A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Bài toán khó của giao đồ ăn qua app

09:54 | 29/11/2023

Thị trường giao đồ ăn nhanh qua ứng dụng của Việt Nam sẽ ra sao sau khi "ông lớn" thứ 3 là Baemin rời thị trường từ ngày 8-12 tới?

Trên thị trường hiện có các ứng dụng (app) giao đồ ăn như: Grab, Shopee, Baemin, Gojek, Be, Loship, Ahamove... nhưng thị phần tập trung vào 2 đơn vị dẫn đầu. Báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 của Momentum Works cho biết phần lớn thị phần tại Việt Nam đang tập trung vào tay của 2 "ông lớn" là GrabFood và ShopeeFood, chiếm hơn 85%; Baemin chiếm 12%...

Cuộc đua song mã?

Dưới góc độ chuyên gia ngành dịch vụ ẩm thực (F&B), ông Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành Pizza Home và FoodEdu, cho biết Baemin Hàn Quốc tập trung nguồn lực cho thị trường châu Âu, châu Mỹ, cắt giảm ngân sách cho thị trường Việt Nam và châu Á nói chung. 

Do đó, 1-2 năm trở lại đây, Baemin có rất nhiều chương trình kích cầu dành cho khách hàng. Đó là cái khó của Baemin trong việc kéo người dùng nên việc họ rời thị trường là điều đã dự báo trước. "Họ nhận ra không thể tiếp tục "đốt tiền", càng kinh doanh càng lỗ nên dừng lại" - ông Tùng nêu quan điểm.

Về tương lai của thị trường giao đồ ăn nhanh ở Việt Nam, ông Tùng cho rằng trước mắt GrabFood và ShopeeFood sẽ hưởng lợi và thị trường trở thành cuộc đua song mã. "Tuy nhiên, nhìn về tương lai có thể có những tay chơi mới. Trong đó, có thể kể đến Meituan (số 1 Trung Quốc) và Ele.me (công ty con của Alibaba) đã thăm dò thị trường Việt Nam. Hay như nền tảng TikTok đang có rất đông người dùng có thể mở thêm tính năng giao thực phẩm như họ đã làm tại Trung Quốc với tên gọi Douyin Food. Khi đó, thị trường Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn" - ông Tùng nhận định.

Bài toán khó của giao đồ ăn qua app - Ảnh 1.

Dịch vụ đặt đồ ăn qua app hiện nay không còn quá hấp dẫn như vài năm trước .Ảnh: AN NA

Ông Phạm Chinh, chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ, cho rằng đặt thức ăn qua app đã qua thời kỳ phát triển nóng. "Bây giờ là câu chuyện có kiếm đủ lợi nhuận để tái đầu tư cũng như bù đắp cho những khoản lỗ mới là câu chuyện lớn nên các app không thể tiếp tục theo đuổi chính sách "đốt tiền" của các start-up công nghệ. 

Trong ngành giao đồ ăn, chưa có công ty nào có lợi nhuận hết, họ kêu gọi đầu tư và dùng tiền đó để duy trì hoạt động. Chi phí luôn luôn lớn hơn doanh thu nên không biết khi nào có lời. Ai chịu đựng giỏi hơn và tồn tại sau cùng sẽ trở thành người chiến thắng" - ông Phạm Chinh chia sẻ.

Cũng theo ông Phạm Chinh, người tiêu dùng không trung thành với một app nào, chỗ nào có khuyến mãi nhiều thì chọn nên các hãng "đốt tiền" rất khủng khiếp

Thị trường chưa vững

Trong khi đó, dưới góc độ người kinh doanh, nhiều cửa hàng ăn uống chia sẻ là họ đang mất dần khách hàng đặt qua app vì nhu cầu không còn cao như giai đoạn dịch bệnh. Chị Trương Thúy Hạnh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho hay trước đây ngày nào chị cũng lên app đặt món vì tiện lợi và nhiều chương trình giảm giá nhưng giờ rất ít khi đặt. 

"Lâu lâu vào app xem đồ ăn vặt có khuyến mãi, giảm giá nhiều tôi mới đặt mua chung với bạn bè, đồng nghiệp cho đỡ tốn phí ship. Khi ở nhà, nếu không nấu nướng được thì tôi cùng cả nhà ra quán luôn cho tiện" - chị Hạnh nói.

Chị Huỳnh Ngọc Hà (ngụ quận Tân Phú, TP HCM), một "tín đồ" của các app đặt đồ ăn từ khi các ứng dụng này ra mắt đến nay, cho biết các mã giảm giá trên app ngày càng ít, trong khi phí ship lại khá cao. "Có nhiều quán hầu như không có khuyến mãi gì, giá đồ ăn thì cao hơn mua tại chỗ khá nhiều nhưng chất lượng đôi khi lại thấp hơn. Bây giờ đặt đồ ăn qua app phải rủ nhiều người, chọn quán có khuyến mãi thì mới có chi phí hợp lý" - chị Hà nói.

Là một đối tác của Baemin, bà Đoàn Thị Anh Thư, nhà sáng lập hệ thống nhà hàng Vua Cua, chia sẻ bà đã từng sử dụng nền tảng Vietnammm trước khi bị Baemin thâu tóm vào năm 2019. Khi đó, 30% doanh thu của Vua Cua đến từ Vietnammm dù yêu cầu đơn hàng phải từ 900.000 đồng trở lên nhưng khách hàng rất trung thành dù truyền thông không ầm ĩ. 

"Thời điểm đó, để được lên Vietnammm không dễ, họ kiểm tra chất lượng quán rất kỹ, lấy khách hàng cuối cùng làm kim chỉ nam chứ không nhận đại trà như các app hiện nay là chỉ cần trả phí sẽ được lên app" - bà Thư nhận xét.

Theo bà Thư, bài toán lớn nhất mà các food app ở Việt Nam chưa giải được đó là thu chiết khấu quá cao và khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm để có trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng. Nếu giải được bài toán này chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng quay trở lại. 

NGỌC ÁNH - NGUYỄN HẢI

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/bai-toan-kho-cua-giao-do-an-qua-app-20231128210750531.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ