A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Chất lượng giáo dục mũi nhọn cần sự chuyển mình đồng bộ

10:45 | 25/03/2015

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2014-2015, Dak Lak có 35 học sinh (HS) đoạt giải (3 giải Nhì, 12 giải Ba và 20 giải Khuyến khích), đứng đầu trong 10 tỉnh thuộc vùng thi đua số 4 của Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt kỳ thi năm nay có sự  bứt phá “ngoạn mục” ở bộ môn Hóa học khi 7/8 em dự thi đều đoạt giải.

Kết quả này nức lòng thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, bởi trong số 35 HS đoạt giải thì nhà trường có tới 27 em. Đặc biệt cả 7 em đoạt giải môn Hóa học đều là học sinh của trường. Vinh dự hơn khi với 30.70 điểm (giải Nhì), Phạm Nguyễn Ngọc Bảo (lớp 12 chuyên Hóa) được chọn tham gia thi lập đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế năm 2015. Thầy giáo Trần Văn Phương, giáo viên môn Hóa học cho biết: “Gần 10 năm gắn bó với mái trường chuyên từ 2006, đến nay tôi đã có 17 HS đoạt giải quốc gia, 12 huy chương Olympic truyền thống 30-4, nhưng đây là năm “bội thu” giải nhất. Cũng như nhiều thầy, cô giáo dạy ở trường chuyên, ngoài kiến thức chuẩn đối với học sinh lớp chuyên, tôi dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu tài liệu nước ngoài, giáo trình của các trường đại học, sau đại học… biên soạn để giảng dạy”. Cũng theo thầy Phương, mấu chốt trong việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi chính là truyền cho các em cảm hứng học tâp. Khác với những môn xã hội, môn Hóa học vốn dĩ rất khô khan, vì vậy ngoài việc truyền thụ giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản từ lớp 10, thầy Phương dành nhiều công sức rèn luyện kỹ năng làm bài cho HS thông qua hệ thống bài tập phù hợp với từng nội dung bài học để khi đứng trước những dạng bài tập khó, lạ các em không bỡ ngỡ, không mất bình tĩnh. Thầy Phương chia sẻ “Dạy trường chuyên vốn được hưởng nhiều sự quan tâm, nay lại có thêm các chính sách đãi ngộ của Bộ GD-ĐT, của tỉnh và của nhà trường nên thầy và trò như được tiếp thêm động lực để giành chiến thắng, đem vinh quang về cho cá nhân, nhà trường và ngành Giáo dục tỉnh nhà”. Lòng nhiệt huyết của thầy Phương đã truyền sự đam mê học tập cho nhiều thế hệ HS, là động lực để đội tuyển Hóa học tỉnh Dak Lak liên lục giành thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 những năm qua. Em Phạm Nguyễn Ngọc Bảo, đoạt giải Nhì môn Hóa học (kỳ thi năm 2015) cho rằng: “Thành tích của em có công lao rất lớn của thầy Phương. Việc được thầy truyền đạt kiến thức toàn diện, có hệ thống giúp em tự tin, đoạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi”.

Thầy Phương hướng dẫn học sinh phương pháp học môn Hóa học đạt hiệu quả.

Trong diễn văn khai mạc Triển lãm thành tựu giáo dục - đào tạo giai đoạn 1975-2015 nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng Dak Lak, Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng khẳng định: “Đáng tự hào, Giáo dục Dak Lak được cả nước biết đến qua tỷ lệ HS thi đỗ cao vào các trường đại học, cao đẳng, HS giỏi quốc gia, HS giỏi Olympic truyền thống 30-4 và nhiều cuộc thi quốc gia khác. Chỉ riêng HS giỏi quốc gia, 40 năm qua đã có 1.039 em đoạt giải, năm học 2014-2015 có 35 em - dẫn đầu 10 tỉnh thuộc vùng thi đua số 4 của Bộ GD-ĐT”. Như vậy, trung bình mỗi năm Dak Lak có khoảng 30 em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia.

Em Phạm Nguyễn Ngọc Bảo (bìa trái) và Huỳnh Thị Bích Chi (Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) cùng đoạt giải Nhì HS giỏi quốc gia năm học 2014-2015

Nếu như những năm trước HS đoạt giải HS giỏi các cấp chủ yếu thuộc về Trường THPT Chuyên Nguyễn Du thì mấy năm trở lại đây chất lượng giáo dục mũi nhọn còn được khẳng định với sự góp mặt của nhiều trường vùng sâu, vùng xa, trường đặc thù. Một trong những số đó nổi lên là phải kể đến Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng, mặc dù là một trường đặc thù, có chất lượng tuyển sinh đầu vào không cao nhưng hằng năm vẫn có 1-2 HS dân tộc thiểu số đoạt giải. Dẫu kết quả còn khá khiêm tốn, nhưng qua đó cho thấy sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường. Bởi trong khi đó, nhiều trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 chỉ đứng sau trường chuyên nhưng lại không có HS giỏi quốc gia, không có HS đoạt giải tại nhiều cuộc thi cấp tỉnh cũng như quốc gia. Phải chăng các kỳ thi HS giỏi chưa đủ sức hấp dẫn thầy cô và HS của một số trường hay lãnh đạo các trường này chưa quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên tâm huyết với việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi? Nếu việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi trở thành phong trào sâu rộng trong từng trường, để mỗi một giáo viên phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tâm huyết hơn với nghề, sự chuyển mình này chắc chắn sẽ đưa chất lượng giáo dục mũi nhọn của Dak Lak vươn xa.

Gia Nguyên

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ