A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xung quanh việc phát hiện đường dây làm hồ sơ thương, bệnh binh giả

09:22 | 10/01/2014

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các đường dây làm hồ sơ thương, bệnh binh giả.

. Với những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã làm giả hồ sơ thương, bệnh binh và chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của Nhà nước. Qua việc phát hiện đường dây làm hồ sơ giả này cũng đặt ra những vấn đề về “kẽ hở” trong quy trình thẩm định của các cơ quan Nhà nước…

“Bỗng nhiên” trở thành... thương, bệnh binh

Vợ chồng Trần Văn Khải (SN 1951) và Trần Thị Quyết (SN 1962) chuyển đến buôn Kniết, xã Ea K’tur (huyện Cư Kuin) từ năm 2006. Trong những năm đầu, không ai thấy họ đi sinh hoạt ở Hội Cựu chiến binh địa phương hoặc nghe nói rằng họ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường nào, thế mà từ đầu năm 2009, hằng tháng Khải đều được nhận tiền chế độ dành cho thương binh.  Cuối năm 2010, đến lượt Quyết được nhận chế độ bệnh binh hằng tháng. Gia đình này còn được ưu đãi về giáo dục, bảo hiểm y tế và nhận được sự quan tâm nhiều mặt của chính quyền, đoàn thể và bà con xung quanh. Tương tự, Ngô Thị Nguyệt (SN 1956) chuyển đến sinh sống tại thị trấn Đức An, huyện Dak Song (tỉnh Dak Nông) từ năm 1998.  Nhưng mãi đến tháng 1-2008, mọi người mới thấy bà Nguyệt được nhận chế độ thương binh hằng tháng. Những năm gần đây, rải rác ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Ninh Thuận, Đồng Nai đã rộ lên những “thương, bệnh binh” được nhận chế độ muộn màng như thế.

Đầu năm 2012, phát hiện hàng loạt bộ hồ sơ thương, bệnh binh được chuyển vùng từ một số tỉnh phía Bắc vào có nghi vấn,  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Dak Lak đã chuyển cho Cơ quan An ninh điều tra – CA tỉnh. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ: Trần Thị Hồng (SN 1954), trú tại khối 8, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) là đồng hương và bạn cùng đi bộ đội với Phạm Xuân Ngọc (SN 1954), trú tại xã Nam Thái, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định). Tháng 4-2006, Hồng nhờ Ngọc hỏi xem có ai làm được chế độ thương binh không. Ngọc nhận lời rồi đặt vấn đề với Hoàng Thế Vinh, trú tại phường Tế Xương, TP.Nam Định (tỉnh Nam Định). Vinh trao đổi với Trần Hữu Loan, cùng trú tại phường Tế Xương, TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) thì được Loan đưa ra các mức giá tùy theo tỷ lệ thương tật ghi trong các giấy tờ và yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân theo hướng dẫn. Đến tháng 8-2009, Hồng mua từ Ngọc một bộ hồ sơ bệnh binh giả giá 35 triệu đồng, với tỷ lệ mất sức 61% rồi nộp vào Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Dak Lak và tính đến tháng 4-2012, Hồng đã chiếm đoạt của Nhà nước hơn 62 triệu đồng. Hồng còn môi giới cho 7 đối tượng khác mua 7 bộ hồ sơ thương, bệnh binh giả từ Ngọc và thu lợi 36,5 triệu đồng tiền công môi giới; các đối tượng này chuyển hồ sơ nhập vào các tỉnh Dak Lak, Dak Nông và Đồng Nai, chiếm đoạt của Nhà nước hơn 272 triệu đồng. Cũng năm 2006, thông qua Hồng, Trần Văn Chính (SN 1951), trú tại thôn 10-3 xã Ea Bông (huyện Krông Ana) đã liên hệ với Ngọc mua một bộ hồ sơ thương binh giả với giá 20 triệu đồng, ghi tỷ lệ thương tật 51%, rồi đem nộp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Dak Nông, sau đó lại chuyển về Dak Lak. Từ tháng 1-2007 đến tháng 5-2012, Chính đã chiếm đoạt 96,3 triệu đồng của Nhà nước. Chính cũng mua 2 bộ hồ sơ giả cho vợ là Đồng Thị The (SN 1956); trong đó, một bộ chuyển chế độ từ Nam Định vào Dak Nông và đã chiếm đoạt trên 71 triệu đồng. Còn bộ hồ sơ kia, Chính nộp vào Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Dak Lak nhưng chưa kịp nhận tiền thì bị phát hiện.  Ngoài ra, Chính cũng liên hệ và môi giới cho 34 đối tượng khác ở các tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Phước và Đồng Nai mua hồ sơ thương, bệnh binh giả và nhập vào các tỉnh này để chiếm đoạt của Nhà nước 1,653 tỷ đồng.  Riêng từ việc môi giới này, Chính cũng đã thu được gần 300 triệu đồng. Như vậy, Phạm Xuân Ngọc đã môi giới cho Hồng và Chính mua tổng cộng 44 bộ hồ sơ thương, bệnh binh giả, chiếm đoạt của Nhà nước gần 2 tỷ đồng. Trong vụ án này, trừ đối tượng Loan đã chết, Cơ quan An ninh điều tra – CA tỉnh đã khởi tố bị can về các hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với  Ngọc, Vinh, Chính,  Hồng, Khải, Quyết, Nguyệt và 36 đối tượng khác.

Cũng trong năm 2013, Cơ quan An ninh điều tra – CA tỉnh đã làm rõ thêm hai nhóm mua, bán, sử dụng hồ sơ thương bệnh, binh giả chiếm đoạt của Nhà nước gần 900 triệu đồng.  Trong đó, một nhóm có 9 đối tượng bị khởi tố, do Trần Văn Thanh (SN 1965), trú tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) cầm đầu.  Nhóm kia có 8 đối tượng bị khởi tố do Nguyễn Văn Quy (SN 1960), trú ở xã Hòa Mạc, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) cầm đầu.

“Kẽ hở” trong quy trình thẩm định hồ sơ thương, bệnh binh?

Bị can Trần Văn Chính cho biết: Khi y trực tiếp đem hồ sơ thương binh giả đến nộp tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Dak Lak theo hình thức chuyển chế độ từ tỉnh Nam Định, thì cán bộ tiếp nhận chỉ xem một lúc rồi làm ngay thủ tục giới thiệu về địa phương. Từ đó, cứ hằng tháng, y được nhận tiền chế độ thương binh. Rõ ràng, sự sơ suất, bất cẩn trong thủ tục tiếp nhận hồ sơ của cơ quan Nhà nước đã tạo một lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng. Hiện Cơ quan An ninh điều tra – CA tỉnh vẫn đang điều tra một nhóm đối tượng khác nữa có hành vi mua, bán sử dụng hồ sơ thương, bệnh binh giả chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Và câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu trường hợp nữa chưa bị phát hiện, xử lý?

Điều đáng nói là trong số các bị can trong các  đường dây làm hồ sơ thương, bệnh binh giả nói trên, rất nhiều người đã từng đi bộ đội, thanh niên xung phong hoặc dân công hỏa tuyến.  Thế nhưng, chỉ vì những mối lợi trước mắt mà tự họ đã đánh mất quá khứ vinh quang của mình.  Nhiều người đã rất ân hận và nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của Nhà nước nhưng liệu có thể tẩy sạch “vết chàm” mà họ tự bôi lên những ngày tháng đáng trân trọng trong quá khứ mà không phải ai cũng có được? 

T. T

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ