A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt: Liệu có thay đổi được hành vi tiêu dùng?

09:47 | 15/07/2024

Nhiều sửa đổi tại dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng...

Nước giải khát có đường là một trong những sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: M.H.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, đáng chú ý có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Dự án nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN).

Tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đặt vấn đề, với đề xuất áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, liệu có đạt được mục tiêu chính sách nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng hay không?

Trích dẫn nghiên cứu thị trường (2018) của Decision Lab về hành vi tiêu thụ nước giải khát của người tiêu dùng tại Việt Nam nếu áp dụng thuế TTBĐ ở mức 10% đối với nước ngọt, ông Phụng nhấn mạnh, có 38% số người tiêu dùng thu nhập cao (trên 14 triệu đồng/tháng) sẽ vẫn sử dụng nước ngọt như bình thường; 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang uống nước có đường chế biến tại chỗ (vỉa hè, đường phố...).

"Như vậy, áp thuế 10% với nước giải khát có đường dẫn tới nguy cơ không thay đổi hành vi tiêu dùng, khiến họ chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang sản phẩm đường phố không bị ảnh hưởng bởi thuế TTĐB, tiềm ẩn các nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm" - ông Phụng nói.

Ngoài ra, băn khoăn về một số con số Bộ Tài chính đưa ra, ông Phụng đề xuất, cần tính toán lại về con số giả định tăng thu ngân sách nhà nước thêm 2.400 tỷ đồng khi đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế 10%. Con số này có thể chưa tính tới việc doanh thu của các DN đồ uống giảm xuống khi tiêu thụ dự kiển giảm 20%. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động, tính toán trên bài toán tổng thể, có tính logic, hợp lý về tăng thu ngân sách và ảnh hưởng tới đời sống DN.

Dẫn số liệu của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam là nước có mức tiêu thụ nước giải khát không cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2020 khoảng 34 lít/người/năm. Trong khi, theo báo cáo của Hiệp hội ngành giải khát châu Âu năm 2019, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở châu Âu là 243,9 lít/ người, tức là gấp gần 4,8 lần so với Việt Nam. Trong khi đó, nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB lên sản phẩm này.

“Cần cân nhắc thời điểm bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB do mục tiêu bảo vệ sức khoẻ chưa rõ ràng. Nước giải khát có đường không phải là sản phẩm cung cấp đường duy nhất và đường cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới thừa cân, béo phì. Vì vậy, áp thuế với sản phẩm này không phải là giải pháp khả thi để bảo vệ sức khoẻ người dân” - đại diện VBA nói.

Bà Vân Anh cũng lưu ý việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác, được sản xuất thủ công, nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường, lại không phải chịu thuế TTĐB. Điều này có thể khiến mục tiêu chính sách không những không đạt được còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành đồ uống.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, những sửa đổi của Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ có tác động rất lớn đến các DN trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng. “Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) có lẽ là một trong những Dự thảo ảnh hưởng rất lớn tới DN, ngành hàng. Việc soạn thảo, hoàn thiện dự luật thuế ngày càng khó khăn và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, khi Bộ Tài chính dự kiến đưa thêm mặt hàng chịu thuế vào Dự thảo, hay tăng thuế suất. Do đó, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để chọn phương thức tối ưu nhất” - ông Tuấn nói.

Theo kế hoạch, Luật thuế TTĐB sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10/2024, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chương trình, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến công khai về hồ sơ Thuế TTĐB sửa đổi và hiện vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp để tổng hợp.

Thanh Xuân

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/ap-thue-tieu-thu-dac-biet-lieu-co-thay-doi-duoc-hanh-vi-tieu-dung-10285575.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ