A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Cần có chế độ cho học sinh THPT bán trú

04:29 | 03/05/2013

Những năm qua, hàng loạt chính sách dành cho HS dân tộc thiểu số đã thực sự đem lại hiệu quả cao trong hoạt động dạy và học. Chất lượng GD vùng trũng, vùng dân tộc ít người có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện chế độ chính sách mới đang ưu tiên cho đối tượng HS Tiểu học và THCS, trẻ 5 tuổi để thực hiện đề án phổ cập mầm non (MN). Nhưng muốn giải quyết tốt bài toán chất lượng, rất cần chế dộ dành cho HS đồng bộ ở tất cả các cấp học, bậc học, đặc biệt là HS THPT các trường PTDT bán trú.

Bất cập chính sách

Những năm qua, chính sách dành cho HS dân tộc ít người còn nhiều bất cập. Tại Hội nghị giao ban GD Vùng 1, Giám đốc Sở GD&ĐT  Điện Biên Lê Văn Quý chỉ rõ: Hiện nay, chính sách dành cho HS dân tộc thiểu số vẫn còn một số bất cập. Chẳng hạn, ngân sách Nhà nước mới chỉ tập trung cho MN 5 tuổi, HS tiểu học và THCS, trong khi đó, HS THPT lại chưa có. 

Thậm chí nhiều phụ huynh người Mông đến thắc mắc: “Không cho con tao ăn, tao không cho đi học” vì họ so sánh tại sao cũng học một trường nhưng trò này được ăn bán trú, mà con em họ lại không được.

“Nên chăng chúng ta bỏ chính sách dành cho HS Tiểu học mà dành cho HS THPT?” Bởi theo ông Quý lý giải, hiện các tỉnh miền núi có tình trạng chung là nhiều HS tốt nghiệp THCS nhưng không đi học tiếp ở bậc học THPT, do các em đến tuổi lao động, gia đình lại nghèo nên cần lao động để kiếm sống. Nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời dành cho HS THPT thì  sẽ khuyến khích HS đi học tiếp.

Cô và trò trường PT DTBT Trạm Tấu - Yên Bái. Ảnh: BK

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh: “Bắc Giang cũng có rất đông HS THPT dân tộc thiểu số, chúng tôi đã xây dựng đề án cho tỉnh để hỗ trợ cho đối tượng HS này nhưng không có căn cứ thực hiện bởi hiện nay mới chỉ có chính sách Nhà nước hỗ trợ cho HS dân tộc bán trú cấp Tiểu học và THCS. Mặc dù nhu cầu bán trú của HS THPT rất đông, ví dụ như Phú Sơn có khoảng 700 HS phải trọ học bởi nhà cách xa trường, đi lại khó khăn”.

Nguyên do, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú không thực hiện được bởi vướng tỉ lệ. Như khu lòng hồ Cấm Sơn, người Kinh vào sinh sống đông, nhu cầu học lên THPT của con em rất lớn. Do vậy, bắt buộc HS phải trọ học. “Nếu chúng ta cho phép mở rộng cơ chế dành cho HS THPT sẽ tạo điều kiện cho các em được học lên cao” - ông Hiền khẳng định thêm.

Nhu cầu rất lớn

Đặc thù của GD Vùng I nói riêng và của miền núi, vùng dân tộc ít người toàn quốc nói chung là HS dân tộc thiểu số chiếm phần lớn. Do đó, công tác xây dựng và phát triển hệ thống trường, lớp phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục củng cố, phát triển, góp phần nâng cao chất lượng GD. 

Nhiều Sở đã tích cực trong công tác tham mưu thành lập trường phổ thông DTBT, tiếp tục xem xét các trường có đủ điều kiện theo qui định, tham mưu cho các cấp chuyển đổi từ trường phổ thông thành trường PTDT bán trú. Kết thúc học kỳ I, 15 tỉnh miền núi phía Bắc hiện có trên 17000 HS THPT bán trú. Tính ở phạm vi toàn quốc, con số này lớn hơn rất nhiều.

Nhu cầu bán trú của HS THPT là rất lớn, song, hiện đối tượng này đến nay vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước như HS Tiểu học và THCS. Một số địa phương đã xé rào, tự phân bổ ngân sách, hỗ trợ cho HS THPT bán trú như chế độ của Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, mô hình trường dân tộc nội trú dân nuôi bán trú, dân tộc nội trú phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương, sự quan tâm, đầu tư thêm của các tỉnh cũng có sự khác nhau. Dù là tỉnh miền núi, tách tỉnh đến nay chưa được 10 năm nhưng với HS THPT bán trú, tỉnh Lai Châu đã dùng ngân sách hỗ trợ cho HS như đối tượng HS Tiểu học và THCS với mức 400 ngàn/HS/tháng kéo dài 9 tháng trong năm học.

Lai Châu có 46 trường phổ thông DTBT. Trong đó THCS 37 trường, Tiểu học 9 trường, có 14.047 HS bán trú. Đặc biệt HS THPT bán trú là 1.720 em. Mô hình bán trú ở địa phương này đã nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhận được sự đồng thuận của xã hội, ủng hộ của phụ huynh học sinh. Từ năm học 2011 - 2012, Lai Châu tiếp tục dành nguồn kinh phí hỗ trợ học bổng cho HS bán trú tại các trường THPT với mức hỗ trợ như đối với HS dân tộc bán trú bậc Tiểu học và THCS.

Hỗ trợ cho HS THPT dân tộc bán trú là cần thiết vì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các em được đi học, không phải bỏ học giữa chừng để lao động kiếm sống. Mặt khác, sẽ giúp các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ngay trên địa phương mình, sẽ góp phần giải quyết tốt bài toán nâng cao chất lượng GD dân tộc.

- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Vũ Minh Nguyệt: Bộ GD&ĐT cần sớm  báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án phát triển trường phổ thông DTBT giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020.

- Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên Lê Văn Quý: Nên chăng bỏ chính sách dành cho HS Tiểu học mà dành cho HS THPT.

Việt Hoa

 

    Theo Giáo dục & Thời đại

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ