A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tháo gỡ khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp : Đẩy mạnh thương mại điện tử, minh bạch thị trường

14:02 | 02/07/2024

Sự gia tăng đáng kể của hàng hóa tiêu dùng giá rẻ nhập khẩu đã và đang tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam

Theo giới kinh doanh, hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam nhanh và nhiều đến chóng mặt. Với lợi thế sản xuất lớn, hàng hóa đa dạng, hệ thống logistics phát triển mạnh, đặc biệt là những tổng kho lớn được đưa vào vận hành ngay biên giới với Việt Nam, hàng Trung Quốc đã rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển đến tay người tiêu dùng Việt Nam.

Ứng phó hàng Trung Quốc giá rẻ

Chị Hải My (ngụ quận 6, TP HCM) khoe vừa mua 1 cặp ốp lưng điện thoại iPhone 15 trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), giá giao đến tận nhà chỉ 15.000 đồng/cái (miễn phí ship), trong khi ra "phố" bán ốp lưng, đồ trang trí điện thoại trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), giá rẻ nhất cũng 40.000 đồng/cái. Theo chị Hải My, ngoài ốp lưng, chị thường xuyên mua nhiều loại vật dụng gia đình ship thẳng từ Trung Quốc về với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 hàng trong nước.

Ông Đỗ Quang Huy, Giám đốc Công ty CP Ecotop - chuyên cung cấp các giải pháp về TMĐT, cho biết Trung Quốc đang có nhiều chính sách hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới, trong đó có thị trường Việt Nam. Lý do là vì TMĐT Trung Quốc đã phát triển đến ngưỡng nên cần có thị trường mới. Hiện tại, nhiều mặt hàng tiêu dùng như thời trang, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em… của Trung Quốc bán qua các sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop… với giá rẻ hơn mặt hàng tương tự của Việt Nam từ 20%-30%. Không những thế, thời gian vận chuyển từ Trung Quốc về TP HCM còn nhanh hơn từ Hà Nội đến TP HCM; dù được đóng gói đơn giản nhưng hàng vẫn nguyên vẹn khi tới tay người tiêu dùng nhờ có làn vận chuyển riêng.

Khách mua sắm hàng giảm giá tại một trung tâm thương mại ở TP HCM. Ảnh: THANH NHÂN

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (cà phê Meet More), người khá nhanh nhạy trong việc cập nhật xu hướng bán hàng livestream - thông tin vừa qua hàng loạt "chiến thần" chốt đơn qua livestream của Việt Nam như gia đình Quyền Leo Daily, Hằng Du Mục… đã tham gia sự kiện tại Trung Quốc và tiếp tục đưa nhiều hàng tiêu dùng Trung Quốc bán trực tiếp đến người tiêu dùng. 

Các phiên livestream trước của những nhà sáng tạo nội dung này cũng thấy rõ tỉ lệ hàng Trung Quốc rất cao. "Sau ngành hàng tiêu dùng thì tương lai ngành hàng đồ ăn, thức uống, trái cây cũng phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ. Lý do là vì người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi văn hóa tiêu dùng được truyền tải qua các video trên nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok" - ông Luận nói.

Tại TP HCM, trong báo cáo mới nhất gửi đến lãnh đạo thành phố, cộng đồng doanh nghiệp (DN) phản ảnh sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang đã tạo áp lực đáng kể cho DN Việt Nam. Các DN còn cho rằng trào lưu livestream không kiểm soát, không có sự bảo đảm chất lượng đang đe dọa và bóp nghẹt không gian sinh tồn của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, làm phá vỡ tiêu chuẩn giá cả truyền thống.

Trước thực tế này, ông Đỗ Quang Huy khuyến cáo các nhà bán hàng Việt Nam cần chọn những sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của Việt Nam để kinh doanh, tạo sự khác biệt. Trước đây, nhiều nhà bán nhập hàng từ Trung Quốc với giá rẻ rồi bán online để kiếm lời thì nay không còn cơ hội. "Để tạo sự công bằng trong kinh doanh, việc đánh thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn TMĐT là hợp lý" - ông Huy nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cho rằng việc gia tăng kiểm soát và áp dụng thuế GTGT đối với hàng hóa trên sàn TMĐT sẽ giúp thị trường minh bạch hơn.

Kích cầu và nâng chất hàng Việt

Theo ông Phan Văn Việt, bản thân Việt Thắng Jean từ năm 2023 đến nay đã đầu tư nghiêm túc cho TMĐT, mở kênh livestream trên website bán hàng của công ty. Với khoản đầu tư 30 triệu đồng mua phần mềm tương tác cho kênh livestream này, Việt Thắng Jean thu về khoảng 2 - 3 tỉ đồng mỗi tháng, có thể xem là bán hàng chi phí thấp, hiệu quả cao.

Ông Việt nói thêm trong lúc khó khăn, DN đẩy mạnh TMĐT như một cách để giải quyết đầu ra cho hàng hóa. Tuy nhiên, tình trạng bán hàng tràn lan, không rõ nguồn gốc, loạn chất lượng và loạn giá cả trên sàn TMĐT khiến các DN chân chính, có thương hiệu rất khó cạnh tranh.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, cạnh tranh gay gắt với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - thông tin đã có những sự hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng lại sản xuất cho các DN Việt Nam; qua đó hàng Việt không chỉ nâng cao hình thức, chất lượng sản phẩm mà đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. 

"DN cần chủ động hơn trong việc nghiên cứu phát triển DN mình, sao cho có những thế mạnh cụ thể gắn với địa phương, khu vực của mình. Cần có sự chủ động nghiên cứu, nắm bắt những cam kết quốc tế để bảo đảm hàng Việt Nam xuất khẩu tận dụng được các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để có được giá trị tăng thêm cho hàng Việt và tích lũy thặng dư" - ông Đức gợi ý.

Trước mắt, để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các DN sản xuất - kinh doanh, TP HCM triển khai chương trình khuyến mãi tập trung năm 2024 (đợt 1) kéo dài đến tháng 9-2024. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công Thương, cho biết chương trình này giúp DN mở rộng hạn mức khuyến mãi lên đến 100%, nhằm đẩy nhanh hàng hóa ra thị trường và người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hóa chất lượng tốt với giá ưu đãi hơn. 

"Từ đầu tháng 8, Sở Công Thương sẽ phối hợp một số đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện khuyến mãi hàng tiêu dùng cho đối tượng công nhân - lao động có thu nhập thấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, quận, huyện vùng ven. Tại chương trình này, người dân không chỉ có điều kiện mua thực phẩm, hàng tiêu dùng với giá khuyến mãi mà còn được giảm giá thêm nếu thanh toán không dùng tiền mặt. Với chương trình khuyến mãi hàng hiệu, thành phố mở rộng phạm vi tổ chức, xã hội hóa 100% cho sự kiện khuyến mãi hàng hiệu. Hầu hết các thương hiệu có tiếng đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ được khuyến mãi tối thiểu 30%, tối đa 80%" - ông Hiếu thông tin

Hỗ trợ phí thuê mặt bằng

Để thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng DN vào hoạt động kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương TP HCM đang nỗ lực làm cầu nối, có chính sách hỗ trợ miễn phí hoặc giảm phí thuê mặt bằng cho các DN nhỏ và vừa; hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng… Chương trình bình ổn thị trường cũng được thành phố cùng các DN thực hiện với quy mô lớn, xuyên suốt quanh năm, bảo đảm người tiêu dùng được mua các sản phẩm thiết yếu với giá ổn định.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-7

Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thao-go-kho-khan-dang-bua-vay-doanh-nghiep-day-manh-thuong-mai-dien-tu-minh-bach-thi-truong-196240701222314065.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ