A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dậy học lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa mới như thế nào?

09:11 | 31/10/2020

Giáo viên chủ động điều phối kế hoạch dạy học theo khả năng tiếp thu của học sinh; hiệu trưởng sát cánh cùng giáo viên… nhằm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả.

Để thực hiện chương trình mới hiệu quả đòi hỏi GV phải chủ động đổi mới phương pháp dạy học

Dạy học là quá trình linh hoạt, có tính “mở”

Tại Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1, TP.HCM), cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung – giáo viên Lớp 1/6 đã giãn tiến độ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 (còn gọi là chương trình mới - PV) và tăng thời lượng tiết dạy để vừa sức với học sinh trong những buổi đầu mới làm quen con chữ. 

Riêng môn tiếng Việt lớp 1, được cô Dung phân bổ tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh. Trong đó, cô tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản và hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Từ phương pháp dạy học “mở”, việc thực hiện chương trình mới và sử dụng SGK giảng dạy cho học sinh lớp 1 đã bắt đầu bắt nhịp, làm quen. Đa số học sinh vui vẻ, phấn khởi học tập.

“Quá trình dạy học là quá trình linh hoạt, không mang tính một màu và có tính “mở”. Giáo viên nên cố gắng căn cứ vào đặc điểm của học sinh, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng lớp, từng trường để chủ động lựa chọn hay tiến hành những điều chỉnh hoặc bổ sung cụ thể về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học”, Cô Dung cho biết.

So với chương trình GDPT 2006 thời lượng dành cho môn tiếng Việt lớp 1 là 350 tiết (10 tiết/tuần), còn chương trình GDPT 2018 là 420 tiết (12 tiết/tuần), tăng 70 tiết với mong muốn học sinh lớp 1 sớm đọc thông viết thạo, có công cụ để học tốt các môn học khác.

Mặt khác, nội dung sách còn nhiều chữ. Số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều làm cho việc khai thác hết ý nghĩa của câu chuyện đối với một số học sinh còn hạn chế. Học sinh lớp 1 chưa biết chữ và số nên cũng tạo sự khó khăn cho các em khi tiếp nhận kiến thức, đặc biệt đối với học sinh chậm tiếp thu.

Như vậy, để có được phương pháp giảng dạy hiệu quả, cô Dung cho rằng giáo viên cần thường xuyên sinh hoạt tổ khối chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; cùng trao đổi, chia sẻ để điều chỉnh chương trình, nội dung, kế hoạch bài dạy phù hợp với đối tượng học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên cần tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng, tìm hiểu kỹ đặc điểm học sinh của lớp mình phụ trách cả về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh gia đình và việc trẻ có được học chữ trước hay chưa để tùy mức độ tiếp nhận của các em, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân bổ các tiết dạy trong từng giai đoạn cho phù hợp.

Đặc biệt, cô Dung nhấn mạnh: “Giáo viên cần ghi nhận sự tiến bộ của học sinh dù là nhỏ nhất, tuyệt đối không chê bai, phê bình các em. Tăng cường gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với phụ huynh để giúp học sinh làm quen, hòa nhập với môi trường, nề nếp học tập và sinh hoạt tại trường. Với những học sinh tiếp thu bài chậm, giáo viên chủ động liên hệ để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giúp các em tiến bộ”.

Bộ SGK lớp 1 "Chân trời sáng tạo" được ngành giáo dục TP.HCM lựa chọn giảng dậy trong năm học 2020-2021. Đây là bộ sách được đánh giá là có từ ngữ, hình ảnh gần gũi với học sinh TP.HCM, khắc phục được khuyết điểm của bộ SGK hiện hành có quá nhiều phương ngữ miền Bắc.

Hiệu trưởng phải gần giáo viên hơn nữa

Cũng như các địa phương khác trên cả nước, thời gian đầu các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM triển khai chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới gặp phải một số khó khăn như trẻ tiếp thu chậm, viết chữ chưa đúng yêu cầu,...

Nhiều người cho rằng, đa số giáo viên còn mang nặng tư duy phương pháp giảng dạy cũ nên khi vận dụng vào chương trình mới cảm thấy áp lực, thiếu chủ động.

Thầy Cao Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Đồng (Quận 3, TP.HCM) cho biết, ở chương trình mới, giáo viên được trao quyền chủ động trong thiết kế từng bài học, vận dụng phương pháp dạy học phù hợp cho từng đối tượng. Nhưng hiện tại giáo viên vẫn chưa đủ sự tự tin, mạnh dạn trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

“Chính những người quản lý giáo dục phải tháo gỡ cho được sự chưa tự tin ở giáo viên. Cần chủ động bàn bạc, trao đổi với giáo viên, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học”, thầy Cao Xuân Hùng nói.

Đồng quan điểm, cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ, bên cạnh trao quyền chủ động cho giáo viên trong phân bổ bài dạy thì rất cần sự góp ý cho giáo viên từ ban giám hiệu trường hoặc từ những buổi họp tổ chuyên môn. Cụ thể, hướng dẫn giáo viên cách soạn giảng, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.

Để giáo viên thật sự tự tin, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, thầy Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, chính hiệu trưởng đóng vai trò cầu nối vô cùng quan trọng.

“Hiệu trưởng phải xuống lớp cùng dạy, cùng dự giờ mới biết giáo viên đang gặp khó khăn gì, để từ đó góp ý, định hướng chuyên môn. Hiệu trưởng phải gần giáo viên hơn nữa để kịp thời tháo gỡ khó khăn cũng như hỗ trợ thầy cô”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh.

Theo thầy Nguyễn Văn Hiếu, giáo viên hôm nay đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến. Chính các giáo viên sẽ là người gỡ được các “nút thắt” chương trình mới mà nhiều người đang lo lắng.

Với thời lượng, nội dung chương trình hiện nay đòi hỏi giáo viên phải chủ động cân đối thời gian, không được bớt thời lượng của môn học để cuối cùng giúp các em học sinh đạt được các yêu cầu về kỹ năng sau một năm học, sau một cấp học.

Cũng lưu ý, sách giáo khoa hiện nay là tài liệu cơ bản và chủ yếu dùng để xây dựng kế hoạch dạy học chứ không phải là tài liệu bắt buộc như trước đây, nên giáo viên có thể chủ động thay đổi ngữ liệu dạy học cho phù hợp.

Mặt khác, cần động viên, khuyến khích tinh thần học tập của học sinh chứ không phê bình trước đám đông để các em mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, qua đó nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh, năng lực giúp các em hòa nhập học tốt hơn.

“Việc dạy và học chương trình mới có khó khăn nhưng nếu có sự hợp tác, hỗ trợ giữa phụ huynh học sinh với giáo viên, giữa hiệu trưởng với giáo viên và sự quan tâm thường xuyên của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT thì ngành giáo dục sẽ luôn đi đúng hướng của chương trình đó là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh”, thầy Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận.

Chị Cao Thái Hà, phụ huynh học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Văn Tần (Quận 6, TP.HCM) chia sẻ, chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới thực sự giúp trẻ năng động, sáng tạo. Nội dung sách giáo khoa triển khai theo từng chủ đề tích hợp các vấn đề trong cuộc sống, giúp trẻ vừa biết chữ, các con số còn nắm được kiến thức tổng quát, hướng đến phát triển tư duy. Khoảng 2 tuần đầu, trẻ có gặp khó khăn nhưng sau đó trẻ tiếp thu bài tốt, hoạt bát, có sự sáng tạo sau mỗi chủ đề bài học.

Nguyễn Thủy

(Kiến thức gia đình số 44)

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/day-hoc-lop-1-theo-chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-nhu-the-nao-d276159.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ