A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Rà soát, làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học

14:54 | 27/09/2023

Nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây gây bức xúc xã hội.

Ngày 25-9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đắk Lắk cho biết đang yêu cầu lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Krông Pắk, báo cáo vụ việc nhóm học sinh đánh bạn ngay trong trường. Trước đó, tối 24-9, đoạn clip ghi lại cảnh 3 nam sinh đã lao vào đánh bạn tới tấp ngay trong trường được chia sẻ lên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Theo hình ảnh ghi lại trong clip, một nam sinh đang ngồi ở lan can trước lớp học thì bất ngờ có 2 người lao vào đấm tới tấp vào mặt, đầu. Trước những cú đấm liên tục, nam sinh này chỉ biết ngồi ôm đầu chịu trận. Khi nam sinh rời chỗ ngồi đi vào phòng học thì tiếp tục bị một người khác đi theo đấm liên tiếp vào người.

Trước đó, ngày 22-9, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cho biết cơ quan chức năng đang xác minh vụ việc một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng bị hành hung ngay tại trường. Theo clip được đăng tải trên mạng xã hội, nữ sinh bị một người phụ nữ mặc đồ đen đánh, túm tóc ngay trong hành lang của lớp học. Không dừng lại ở đó, em còn bị kéo lê ngoài hành lang lớp học.

Giữa tháng 9-2023, Công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũng vào cuộc điều tra, xác minh clip ghi lại cảnh nhóm học sinh đánh hội đồng một nam sinh lan truyền trên mạng xã hội Facebook.

Đầu tháng 9-2023, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip một nữ sinh mặc áo đồng phục màu xanh liên tục túm tóc, đánh và ghì nữ sinh mặc đồng phục đỏ xuống mặt đường. Đoạn clip đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và đa phần đều rất bức xúc trước thái độ của nữ sinh trên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định có nhiều nguyên nhân. Sau một thời gian học sinh học trực tuyến, các em bị ảnh hưởng tới tâm lý góp phần làm gia tăng bạo lực học đường. Ngoài ra, phải kể đến các nguyên nhân khác mang tính phi truyền thống, đó là ảnh hưởng của phim ảnh không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội khiến bạo lực học đường gia tăng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là sự kết nối giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo, nhiều em học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, đặc biệt là từ bố, mẹ.

Người đứng đầu ngành giáo dục mong muốn các nhà trường phổ thông phải tăng cường phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong nắm bắt tâm lý học sinh, giúp các em có kỹ năng xử lý tình huống. Vai trò của các hiệu trưởng cũng rất quan trọng trong kiểm soát tình hình, để đề phòng, ngăn chặn.

"Về phía cơ quan quản lý, Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị có chức năng, đơn vị thuộc bộ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng như các đơn vị tiến hành một số nghiên cứu, bước đầu cũng đã có những đánh giá, đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho hay đang cho rà soát, làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường phổ thông trong toàn quốc đều có bộ quy tắc này nhưng thời điểm này cần rà soát để làm mới lại, khiến cho quy chuẩn ứng xử này phù hợp với tình hình, bối cảnh của trường học đang đổi mới căn bản, toàn diện.

Yến Anh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ra-soat-lam-moi-bo-quy-tac-ung-xu-trong-truong-hoc-20230926191117525.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ