A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi THPT quốc gia

09:18 | 13/06/2024

Từ ngày 10-17/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024 tại các vùng trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Bộ GDĐT.

Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ đã tới kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại một số điểm thi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bộ trưởng GDĐT nhấn mạnh, còn hơn 10 ngày nữa sẽ tới kỳ thi chính thức, mặc dù tỉnh Hậu Giang có quy mô thí sinh không lớn, song đây là kỳ thi của cả nước nên cần cẩn thận tối đa, bởi sai sót từ một địa phương sẽ ảnh hưởng tới cả nước.

Lưu ý về công tác in sao, vận chuyển đề thi, bài thi, ông Sơn đề nghị tỉnh Hậu Giang tuân thủ cao nhất các quy định về bảo mật với sự phối hợp tối đa của ngành Công an cho công tác này. Đồng thời lưu ý, tất cả các khâu, các nội dung đều phải có phương án dự phòng.

Cũng trong sáng 11/6, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã làm việc về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Tĩnh. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Tĩnh, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tại Hội đồng thi Sở GDĐT Hà Tĩnh có 17.080 thí sinh đăng ký dự thi; toàn tỉnh bố trí 35 điểm thi, 740 phòng thi, 91 phòng chờ; bố trí 2.643 người làm nhiệm vụ tại các điểm thi… Thứ trưởng Bộ GDĐT ghi nhận sự chuẩn bị sớm và chủ động của Hà Tĩnh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, tuy nhiên đề nghị Hà Tĩnh không nên lơ là chủ quan, cần tiếp tục tăng cường chủ động trong công tác triển khai kỳ thi, lưu ý công tác thông tin, truyền thông cần chủ động, kịp thời, thông suốt, đầy đủ; có phương án xử lý phù hợp với các tình huống phát sinh.

Ông Thưởng cũng lưu ý các địa phương về yêu cầu “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức kỳ thi. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.

Ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đề nghị Hà Tĩnh cần sớm ban hành quyết định lựa chọn địa điểm in sao đề thi, rà soát bổ sung nhiệm vụ của Hội đồng thi; chuẩn bị thật kỹ lưỡng về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi như tại các phòng bảo quản đề thi, bài thi, phòng thi đảm bảo an ninh, an toàn.

Trước đó, từ ngày 10/6 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đoàn kiểm tra lưu ý, TPHCM là 1 trong 2 địa phương có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT lớn nhất cả nước. Do đó, TPHCM phải chú trọng đến khu vực in sao đề. Đây là khu vực rất quan trọng, chỉ cần xảy ra yếu tố nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cả nước.

Cùng đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi cũng đã có buổi kiểm tra, làm việc với tỉnh Yên Bái về chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vào ngày 10/6. Báo cáo về chuẩn bị kỳ thi của Ban chỉ đạo thi tỉnh Yên Bái cho biết, dù đã có phương án tăng cường kiểm soát việc đối phó với thiết bị gian lận tinh vi nhưng đây vẫn là một khó khăn lớn với tất cả điểm thi.

Tại buổi làm việc, thiếu tá Tô Thanh Thủy - đại diện Cục A03 - Bộ Công an tham gia đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT cho rằng, trong việc tuyên truyền cho thí sinh, tập huấn cho cán bộ tham gia kỳ thi cần nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ đề thi là "bí mật Nhà nước". Công tác bảo mật với các địa điểm sao in đề thi, chấm thi cần được lưu tâm hơn, tránh để lọt thông tin về địa điểm này ra ngoài.

Bà Chi cũng nhấn mạnh đến chất lượng tập huấn thi phải được làm bài bản, kỹ lưỡng, không được chủ quan. Trong quá trình tập huấn, các tình huống xảy ra của những mùa thi khác, phương án xử lý sẽ là các bài học thực tế cho các cán bộ, giáo viên. Theo đó, nếu có tình huống phát sinh, cần ghi nhớ, có sự chuẩn bị để chủ động ứng phó, làm đúng trách nhiệm và quy chế, khi sự việc vượt quá thẩm quyền, cần báo cáo cấp trên chứ không xử lý tùy tiện, theo thói quen.

Minh Quang

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/bao-dam-an-toan-tuyet-doi-cho-ky-thi-thpt-quoc-gia-10283171.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ