A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sau 1 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018: Nhiều địa phương gặp khó

09:24 | 21/08/2021

Ngày 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, các nhà trường đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Kết quả học tập của học sinh lớp 1 năm vừa qua cho thấy, 100% hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đặc biệt học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khoá học trước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn tiếng Việt và Toán lớp 1 năm học 2020-2021 đều cao hơn năm học 2019-2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.

Sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện các địa phương đều khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu cần thực hiện, nên các địa phương năm vừa qua đã đầu tư dồn lực cho thực hiện chương trình lớp 1.

Tuy nhiên, tại hội nghị, đại diện các địa phương nêu quan điểm, chặng đường dài để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các điều kiện triển khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất sẽ gặp không ít khó khăn.

Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, để đáp ứng cho lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày, Hải Phòng còn thiếu khoảng 600 giáo viên. Nhưng khi cả lớp 3, 4, 5 thực hiện học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình mới, Hải Phòng sẽ phải bổ sung thêm 1.572 giáo viên nữa.

Trong khi đó, ở một số môn học đặc biệt là cấp tiểu học, dù có muốn tuyển nhưng cũng không có nguồn tuyển. Ông Trà đồng thời đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên có chiến lược để cung cấp nhân lực đang “khan hiếm”, sẵn sàng nguồn tuyển khi Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ giao chỉ tiêu cho ngành.

Quang cảnh hội nghị.

Khó khăn về kinh phí cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề được nhiều địa phương nêu ra tại hội nghị.

Theo đó, hiện nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn nguồn kinh phí riêng cho thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mà sử dụng chung nguồn kinh phí địa phương. Trong khi đó, địa phương lại thực hiện nhiều nội dung chi và ưu tiên các nhiệm vụ chính trị khác như phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… dẫn tới khó khăn trong đầu tư cho triển khai chương trình.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá, chặng đường triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu với lớp 1 trong năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo coi đây là nhiệm vụ rất trọng tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo, cùng với đó là sự quan tâm phối hợp của các bộ, ngành. Đặc biệt, địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến sự quyết tâm, tính thống nhất, sự kiên định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự vào cuộc của các địa phương, ban ngành; đặc biệt sự dốc sức của những người triển khai trực tiếp là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Về chặng đường sắp tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sự kiên trì trong tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Đổi mới để chuyển mạnh từ trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học.

Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt.

Riêng về đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơm cho biết, Bộ sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.

NGUYỄN HOÀI

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ