A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hướng đi nào sau tốt nghiệp THPT?

08:13 | 28/09/2023

Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT năm 2023 là 98,88%, cao nhất kể từ khi kỳ thi bắt đầu đổi mới năm 2015.

Tuy nhiên, nhìn từ tỷ lệ không đồng đều giữa các địa phương, ngay giữa các trường trong 1 địa phương cũng khác nhau cho thấy cần có những điều chỉnh, cải tiến về chất lượng giáo dục cũng như tăng cường định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh.

Cần định hướng phân luồng học sinh rõ ràng hơn. Ảnh: TL.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao

Năm 2023, nhiều địa phương trên cả nước công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT khá cao, nhiều nơi đạt gần 100%. Cụ thể, một số địa phương có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT 2023 đạt trên 99% là: Hà Nội, Lai Châu, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hưng Yên, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau… Những địa phương đạt tỷ lệ trên 98% là: Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Yên Bái…, trong khi một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ này trên 96% là: Đắk Lắk, Quảng Trị…

Tương tự những năm trước đó tỷ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương luôn duy trì ở mức cao trên 90%, song nếu xét riêng điểm trung bình tốt nghiệp của học sinh thì nhiều nơi còn ở mức thấp, thậm chí có những trường có điểm trung bình thấp hơn mức trung bình của địa phương ở tất cả các môn thi.

Đơn cử, tại Hà Nội tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56%, trong đó khối giáo dục trung học đạt 99,75% và khối giáo dục thường xuyên đạt 98,29%. So với năm 2022, một số trường ở khu vực ngoại thành đã có tiến bộ khi tăng được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, như Trường THPT Bất Bạt có tỷ lệ tốt nghiệp tăng 2,74%, số học sinh trượt giảm từ 13 em xuống còn 3 em. Trường THPT Đại Cường có tỷ lệ tốt nghiệp tăng 1,65%, số học sinh trượt giảm từ 6 em xuống còn 2 em. Trường THPT Hoài Đức C lần đầu tiên đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%... Tuy nhiên, xét theo điểm trung bình từng môn thi, vẫn còn 41 trường mức điểm tất cả các môn thi đều thấp hơn mức trung bình của thành phố. Số học sinh bị điểm liệt nhiều hơn kỳ thi năm trước, như môn ngoại ngữ có 60 em (tăng 45 em), môn Ngữ văn có 33 em (tăng 12 em)...

Theo phân tích của các chuyên gia, từ những số liệu được công bố góp phần xếp hạng địa phương về chất lượng giáo dục phổ thông. Đây là những con số biết nói thể hiện rõ bức tranh dạy và học của thầy trò từng địa phương. Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, Bộ GDĐT công bố đối sánh chỉ số trung bình điểm thi 9 môn kỳ thi tốt nghiệp THPT và từ năm 2022 bổ sung thêm đối sánh tỷ lệ trúng tuyển đại học - nhập học giữa các địa phương trong cả nước. Từ đây, các địa phương, trường học càng thấy rõ hơn vị trí của mình, nguyên nhân tạo nên thành công hay hạn chế của đơn vị để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.

Định hướng cho học sinh

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trước đây đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc nên bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT do tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đều duy trì ở mức cao. Song mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT được xác định là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục; lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy, học của nhà trường, công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục; cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh. Như vậy, soi chiếu vào đó mỗi trường có thể thấy mình đang ở đâu để có kế hoạch điều chỉnh, cải tiến.

“Có thể thấy rõ chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các trường trước hết là do khác biệt tuyển sinh đầu vào khi có nơi chỉ 3 điểm/môn cũng đã đỗ trường THPT công lập trong khi nơi khác, thí sinh 8 điểm/môn vẫn trượt. Thứ hai là điều kiện kinh tế - xã hội tác động đến đầu tư cho giáo dục và hiệu quả đạt được”, GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm và cho rằng hiện nay, ngay từ bậc THCS và sau đó là bậc THPT đã có định hướng phân luồng rõ ràng. Nhà trường cần kết hợp với gia đình để định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn con đường đi phù hợp, không chỉ tập trung vào con đường duy nhất là vào ĐH.

Chia sẻ quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho hay, hiện một bộ phận thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại đăng ký vào học các trường cao đẳng, trung cấp nghề đang dần trở thành một xu thế. Nguyên nhân là do cơ chế đào tạo của các trường này phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Dẫu vậy, vẫn cần tập trung tăng cường định hướng, hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường để các em chủ động lựa chọn được hướng đi phù hợp ngay từ ban đầu thay vì vào học một thời gian mới thấy không phù hợp.

Ông Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp (Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam) cho biết, hiện nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường. Khi vào THPT, các em sẽ không học hết tất cả các môn như trước đây mà được lựa chọn tổ hợp để học theo sở thích, nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp. Điều này giúp các em và gia đình sớm ý thức về hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT. Trong đó, các em tham gia thị trường lao động sớm, nhằm trang bị trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực, cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn.

LÂM AN

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ