A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

ĐH-CĐ 2013: Xu hướng chọn trường gần nhà

05:31 | 08/05/2013

Thống kê từ các Sở GD-ĐT cho thấy hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm mạnh so với năm trước. Rất đông thí sinh chọn trường gần nhà, trường top giữa để dự thi thay vì tập trung vào top đầu.

Ngày 7.5, tại TP.HCM các sở GD-ĐT phía Nam đã hoàn tất việc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ cho các trường. Theo ghi nhận của NTNN, năm nay thí sinh có xu hướng chọn trường top giữa, ĐH vùng để dự thi. Xu hướng chọn nghề vì thế cũng phân hóa rõ ràng với sự lựa chọn nhiều ở các khối ngành nông lâm, sư phạm, y dược. Trong khi đó, lượng hồ sơ khối ngành kinh tế lại “biến động” đến không ngờ với sự sụt giảm hồ sơ của nhiều trường chuyên đào tạo về kinh tế, dù là ở top đầu.

Hạn chế nhiều thí sinh “ảo”?

Theo thống kê của các Sở GD-ĐT, số hồ sơ ĐKDT năm nay giảm mạnh so với các năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng vì số hồ sơ giảm cũng đồng nghĩa với việc số hồ sơ/học sinh giảm do các em đã được tư vấn và định hướng nghề nghiệp tốt hơn, lượng thí sinh tự do cũng ít hơn.

Ông Lê Quang Hảo, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, nhận định: “Sở dĩ năm nay lượng hồ sơ giảm là vì bình quân mỗi học sinh chỉ nộp hai bộ hồ sơ, rất ít học sinh nộp trên ba hồ sơ. Do vậy việc lượng hồ sơ giảm không những không đáng lo mà còn góp phần giảm nhiều TS ảo, giảm gánh nặng và lãng phí trong tổ chức thi cho các trường”.

Đồng quan điểm, ông Lê Trường Xin, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Đăk Lăk cũng cho hay: “Việc giảm hồ sơ không đồng nghĩa với việc lượng TS giảm mà đó chứng tỏ khâu hướng nghiệp đã tốt hơn.

Các em đã có sự cân nhắc hơn trong chọn trường, chọn ngành”. Cũng theo ông Xin: “Cũng có thể do năm nay mức lệ phí cao hơn từ 80.000 đồng lên 105.000 đồng mỗi bộ (đối với các khối thi văn hóa) nên TS đã cân nhắc nhiều với việc “rải” hồ sơ như các năm trước”.

 

Bàn giao hồ sơ khu vực phía Nam sáng 7.5.

 

 

Ở một góc độ khác, việc thí sinh năm nay giảm cũng góp phần hạn chế lãng phí trong khâu tổ chức thi.

 

Thống kê từ thực tế những năm qua cho thấy, lượng hồ sơ đăng ký dự thi mỗi năm có ít nhất 30% là hồ sơ ĐKDT ảo, cũng có nghĩa là sẽ có gần 20 nghìn phòng thi, 40 nghìn giám thị… được các trường chuẩn bị cho thí sinh ảo. Tình trạng này khiến cho các trường luôn phải bù lỗ, hoặc chịu tiếng là trả thù lao thấp cho cán bộ, giáo viên.

Đại diện một trường ĐH công lập tại TP.HCM, lo lắng: “Để chuẩn bị cho kỳ thi vào tháng 7, chúng tôi đã phải lên kế hoạch và thuê địa điểm thi từ tháng 2 với dự báo sơ lược về tổng hồ sơ đăng ký khoảng 30.000 hồ sơ. Rất may là chúng tôi dự đoán gần đúng nên mới thuê được địa điểm”. Cũng theo vị này: “Việc tổ chức thi rất tốn kém nên chúng tôi mong tỉ lệ thí sinh ảo thật thấp”.

Thí sinh chọn trường gần nhà

Một xu hướng nổi bật trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 tại khu vực phía Nam là lượng TS ĐKDT vào các trường ĐH vùng, ĐH gần nhà chiếm tỉ lệ rất cao. Chẳng hạn: Tại Đăk Lăk, lượng hồ sơ đăng ký vào ĐH Tây Nguyên là 14.368 hồ sơ (trên tổng số 47.806 hồ sơ tỉnh này nhận).

Tại tỉnh Tiền Giang lượng hồ sơ dự thi vào ĐH Tiền Giang là 2.700 hồ sơ (trên tổng số 27.408 hồ sơ). Tại tỉnh Gia Lai lượng hồ sơ đăng ký vào ĐH Quy Nhơn là 4.034 hồ sơ, ĐH Tây Nguyên là 2.691 hồ sơ, ĐH Nông Lâm là 2.170 hồ sơ. Tại tỉnh Lâm Đồng, lượng hồ sơ đăng ký nhiều vào Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, CĐ Y tế Đồng Nai…

Ngoài xu thế lựa chọn trường gần nhà, nhiều TS năm nay tại các tỉnh phía Nam cũng khá e dè với các khối ngành kinh tế. Ghi nhận tại tỉnh Tiền Giang, TS dự thi khối ngành kinh tế giảm hơn 40% so với năm 2012. Tương tự, các địa phương khác như: Gia Lai, Lâm Đồng, Long An… lượng TS dự thi khối ngành kinh tế cũng giảm rõ rệt.

Ông Đỗ Trọng Tạo, chuyên viên Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Năm nay các TS tỉnh nhà rất cân nhắc việc lựa chọn khối ngành kinh tế mà phần đông các em đăng ký vào sư phạm, y dược. Ngay cả trường lớn như ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2012 có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký thì năm nay chỉ có chưa tới 500 bộ”.

Trường ngoài công lập “hút” thí sinh

Khác với mọi năm, mùa tuyển sinh 2013 này có sự “đột phá” của nhiều trường ĐH ngoài công lập về lượng hồ sơ ĐKDT. Chẳng hạn: ĐH Công nghệ Đồng Nai nhận khoảng 3.500 hồ sơ (tăng 60% so với năm 2012); ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM nhận 13.750 hồ sơ (năm 2012 chỉ có 5.600 hồ sơ); Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng nhận được 15.233 hồ sơ (tăng 50% so với 2012).

Theo lý giải của đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành: “Năm nay hồ sơ chúng tôi tăng rất nhiều, đặc biệt ở hồ sơ liên thông (khoảng 500 bộ) vì năm nay chúng tôi được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH 3 ngành: Điện - Điện tử; Quản trị Kinh doanh và Kế toán”…

Trong khi đó, ở góc độ Sở GD-ĐT các tỉnh thành thì lượng hồ sơ ĐKDT liên thông chỉ đếm trên đầu ngòn tay. Cụ thể: Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng chỉ nhận được chưa tới 10 bộ; Sở GD-ĐT Tây Ninh nhận được 4 bộ, Sở GD-ĐT Cà Mau nhận 1 bộ. Cá biệt nhiều tỉnh thành chẳng nhận được bộ hồ sơ liện thông nào như: Phú Yên, An Giang, Bình Phước…

    Theo Dân Việt

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ