ thi THPT Quốc gia quan trọng phía trước. Thời gian nghỉ các em vẫn được thầy cô giao bài tập để không rời xa kiến thức nên khi đi học trở lại, việc bắt nhịp chắc chắn cũng sẽ nhanh chóng.

Đối với ý kiến lo lắng về việc bắt nhịp về nề nếp, ý thức học tập của học sinh sau một thời gian nghỉ dài, hiệu trưởng một trường THPT công lập quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhà trường nhận được nhiều bày tỏ của học sinh và gia đình mong muốn trở lại trường đi học vì “ở nhà lâu quá, chán rồi”. Chính vì vậy, người thầy này tự tin khi có thông báo đi học trở lại các con cũng hào hứng đón nhận.

Đẩy nhanh tiến độ

Kế hoạch năm học 2019-2020 vì dịch Covid-19 sẽ thay đổi với việc kết thúc vào ngày 30/6, muộn hơn 1 tháng so với quy định. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 26/7. Mặc dù vậy, với việc trở lại trường từ ngày 2/3 của học sinh THPT ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, các trường vẫn cần có phương án tăng tốc để bù đắp một phần kiến thức trong thời gian nghỉ. Bởi theo phân tích của nhiều chuyên gia, tháng 6-7 là thời gian rất nắng nóng của nhiều tỉnh thành nên sẽ khá vất vả cho cả thầy và trò. Trong khi đó, sau một thời gian nghỉ ngơi dài, học sinh đã sẵn sàng năng lượng cho việc trở lại học tập. Nhất là với học sinh lớp 12, thời gian từ nay đến kỳ thi THPT quốc gia không còn nhiều nên yêu cầu học gấp rút hơn trong giai đoạn này cũng là quy luật chung.

Học sinh THPT ở một số tỉnh, thành sẽ trở lại trường từ ngày 2/3.

Tăng tiết học trong mỗi buổi, gia tăng bài tập về nhà… để học sinh làm quen dần với áp lực học tập khi trở lại trường là giải pháp nhiều trường lựa chọn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần cân đối việc học với nghỉ ngơi, giải trí để tránh cho áp lực học tập quá căng thẳng với học sinh. Nhà trường cần xen kẽ thời gian biểu với các tiết học vận động hoặc giờ ra chơi để tái tạo năng lượng cho thầy và trò.

“Lớp 10, 11 thì đã có thêm 4 tuần bù lại thời gian nghỉ do Bộ GDĐT đẩy lùi thời gian kết thúc năm học nên không quá lo lắng. Riêng lớp 12, chúng tôi xác định sẽ dành toàn lực ôn tập để các em tự tin, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng sắp tới. Muốn vậy, việc giải tỏa về mặt tâm lý, áp lực cho học sinh cũng không kém phần quan trọng so với việc giảng bài, ôn tập kiến thức, luyện đề…” – Thầy Đào Tuấn Đạt cho biết.

Nhiều trường THPT cũng cho hay, để ôn tập hiệu quả, các trường dự kiến sẽ xây dựng chương trình ôn tập theo sự điều chỉnh thời gian kỳ thi THPT quốc gia thành 3 giai đoạn, từ khi học sinh quay lại trường đến 15/4, 15/4 đến cuối tháng 5 và cả tháng 6. Nội dung ôn tập sẽ định hướng theo đề thi của Bộ GDĐT, tập trung chủ yếu vào kiến thức lớp 12 và một số nội dung ở các khối lớp khác. Trường cũng khuyến khích các em luyện thêm đề thi các năm trước để nhận biết được cách làm bài trắc nghiệm, cấu trúc đề, đọc hiểu để nhận biết vận dụng cho đúng.

Thay đổi trong tuyển sinh

Với việc lùi kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sang cuối tháng 7, việc tuyển sinh của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ có những xáo trộn so với mọi năm. Dự kiến, khoảng cuối tháng 9 sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia. Với các trường phải xét tuyển các đợt bổ sung thì cần thêm khoảng 1 tháng nữa, tức là khoảng tháng 10/2020. Với việc nghỉ học kéo dài như năm nay, tuyển sinh của các trường dự kiến kéo dài đến tháng 12/2020.

Tuy nhiên, đây mới là khung thời gian dự kiến để hoàn thành các công việc. Trong thực tế triển khai, nhiều trường cho rằng có thể đẩy nhanh tiến độ từng giai đoạn cụ thể để kế hoạch năm học không bị ảnh hưởng nhiều. Chẳng hạn, có thể rút ngắn thời gian đăng xét tuyển so với năm ngoái vì trên thực tế, học sinh và gia đình đã có thêm 1 tháng để cân nhắc việc chọn trường, chọn ngành so với năm 2019. Từ phía các trường, cũng có thể chủ động rút ngắn thời gian nhập học từ 5 thành 3 ngày... Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ các trường phổ thông cần đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh, các trường ĐH cũng làm tốt việc tư vấn tuyển sinh trực tuyến, công khai đề án tuyển sinh với mức học phí, chương trình đào tạo, các ưu đãi, học bổng... để các gia đình cân nhắc.

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng cho rằng trong thời gian nghỉ học vì dịch, học sinh và gia đình có thể tận dụng thời gian để tham khảo về các ngành nghề, chương trình đào tạo của các trường để sắp tới việc đăng ký nguyện vọng thuận lợi hơn. Hiện rất nhiều trường tổ chức tư vấn online với cán bộ trực 24/24h sẵn sàng giải đáp thắc mắc qua mạng họăc bằng hình thức gọi điện trực tiếp...

PGS. TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, các trường và cả sinh viên sẽ phải cố gắng. Trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch học bù, nỗ lực trong công tác tuyển sinh để đảm bảo tiến độ, trong đó, dự kiến việc khai giảng năm học mới sẽ rơi vào khoảng cuối tháng 10. Tuy nhiên, do trường triển khai đăng ký học tín chỉ nên nhìn chung, việc học muộn 1 tháng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến việc tốt nghiệp của sinh viên trong năm học này cũng như các năm tiếp theo.

Thu Hương

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/giao-duc/chuan-bi-tang-toc-day-va-hoc-tintuc460165

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ