A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Cần giảm mạnh thuế với hàng hóa thiết yếu

08:25 | 23/11/2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn để các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, làm tốt nhiệm vụ chính trị

Sáng 22-11, sau khi Chính phủ trình Quốc hội (QH) dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), QH đã thảo luận tại tổ về dự thảo luật này.

Hỗ trợ thiết thực cho báo chí

Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế TNDN cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh về mức 15% - giảm 5% so với hiện hành. Riêng loại hình báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện nay.

Nhấn mạnh báo chí là lĩnh vực quan trọng, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng mức thuế TNDN đối với lĩnh vực này đang quá cao. Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị xem xét ưu đãi thuế mạnh hơn cho báo chí, có thể áp dụng một mức thuế suất chung cho báo in và báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa. ĐB đoàn TP HCM cũng đề xuất phương án xem xét miễn thuế TNDN cho báo chí trong 5 năm hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để lĩnh vực này vượt qua khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt với máy điều hòa sẽ đẩy lùi điều kiện sinh hoạt của Việt Nam về 30-40 năm trước. Ảnh: VĂN DUẨN

Lý giải thêm, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng báo chí có đóng góp lớn trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên mặt trận thông tin, tư tưởng, báo chí góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc; phòng chống tham nhũng, lãng phí...

"Thời gian qua, trước sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội, nguồn thu của các cơ quan báo chí sụt giảm mạnh. Trong khi đó, yêu cầu về chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ tại các cơ quan báo chí đòi hỏi nguồn lực lớn" - ông Ngân chỉ rõ.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cũng đề xuất bổ sung ưu đãi tính thuế cho toàn ngành báo chí, không riêng báo in. Bên cạnh đó, tại TP HCM có một số cơ quan báo chí như Báo Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TP HCM đã nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, bao gồm cả ưu đãi vay vốn để phát triển hạ tầng, xây dựng các tòa nhà cao tầng. Các tòa nhà này không chỉ được sử dụng để phục vụ hoạt động của cơ quan báo chí mà còn cho thuê để tạo nguồn thu, bù đắp chi phí vận hành trong bối cảnh quảng cáo, phát hành báo in giảm sút và quảng cáo báo điện tử cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan thuế đang tính thuế theo cách phân biệt phần nào trong tòa nhà phục vụ báo chí thì được ưu đãi thuế TNDN, phần nào cho thuê thì không được.

"Đề nghị ban soạn thảo xem xét, có quy định để cơ quan báo chí được hưởng ưu đãi thuế với tất cả hoạt động liên quan việc vận hành tòa nhà, kể cả phần cho thuê, như một phần trong tổng thể hoạt động. Đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, giáo dục của Đảng và nhà nước" - ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhìn nhận.

Kéo lùi điều kiện sinh hoạt của người dân

Cùng ngày, Chính phủ cũng trình QH dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi). Thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH góp ý về quy định máy điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống phải chịu thuế suất thuế TTĐB 10%.

Theo ĐB Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An), cùng với sự phát triển của xã hội, máy điều hòa nhiệt độ đang trở thành nhu cầu thiết yếu, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây. Do đó, ĐB Minh đề nghị cân nhắc không thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này.

Xăng là hàng hóa cực kỳ thiết yếu, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc cần áp dụng mức thấp nhất có thể. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP HCM) cho rằng đánh thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ là không hợp lý bởi thực tế hiện nay, hầu hết hộ gia đình có mức thu nhập "đủ ăn" đã lắp thiết bị này, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng bức. Ông Hoàng cho biết năm 1998, máy điều hòa được đưa vào danh sách mặt hàng đánh thuế TTĐB với thuế suất 20%, đến năm 2008 đã kéo giảm thuế xuống nhưng bây giờ lại đẩy lên, có thể gây ảnh hưởng lớn đến người dân.

"Chúng ta nói rằng đất nước đang phát triển, vậy phải tạo điều kiện để người dân có cuộc sống thoải mái hơn" - ĐB Hoàng thẳng thắn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng áp thuế TTĐB như dự luật sẽ đẩy lùi điều kiện sinh hoạt của Việt Nam về 30-40 năm trước. ĐB Nghĩa lưu ý việc áp thuế TTĐB có mục đích hạn chế, không khuyến khích người dân sử dụng một mặt hàng nào đó. Trong khi đó, với điều kiện thời tiết hiện nay, kể cả người lao động nghèo ở các nhà trọ cũng phải lắp đặt, sử dụng máy điều hòa để phục vụ sinh hoạt tối thiểu.

Liên quan mặt hàng xăng, nhiều ĐBQH đề nghị không nên áp dụng thuế TTĐB. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nhấn mạnh xăng là mặt hàng thiết yếu, được sử dụng rất phổ biến; đề nghị không đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB.

ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị áp dụng mức thuế thấp nhất có thể đối với xăng. Theo ĐB là chuyên gia kinh tế này, thuế TTĐB là loại thuế gián thu nhằm điều tiết, định hướng tiêu dùng với đối tượng là người có thu nhập cao hoặc định hướng sản xuất - kinh doanh. Đối chiếu mục đích nêu trên, xăng hoàn toàn không phải hàng hóa xa xỉ.

"Việc áp thuế TTĐB với xăng sẽ thật sự phù hợp khi đã có nguồn năng lượng sạch thay thế hoàn toàn. Trong thời gian chờ đợi, người lao động vẫn phải sử dụng các phương tiện, máy móc hoạt động bằng xăng, do đó cần cân nhắc việc áp thuế suất như dự thảo" - PGS-TS Trần Hoàng Ngân lưu ý

Tăng thuế với vàng mã, bia rượu

ĐB Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nhất trí cao với đề xuất vàng mã, hàng mã thuộc diện chịu thuế TTĐB. Bởi lẽ, việc đốt vàng mã ngày càng trở nên phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn.

Theo ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), nên tăng thuế TTĐB đối với rượu bia, thuốc lá song cần cân nhắc lộ trình. ĐB Hạ phân tích: Việc đánh thuế là đánh vào hành vi, đánh thuế cao sẽ làm giảm hành vi hút thuốc và uống rượu bia. Tuy nhiên, nên chọn phương án giãn thời gian áp dụng tăng thuế vì cần đối xử một cách công bằng với DN, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, DN và người dân.

Với mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml, dự thảo luật quy định mức thuế suất 10%. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thừa cân, béo phì, do đó cần có lộ trình áp thuế phù hợp.

Đề xuất sàn thương mại điện tử nộp thuế

Luật Thuế TNDN (sửa đổi) bổ sung quy định về việc thu thuế đối với người nộp thuế là các DN nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của DN nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam cũng sẽ phải chịu thuế.

Dự luật bổ sung quy định về cơ sở thường trú của DN nước ngoài, gồm nền tảng thương mại điện tử, công nghệ số mà qua đó họ cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.

Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng thu thuế TNDN đối với DN không có chi nhánh, văn phòng đại diện, trong trường hợp họ bán hàng vào thị trường Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.

Cơ quan thẩm tra cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định mở rộng quyền đánh thuế của Việt Nam trong trường hợp các DN nước ngoài có cơ sở thường trú "ảo" tại nước ta, vì các hiệp định thuế mà Việt Nam đã ký với các nước không có quy định này.

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ