A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi thay từ diện mạo trường lớp đến chất lượng giáo dục

08:15 | 18/09/2024

Thực hiện chủ trương xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, diện mạo trường lớp từ nông thôn tới thành thị từng bước đổi thay theo hướng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu đổi mới trong dạy học cho giáo viên và học sinh.

Đầu tư đồng bộ

Thầy trò Trường THCS Cư Pui (huyện Krông Bông) đón năm học mới 2024 – 2025 trong niềm vui khi trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Để “thăng hạng” từ trường làng nhỏ bé, phòng học tạm bợ lên đạt chuẩn quốc gia, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhiều thế hệ của Trường THCS Cư Pui đã nỗ lực vượt khó để đổi mới, thực hiện hiệu quả công tác dạy và học.

Cùng với đó là sự quan tâm, đầu tư của ngành giáo dục và chính quyền địa phương về cơ sở vật chất trường, lớp bảo đảm các yêu cầu về trường chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Buổi thực hành tại Phòng thí nghiệm của học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột)

Thầy Phan Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui chia sẻ, cái khó nhất trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là tiêu chí về cơ sở vật chất, bởi tiêu chí này đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về kinh phí. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa tại địa phương là điều không thể bởi đa số gia đình các em thuộc diện khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số của trường chiếm khoảng 95%.

Nhờ thực hiện chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhà trường đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp. Trường THCS Cư Pui nay đã “thay da đổi thịt”, khang trang, sạch đẹp, chỉn chu hơn từ tường rào vào trong phòng học. Các điểm trường đều có sân chơi, sân tập; sân trường được bê tông hóa với sân khấu kiên cố để tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho học sinh.

Hiện tại, Trường THCS Cư Pui có 22 phòng học; có đủ các phòng chức năng như thư viện, phòng thiết bị, phòng học bộ môn (Tiếng Anh, Tin học, Khoa học tự nhiên…). Học sinh và giáo viên đã có được một môi trường giáo dục tốt để thực hiện nhiệm vụ đổi mới GD-ĐT từ cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh là 60,92%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,3%, trong đó bậc THPT đạt cao nhất với tỷ lệ 99,9%.

Khai thác hiệu quả

Song hành với đầu tư là khai thác cơ sở vật chất hiệu quả phục vụ giáo viên và học sinh. Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học có tiết đọc thư viện ở tất cả các khối lớp. Dựa theo khung chương trình Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều trường đã xây dựng mô hình thư viện rộng rãi với nhiều đầu sách các loại để tổ chức tiết đọc thư viện cho học sinh.

Điều đặc biệt của mô hình này là lấy học sinh làm trung tâm nên các trường chú trọng tổ chức các hoạt động đi kèm (ngày hội STEM, ngày hội đọc sách) để thu hút, động viên học sinh đọc sách tại trường, từng bước hình thành thói quen đọc sách cho các em.

Ở Trường TH - THCS Lý Tự Trọng (huyện Ea Kar), thư viện trường với hơn 1.000 đầu sách đủ thể loại như văn học, lịch sử, khoa học… đã tạo không gian đọc sách và tạo điều kiện cho học sinh tích cực sáng tạo. Với những ý tưởng sáng tạo độc đáo từ đọc sách, học sinh của trường đã giành một giải Nhất trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk 2024 vừa diễn ra.

Từ nền tảng được đầu tư, các trường học đã đẩy mạnh chuyển đổi số để thu hẹp dần khoảng cách giáo dục giữa các vùng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và nâng chuẩn trong thực hiện chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Cô Bùi Thị Kim Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (TX. Buôn Hồ) kiểm tra sách tại thư viện của trường đầu năm học 2024 - 2025

Cô Bùi Thị Kim Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (thị xã Buôn Hồ) cho biết, cuối năm 2023, trường được đầu tư phòng Tin học với 30 bộ máy tính mới có kết nối Internet, bảo đảm dạy và học môn Tin học cho học sinh từ khối 3 đến khối 5.

Sự đầu tư phòng Tin học là bước chuyển quan trọng để nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học, giúp học sinh tiếp cận với “môi trường số” an toàn dưới sự dẫn dắt của giáo viên. Tập thể nhà trường đang nỗ lực dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số, phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2 vào năm 2025.

Thanh Hường

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/giao-duc/202409/doi-thay-tu-dien-mao-truong-lop-den-chat-luong-giao-duc-ea41cf0/

 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ