A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều cơ sở dạy tiếng Trung "chui" hoạt động rầm rộ ở Đắk Lắk

13:45 | 16/08/2023

Các cơ sở dạy tiếng Trung ngang nhiên mở lớp "chui", tuyển sinh và tổ chức dạy học trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk chưa xử lý.

Theo phản ánh của người dân, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua xuất hiện một số cơ sở dạy tiếng Trung lớn, tuyển sinh và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Chỉ cần học 36 giờ là giao tiếp tốt (!?)

Trong vai một người đến đăng ký học, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến cơ sở "Ni Hao - Tiếng Trung Buôn Ma Thuột" trên đường Hà Huy Tập (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột).

Vừa bước vào phòng, một phụ nữ tên Th. nhận là chủ của cơ sở, hỏi "Anh bên chỗ mua bán sầu riêng, sáng nay gọi điện cho tôi muốn đăng ký học tiếng Trung phải không"?. Lúc này, phóng viên nói mình chưa gọi thì người phụ nữ đon đả giới thiệu về cơ sở của mình và chi tiết về khóa học, mức học phí.

Nhiều cơ sở dạy tiếng Trung chui hoạt động rầm rộ ở Đắk Lắk - Ảnh 1.

Cơ sở "Ni Hao - Tiếng Trung Buôn Ma Thuột" nằm trên trục đường lớn của TP Buôn Ma Thuột

Cụ thể, theo bà Th., cơ sở đã hoạt động vài tháng nay, có mở các lớp sáng và tối nhưng hiện không mở thêm lớp mà nhận học viên để dạy kèm từng người. Với 1 học viên, 1 cô giáo dạy kèm có mức giá 6,2 triệu đồng/24 buổi học, 1 buổi 1,5 tiếng. Nếu 2 học viên được 1 cô giáo kèm sẽ có mức giá 4,2 triệu người/24 buổi.

"Sau 24 buổi, chúng tôi cam kết học viên sẽ có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Trung tốt nên anh yên tâm" - bà Th. khẳng định.

Khi thấy phóng viên chưa đăng ký học, bà Th. tiếp tục nói tại cơ sở của mình có rất nhiều chủ vườn sầu riêng, các thương lái đến học tiếng Trung để thuận tiện trong việc mua bán sầu riêng. Ngoài ra, có cả người Trung Quốc đến học tiếng Việt để tiện giao tiếp khi giao dịch.

"Tại cơ sở của tôi vào tháng 11 tới sẽ có giáo viên người Trung Quốc đến trực tiếp giảng dạy với mức học phí 900.000 đồng/giờ cho học viên. Trước đây, giáo viên người Trung Quốc đã vào lớp giao lưu, nói chuyện với học viên chứ chưa dạy" - bà Th. quả quyết.

Tương tự, cơ sở "Ms.Vy tiếng Hoa" tại đường Thăng Long (phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) đã hoạt động từ lâu với lượng học viên lớn. Cơ sở này quảng cáo đào tạo tiếng Trung giao tiếp, tiếng Trung xuất khẩu lao động, tiếng Trung cho thiếu nhi…

Với mỗi học viên đăng ký khóa học tiếng Trung 4 tháng (mỗi tuần 3 buổi) có mức học phí khoảng 4,8 triệu đồng.

Rầm rộ nhưng cơ quan chức năng không biết?

Làm việc với chúng tôi, chủ cơ sở này cho biết năm 2021, cơ sở được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đắk Lắk cấp phép thành lập công ty với mã ngành có tên gọi "Giáo dục khác chưa được phân vào đâu". Chủ cơ sở này khẳng định đã liên hệ với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị hướng dẫn đăng ký nhưng lãnh đạo sở nói không thuộc Sở GD-ĐT cấp phép nên hiện cơ sở chỉ có giấy phép của Sở KH-ĐT để hoạt động.

Theo một lãnh đạo UBND phường Tân Lợi, cơ sở "Ni Hao - Tiếng Trung Buôn Ma Thuột" chưa có thông tin đăng ký gì ở phường và phía phường sẽ cử cán bộ kiểm tra các giấy tờ liên quan của cơ sở này.

Nhiều cơ sở dạy tiếng Trung chui hoạt động rầm rộ ở Đắk Lắk - Ảnh 2.

Cơ sở "Ms.Vy tiếng Hoa" tại đường Thăng Long hoạt động từ lâu

Còn theo ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tại thành phố chưa có cơ sở tiếng Trung nào được cấp phép hoạt động. TP Buôn Ma Thuột tiếp nhận thông tin từ phóng viên và sẽ nhanh chóng cho kiểm tra để có hướng xử lý theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cũng khẳng định trên địa bàn tỉnh chưa có bất kỳ cơ sở tiếng Trung nào được cấp phép hoạt động.

Theo ông Khoa, trường hợp công ty, trung tâm đào tạo, tư vấn du học, giảng dạy tiếng Trung đã được Sở KH-ĐT cấp phép thành lập công ty nhưng muốn tổ chức lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ đều phải được Sở GD-ĐT cấp phép mới đủ điều kiện hoạt động.

Nói về trách nhiệm quản lý, giám sát, ông Khoa cho rằng các trường hợp này không được Sở GD-ĐT cấp phép nên Sở không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương và lực lượng công an. Riêng ngành giáo dục khi biết thông tin những cơ sở "chui" sẽ báo cho công an vào cuộc làm rõ.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-co-so-day-tieng-trung-chui-hoat-dong-ram-ro-o-dak-lak-20230816110303548.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ