A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đề xuất lùi thời điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

15:26 | 26/09/2024

Liên quan đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, nhiều chuyên gia cho rằng nên bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB để góp phần giảm tình trạng thừa cân béo phì, tăng thu ngân sách nhà nước…

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt có điều chỉnh được hành vi tiêu dùng? Ảnh: Tú Uyên.

Theo nội dung được đưa ra trong dự thảo, đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc đánh thuế đường có thực sự hiệu quả, giúp hạn chế tình trạng thừa cân béo phì ở các nước hay không vẫn chưa có luận chứng khoa học rõ ràng.

Ông Lực dẫn chứng, vẫn có 21 quốc gia có tỷ lệ người thừa cân béo phì tăng trong giai đoạn 2016 - 2024 dù đã đánh thuế đường nhiều năm; có 65 quốc gia dù chưa bao giờ đánh thuế đường, nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì lại giảm trong giai đoạn 2016 - 2024. Đáng chú ý, Nhật Bản là nước không đánh thuế đường, nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì luôn giữ ổn định trong 9 năm qua, ở mức 4,3%, là một trong những nước có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp nhất thế giới, nhờ văn hóa ẩm thực đặc trưng (sử dụng thực phẩm tươi, chế biến đơn giản, không tẩm ướp thêm gia vị, tiêu thụ ít đồ ăn nhanh, thực phẩm sản xuất công nghiệp…).

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế, bao gồm nâng cao nhận thức về tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách; tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về tác động kinh tế và sức khỏe của bệnh thừa cân béo phì, các biện pháp can thiệp giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em để cung cấp đủ bằng chứng cho nhà làm chính sách; đẩy nhanh các chương trình hiện có và xây dựng các chính sách và chương trình cụ thể khác để giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em tại Việt Nam.

Ở góc độ chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, mặc dù Việt Nam có sự gia tăng nhanh về tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành lại thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Một báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng đã chỉ ra rằng, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%), nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).

“Những lý do chính gây ra thừa cân béo phì bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết... Như vậy có thể thấy có nhiều nguyên nhân gây nên thừa cân béo phì, nên việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì” - bà Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn băn khoăn, liệu áp TTĐB lên nước giải khát có hiệu quả trong bối cảnh có nhiều thực phẩm có chứa đường và có lượng calo cao khác cũng đang tồn tại trên thị trường. Nếu đánh thuế TTĐB đối với chỉ mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh đó, theo ông Phụng, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.

“Thuế TTĐB có chức năng chính là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường chắc chắn không mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, nhưng lại có thể có tác động lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, nếu tính đến thời gian cần thiết để các doanh nghiệp chuẩn bị thì nên có quy định lộ trình, ví dụ đến năm 2030 Việt Nam mới áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt này” - ông Phụng kiến nghị.

T.Hằng

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/de-xuat-lui-thoi-diem-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-10291160.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ