A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khi trường đại học 'lên đời'

08:26 | 12/10/2023

Sau Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, đến lượt Trường ĐH Kinh tế TPHCM chính thức trở thành 1 trong 7 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam hoạt động theo mô hình ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.

Sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM.

Từng bước nâng tầm

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định về việc chuyển Trường ĐH Kinh tế TPHCM thành ĐH Kinh tế TPHCM. Theo đó, ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Để chính thức trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, UEH đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài. Từ năm 2021, UEH đã thành lập 3 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và Thiết kế UEH cùng với Phân hiệu Vĩnh Long. Quy mô đào tạo của toàn trường hiện tại là hơn 36.000 người học, với 38 ngành trình độ đại học; 19 ngành trình độ thạc sĩ và 14 ngành trình độ tiến sĩ.

GS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ, trong chiến lược tái cấu trúc và hoạch định giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến sẽ thành lập Trường Quốc tế trên cơ sở Viện Đào tạo quốc tế hiện nay và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành Trường ĐH của khu vực Tây Nam bộ. Về kiểm định chất lượng đào tạo, UEH là đơn vị đạt tiêu chuẩn châu Âu FIBAA về chất lượng đào tạo cấp cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên tại Việt Nam cùng với 17 chương trình đào tạo đạt 2 tiêu chuẩn quốc tế là FIBAA và AUN-QA.

Như vậy, có thể thấy để bỏ đi một chữ “trường” để trở thành ĐH, UEH đã có những chuẩn bị đầy đủ về điều kiện, nâng chất lượng đào tạo thay vì chỉ là đổi tên.

Trước đó, khi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đổi tên thành ĐH Bách khoa Hà Nội, lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định đã có sự chuẩn bị từ sớm về mặt nhân lực, vật lực. Trước hết, đó là quyết tâm của tập thể lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các đơn vị trong trường về sự cần thiết phải thay đổi. Thứ hai, cần có nghiên cứu và chọn lọc những mô hình quản trị giáo dục ĐH tiên tiến của thế giới và bài học các mô hình ĐH ở Việt Nam để xây dựng mô hình phù hợp cho mình. Thứ ba, truyền thông để có sự thấu hiểu và đồng lòng của cán bộ, giảng viên, và người học.

Thận trọng khi nâng cấp

Theo thống kê trong 1.000 ĐH đứng đầu Bảng xếp hạng các ĐH tốt nhất QS World, có đến 96% là ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Việc nâng cấp mô hình thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực theo nhiều chuyên gia là nhằm tạo điều kiện, cơ sở để ĐH phát triển vươn tầm quốc tế, chất lượng giáo dục ĐH được nâng cao.

TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, về thuật ngữ “ĐH” và “trường ĐH” đã được định nghĩa trong Luật. Tuy nhiên, về bản chất, ĐH là nơi đào tạo nghiên cứu đa lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành. Còn trường ĐH là nơi đào tạo đơn ngành hoặc một số ngành.

Nhìn từ nhiều mô hình tiêu biểu của các ĐH hàng đầu thế giới đều bao gồm 3 cấp độ quản trị: Cấp ĐH; cấp trường thành viên; phân hiệu và cấp khoa/viện. Trong điều kiện đòi hỏi từ thực tế hiện nay với việc xuất hiện những chương trình liên ngành, xuyên ngành mang tính chất tích hợp đòi hỏi phải có sự hợp tác giảng dạy và nghiên cứu của các trường thành viên hoặc các khoa, những ngành hẹp sẽ dần mất đi vai trò của mình thay vào đó là các chương trình được thiết kế hết sức nhanh chóng, linh hoạt.

Vì vậy, không thể phủ nhận xu hướng hình thành các ĐH lớn hiện nay là tất yếu, tiệm cận với nước ngoài, đáp ứng nhu cầu đào tạo cao hơn. Dẫu vậy, theo TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, để đạt được kỳ vọng trở thành ĐH danh tiếng châu Á khi nâng cấp từ trường ĐH thành ĐH còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, về mặt thể chế Nhà nước cần tạo điều kiện rất thuận lợi để ĐH đa ngành, đa lĩnh vực phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.

Cụ thể, ông Khuyến kiến nghị, Nhà nước quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình ĐH và nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì đương nhiên được mang danh hiệu ĐH. Cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng ĐH đa lĩnh vực. Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của ĐH đa lĩnh vực, cần khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của ĐH đa lĩnh vực trên mọi mặt hoạt động, đặc biệt trong hoạt động đào tạo

“Nhà nước cũng phải rất thận trọng trong việc nâng cấp những trường ĐH riêng lẻ lên thành ĐH để bảo đảm sao cho các ĐH này phải thực sự “đa lĩnh vực” - ông Khuyến nhấn mạnh.

Điều kiện để trường đại học trở thành đại học

Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau: Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất 3 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

HÀN MINH

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ