A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi

13:49 | 28/08/2020

Những năm gần đây, huyện Krông Búk triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để thu hút đầu tư vào địa bàn.

Từ đó, nhiều dự án sản xuất của các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đã và đang được đầu tư xây dựng với những ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên địa bàn huyện Krông Búk hiện có 159 DN tư nhân đang hoạt động, 20 hợp tác xã (HTX), 2.207 hộ kinh doanh được cấp giấy phép, với các loại hình kinh doanh chủ yếu là thu mua, chế biến nông sản, dịch vụ ăn uống, vận tải, du lịch... Hầu hết, các đơn vị, DN hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách của huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nông sản Sapo phân loại chất lượng nông sản

Theo Bí thư Huyện ủy Krông Búk Huỳnh Chiến Thắng, trên cơ sở các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, huyện đã cụ thể hóa việc thu hút đầu tư bằng việc tập trung làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng giải quyết hồ sơ đúng trình tự, thời hạn theo quy định, không để xảy ra tình trạng trễ hạn, gây phiền hà cho nhà đầu tư, DN. Ngoài ra, huyện đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất và hạ tầng kỹ thuật; miễn thuế thuê đất trong thời gian đầu tư xây dựng dự án và giảm 50% trong 5 năm đầu dự án đi vào hoạt động; thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến nhằm kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của các DN... 
 
Nhờ những chính sách ưu đãi, sự hỗ trợ về nhiều mặt nên đến nay trên địa bàn huyện đã có một số dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Đơn cử, tháng 4-2020, Dự án tổ hợp sản xuất rau củ quả Sapo Đắk Lắk (thuộc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nông sản Sapo) chính thức đi vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Krông Búk (xã Pơng Drang), sản xuất các mặt hàng như: chanh dây, mít, sầu riêng, bơ, mãng cầu... để xuất khẩu đi các nước EU, Úc, Mỹ, Canada.
 
Bà Phạm Thị Quế, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị đang có khoảng 500 nhân công (cả lao động thường xuyên và lao động thời vụ) đang làm việc với thu nhập ổn định, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng 1.000 lao động. Khi bắt đầu thành lập, Công ty đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương như: tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng nên tiến độ các dự án của đơn vị được đẩy nhanh. Thời gian tới, Công ty sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương cam kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giải quyết nguồn lao động tại chỗ, tăng năng suất, phát triển vùng trồng nguyên liệu, dự kiến phát triển thêm cây ớt và khoai lang để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ra thế giới. 
 
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Cư Kpô (xã Cư Kpô) được thành lập cuối năm 2009, với mục đích chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, có sự liên kết, hợp tác với nhau trong từng khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm và định hướng phát triển phù hợp. Hiện nay, HTX có 32 hội viên, với diện tích sản xuất gần 50 ha. Trước tình hình giá cà phê giảm mạnh, bất lợi cho nông dân nên HTX đã chủ động chuyển sang sản xuất cà phê sạch, đảm nhận từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho toàn thể xã viên. HTX đang xây dựng khu sản xuất, nhà kho rộng khoảng 1.000 m2. Ông Phạm Nhân Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho hay, thời gian qua, chính quyền địa phương đã có các chính sách hỗ trợ như: tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý và thành viên; hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ...
 
Trên địa bàn huyện hiện có một số dự án lớn đã được quy hoạch đầu tư xây dựng như: Dự án sản xuất của Công ty TNHH MTV bê tông Thành Công; 2 dự án điện gió tại xã Cư Né và Ea Sin, công suất khoảng 200 MW, tổng mức đầu tư trên 7.500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ cuối năm 2020 đến 2023 và có 12 dự án đang trong quá trình khảo sát. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả các thành phần kinh tế; trong đó, vận dụng tốt các chính sách trợ giá, trợ vốn, tìm đầu ra cho kinh tế hợp tác, HTX trong quá trình xây dựng và phát triển; chú trọng tuyên truyền, quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư…

Nhờ tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Krông Búk phát triển toàn diện, với mức tăng trưởng bình quân đạt 7,4%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - thương mại và dịch vụ đạt 43%, nông nghiệp giảm còn 57%...


Thế Hùng

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3483/202008/day-manh-thu-hut-dau-tu-bang-nhieu-chinh-sach-uu-dai-5697549/

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ