A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân M'Đrắk chuyển đổi cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu

13:43 | 30/05/2019

Thời gian gần đây, nông dân huyện M’Đrắk đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém chất lượng, đưa các loại giống mới vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

 Việc làm này không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn, mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt hiện nay.

Xã Ea M’đoal hiện có 22 ha chanh dây tím, tập trung ở các thôn 2, 5, 6. Đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, thời gian cho thu hoạch nhanh nên được bà con trên địa bàn xã trồng thử nghiệm từ năm 2017, bước đầu cho thấy khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương. Cây chanh dây tím cho hiệu quả kinh tế cao, cụ thể: năng suất từ 30 - 40 tấn quả/ha/vụ, với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, người dân có thể thu về 300 triệu đồng/ha/vụ. So với trồng mía, sắn, ngô... thì lợi nhuận từ trồng cây chanh dây cao gấp 3 - 4 lần.

Điển hình như gia đình ông Hoàng Mậu Thúy (ở thôn 6), do diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp dẫn đến thu nhập không đủ bù chi phí sản xuất nên năm 2018, ông Thúy quyết định chuyển đổi 3 sào đất trồng cà phê sang trồng 250 cây chanh dây tím. Theo ước tính, vụ thu hoạch này vườn chanh dây của gia đình ông có thể mang lại nguồn lãi trên 20 triệu đồng, gấp gần 3 lần so với trồng cà phê trước đây.

Vườn chanh dây của gia đình ông Hoàng Mậu Thúy (thôn 6, xã Ea M'đoal) chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

Những năm gần đây, việc áp dụng các giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất trên địa bàn huyện M’Đrắk đã góp phần nâng cao giá trị trên cùng một diện tích canh tác. Toàn huyện hiện có khoảng 2.071 ha lúa, trong đó xã Ea Trang 200 ha, Cư Króa 150 ha, Cư Mta 296 ha, Krông Jing 225 ha, Krông Á 248,5 ha, Cư San 280 ha, Ea Riêng 168 ha, các địa phương khác rải rác từ 50 - 120 ha. Hiện nay, ngoài các biện pháp thâm canh, tăng năng suất, người dân còn tăng cường sử dụng nhiều giống lúa mới; giống lúa lai từ 38 - 43% như Syn6, Nhị ưu 838, Arire…; giống lúa xác nhận từ 57 - 62%, sử dụng giống KD18, V13/2, HT1... Nhờ đó, năng suất lúa bình quân ngày càng cao, như vụ đông xuân 2018 - 2019 vừa qua năng suất lúa đạt 73,1 tạ/ha, bằng 101% kế hoạch; trong đó, nhiều địa phương đạt năng suất cao như: thị trấn M’Đrắk 90 tạ/ha, xã Ea Riêng 79 tạ/ha, xã Ea Lai và Krông Á 77 tạ/ha, Ea Pil 73 tạ/ha...

Ông Lê Văn Thiệu, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện M’Đrắk cho biết: Các giống lúa mới do năng suất vượt trội, đạt từ 80 - 90 tạ/ha. Việc bổ sung các giống mới năng suất cao cho các vùng chuyên sản xuất lúa nước trên địa bàn huyện góp phần rất lớn để tăng giá trị và sản lượng của cây trồng truyền thống này.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện M'Đrắk gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán kéo dài làm thiếu nước trong sản xuất (năm 2016), thiệt hại do mưa bão, lũ lụt, lốc xoáy (năm 2017) đã đặt ra yêu cầu bức thiết trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trước tình hình đó, ngành NN-PTNT huyện đã phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã xây dựng nhiều mô hình nhằm từng bước xác định đúng giống cây trồng, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp huyện M'Đrắk phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 134 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho 5.367 lượt hộ nông dân; xây dựng 192 mô hình thâm canh về lúa, ngô, đậu đỗ…; 5 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; 3 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; triển khai 34 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững...

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk, khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, người dân cũng cần chú ý lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, tăng cường áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm năng suất, chất lượng… Bên cạnh đó, để hàng hóa của người dân ổn định về giá cả thị trường, nâng cao được đời sống thì ngoài ngành nông nghiệp, các hội, đoàn thể cần phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hình thức liên kết để mang lại hiệu quả cao hơn.

So với năm 2016, đến nay diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện M’Đrắk đã tăng 553 ha; cây điều tăng 329 ha; cây chanh dây tăng 38 ha... Trong khi đó, diện tích một số cây trồng truyền thống giảm xuống như: ngô giảm 1.043 ha; sắn giảm 522 ha; mía giảm 451 ha, cao su giảm 122 ha...

Thu Nguyệt

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ