A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh báo nạn trồng cây cần sa tái diễn

14:07 | 16/05/2014

Trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, xử lý nhiều vụ và đối tượng vi phạm nhưng tình trạng trồng,...

mua bán trái phép cây cần sa – loại cây có chứa chất ma túy – vẫn xảy ra khá phức tạp.

Từ năm 2013 đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các cấp ở Dak Lak đã phát hiện 15 vụ, 20 đối tượng trồng trái phép cây cần sa và mua bán sản phẩm từ loại cây ma túy này; trong đó đã khởi tố 3 vụ, 3 đối tượng, số còn lại xử phạt hành chính; nhổ bỏ, tiêu hủy trên 11.000 cây cần sa trồng trên diện tích 8.600m2; thu giữ hàng chục kg cần sa khô, 0,3 kg hạt giống.  Điển hình là vào sáng 12-12-2013, tại thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo), trong khi đối tượng Triệu Viết Lân (SN 1963, trú tại thôn Thái, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) đang vận chuyển 1,5 kg lá và hoa cần sa khô đi tìm mối tiêu thụ thì bị Đội 2 Phòng Cảnh sát ma túy – Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Ea H’leo bắt quả tang cùng 1 xe máy, 1 điện thoại di động là phương  tiện vận chuyển và liên lạc. Khám xét nơi ở của Lân, lực lượng chức năng đã phát hiện tại khu rẫy vắng của Lân có 4.500 cây cần sa do Lân và vợ là Phan Thị Giang (SN 1970) trồng ở hai khoảnh đất khác nhau, trong đó 2.000 cây còn nhỏ, còn lại thì cao từ 1-1,5m, nhiều cây đã ra hoa. Khám xét trong nhà Lân, lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản tạm giữ 2 kg hạt giống, 17 kg lá và hoa cần sa khô. Bước đầu đã làm rõ, cách đây vài năm, Lân đã từng lén trồng cây cần sa tại vườn nhà. Bị Công an xã phát hiện nhắc nhở, y đã phá bỏ. Nhưng rồi, do hám lợi nên hắn đã bất chấp pháp luật, tiếp tục tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn. Lực lượng chức năng đã tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ số cây cần sa do vợ chồng Lân, Giang trồng.

Công an huyện Ea H’leo và người dân nhổ, tiêu hủy cây cần sa trồng trái phép trên địa bàn.
Công an huyện Ea H’leo và người dân nhổ, tiêu hủy cây cần sa trồng trái phép trên địa bàn.

Tiếp đó, ngày 24-12-2013, tại thôn 2, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an TP. Buôn Ma Thuột đã phát hiện đối tượng Lê Thị Kim Dân trồng trái phép cây cần sa ngay trong vườn nhà. Qua điều tra, tổ công tác đã làm rõ: Lê Thị Kim Dân sinh sống bằng nghề trồng rau xanh với thu nhập ổn định; gia đình Dân đã xây được một ngôi nhà khang khang. Tuy vậy, với ham muốn được nhanh giàu có hơn, trước đó 3 tháng, thị Dân đã tìm hạt giống cần sa đem về trồng thu hái, sơ chế và bán cho một số con nghiện sử dụng; khi cần thì thị Dân bán nguyên cây tươi.  Qua kiểm tra, tổ công tác đã xác định có 170 cây cần sa chiều cao từ 0,5-1,6 m được thị Dân trồng trên diện tích gần 4.000m2, xen lẫn với các loại rau, cà pháo và dọc theo kè đá bên suối nhằm làm cho người dân địa phương nhầm lẫn với loại cây bình thường khác; trong đó nhiều cây đã ra hoa và đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, còn có một số cây cần sa con được thị Dân trồng để thu hái gối đầu. Lúc đầu, thị Dân ngoan cố chối tội nhưng cuối cùng đã thừa nhận hành vi phạm pháp của mình.

Trong quý I năm 2014, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ở Dak Lak lại tiếp tục phát hiện một số vụ trồng cây cần sa. Đơn cử là vào ngày 16-1, Công an huyện Ea H’leo đã phát hiện tại rẫy của ông Đỗ Minh Trường (SN 1964, hộ khẩu thường trú tại ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; tạm trú tại thôn 2, xã Ea  H’leo, huyện Ea H’leo) trồng 736 cây cần sa trên diện tích 2.000m2. Tiếp đó, ngày 24-2, tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp), Công an huyện Ea Súp đã phát hiện rẫy của ông Kha Văn Đức (SN 1978, hộ khẩu thường trú tại thôn 2, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) trồng trái phép hàng trăm cây cây cần sa trên diện tích 200m2; lực lượng chức năng đã thu giữ 3 kg cần sa khô, nhổ bỏ tiêu hủy 135 kg cần sa tươi.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, trong 2 năm gần đây, các phòng chức năng của Công an tỉnh đã tăng cường phối hợp với chính quyền, các ban, ngành và đoàn thể các huyện, xã tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, phát động nhân dân phòng, chống trồng cây cần sa; nghiêm cấm mua bán, tàng trữ, sử dụng sản phẩm từ thứ cây ma túy này. Tuy vậy, do địa bàn quá rộng, địa hình phức tạp, dân cư đông đúc với nhiều dân tộc mang những nét đặc thù riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lề lối sinh hoạt, lao động, nơi cư trú, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật trong từng cộng đồng dân tộc cũng khác nhau nên công tác tuyên truyền, giáo dục gặp nhiều khó khăn, hiệu quả tuyên truyền bị hạn chế. Bên cạnh đó, sự quan tâm, đầu tư của chính quyền cấp cơ sở chưa tương xứng nên việc triển khai các chương trình, đề án phòng chống ma túy nói chung, tình trạng trồng, mua bán cần sa nói riêng vẫn nặng tính hình thức, thiếu tính chủ động, sáng tạo, cụ thể, thiết thực với người dân trong cuộc sống thường ngày. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm lại triệt để lợi dụng những điểm thiếu đồng bộ hoặc chưa điều chỉnh nên không theo kịp thực tế trong các quy định của luật pháp, hoặc sự lơi lỏng của chính quyền và cơ quan chức năng trong quản lý, phòng ngừa, đấu tranh; bên cạnh đó chúng còn lợi dụng những nơi xa xôi, hẻo lánh và nhất là sự thiếu hiểu biết của người dân về cây cần sa để trồng, chế biến, tàng trữ, mua bán cây cần sa hoặc cung cấp giống cho người dân trồng để chúng thu mua sản phẩm. Nhiều người dân  thấy đối tượng trồng cây cần sa nhưng lại không biết. Có người tò mò hỏi thì đối tượng nói đó là cây thuốc nam hoặc cúc lai gì đấy thì tưởng thật nên không báo với cơ quan chức năng… Ông Đoàn Văn Kiều (67 tuổi), Trưởng thôn 2, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Trước khi Lê Thị Kim Dân bị Công an bắt, ông có đến nhà chơi và thấy các cây cần sa trong vườn đã lên xanh tốt nhưng lại tưởng đó là cây đậu bắp nên không báo cơ quan Công an xử lý. Rõ ràng, đây là một lỗ hổng lớn trong công tác tuyên truyền đối với nhân dân và cần sớm được khắc phục. Bởi lẽ, một khi nhân dân đã nắm bắt được những đặc điểm của cây cần sa tươi và các sản phẩm của nó thì chắc chắn không một đối tượng nào có thể trồng loại cây này dù trong rừng sâu, núi thẳm hay vườn, rẫy nào… Do vậy, chính quyền các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể cơ sở cần tăng cường tuyên truyền bằng những hình thức phù hợp để nâng cao hiểu biết và ý thức của người dân về phòng, chống nạn trồng, chế biến, mua bán cần sa trái phép. Còn nếu không, cây cần sa sẽ vẫn có cơ hội được trồng, chế biến, tàng trữ và mua bán; từ đó làm phức tạp thêm vấn nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Trọng

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ