A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh giác vay tiền qua app

09:42 | 29/08/2023

Thời gian qua, ngành chức năng đã liên tục cảnh báo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn "tín dụng đen" hoạt động qua các ứng dụng (app) vay tiền trên mạng Internet.

Thế nhưng, nhiều người vẫn “dính bẫy”, sau đó bị “khủng bố” tinh thần khiến cuộc sống rơi vào bi kịch.

Khốn khổ vì… “lãi cắt cổ”

Cuối tháng 7/2023, anh L.V.V. (SN 1992, trú thôn 2, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) lướt Facebook thấy trang quảng cáo cho vay tiền online với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, không cần thế chấp nên đăng ký. Rất nhanh, anh được nhân viên của app liên hệ tư vấn khoản vay 10 triệu đồng trong thời gian 2 tuần sẽ trả cả gốc và lãi là 13 triệu đồng.

Do cần tiền lo công chuyện, anh đã cung cấp thông tin cá nhân, quyền truy cập vào danh bạ điện thoại, Facebook, Zalo… theo yêu cầu để vay tiền. Khoảng 10 phút sau khi hoàn tất các thủ tục, anh V. nhận 8,5 triệu đồng tiền vay vào tài khoản ngân hàng; còn 1,5 triệu được nhân viên trên giải thích là khấu trừ vào các khoản phí làm hồ sơ, thủ tục cho vay.

Chị L. ở huyện Krông Năng là nạn nhân của app vay tiền online.

Đến hạn, anh V. chưa có tiền trả thì liên tục bị gọi điện thoại hối thúc với lời lẽ vô cùng khiếm nhã. Cùng thời điểm đó, anh được giới thiệu một số app vay tiền khác với mức lãi tương tự để trả nợ cho khoản vay trước đó. Anh tiếp tục vay của app thứ hai. Vòng quay cứ thế tiếp diễn đến khi số tiền gốc và lãi của nhiều app cộng lại lên đến con số hàng trăm triệu đồng. Hiện anh đang mắc nợ ở một loạt app như Doctordong, Vaycaptoc, Vaytiachop, Alocredit…, trong đó app nhiều nhất nợ cả gốc và lãi đã lên gần 300 triệu đồng. Đặc biệt là mức phí phạt chậm trả cao gấp 2 - 3 lần khoản vay. Anh V. đành bán hết tài sản có giá trị trong nhà gom được 300 triệu đồng để trả, song vẫn chưa hết nợ. Đến nay, anh không còn khả năng thanh toán nên đành khóa điện thoại. Từ đó, người thân, gia đình, bạn bè liên tục nhận các cuộc điện thoại phá rối, chửi bới nặng lời, dọa giết con nợ nếu không trả. Cuộc sống của anh rơi vào khủng hoảng, tinh thần sa sút trầm trọng, các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Những ngày qua, các thành viên trong gia đình anh T.V.T. (ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu khi liên tục có người gọi điện thoại “khủng bố”. Anh T. cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, vợ anh có vay 2 triệu đồng từ một app trên mạng. Sau đó cũng được giới thiệu vay app này trả cho app kia. Đến nay, nợ các app cả gốc, lãi và tiền phạt đã lên khoảng hơn 500 triệu đồng. Do không có khả năng trả nên gia đình anh liên tục bị gọi điện thoại dọa đến đốt nhà, giết con anh, tạt axit... Không những vậy, hình ảnh vợ anh còn bị gán cho tội “lừa đảo”, “đối tượng truy nã”... được gửi đến nhiều bạn bè trên Facebook, Zalo. Hoảng quá, vợ chồng anh phải hủy sim điện thoại, không sử dụng Facebook, Zalo, đóng cửa nhà đến tá túc bên nhà bố mẹ cách đó chừng 5 km.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người dân vay tiền qua app rồi lâm vào cảnh khốn khổ. Số liệu thống kê của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh cho thấy, bình quân mỗi tháng đơn vị nhận được hàng trăm đơn phản ánh, tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó có hình thức vay tiền qua app.

Biến tướng của "tín dụng đen"

Vay qua app thực chất là hình thức cho vay tín chấp, người (tổ chức) cho vay dựa vào uy tín, thu nhập và khả năng chi trả của người vay để quyết định hạn mức cho vay. Tuy nhiên hình thức này đang bị biến tướng sang dạng cho vay "tín dụng đen" với lãi suất khủng.

Công an xã Cư Né (huyện Krông Búk) hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả một số ứng dụng trên điện thoại smartphone.

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao - Công an tỉnh, những app hay website này không được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính, do đó chúng không có địa chỉ hoạt động rõ ràng; máy chủ thường đặt ở nước ngoài nên rất khó phát hiện, xử lý. Lần theo dấu vết cho thấy, các đối tượng sử dụng số điện thoại, Zalo, Facebook để hoạt động "tín dụng đen" là những tài khoản ảo, SIM rác. Việc này đã làm cho công tác đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm trên gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian vừa qua, công an cả nước đã đồng loạt ra quân tấn công trấn áp tội phạm "tín dụng đen", trong đó đã phát hiện, triệt xóa nhiều tụ điểm, đường dây cho vay nặng lãi qua app, web vay online và xử lý nhiều đối tượng liên quan. Thế nhưng, hình thức cho vay "tín dụng đen" qua app thời gian gần đây hoạt động vẫn rất táo tợn, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Nếu trước đây, mỗi app, mỗi website chỉ sử dụng một lần cho vay thì hiện nay có những app, web sử dụng dữ liệu một lần cho mấy chục app nhỏ bên trong vay được cùng lúc. Có thể kể đến như: h5.kimungvay.com, h5.ucashvay.top, h5.newdong.top, h5.cayphattai.top... đã đẩy bao người vào cảnh nợ nần, khốn đốn, gia đình ly tán, mất danh dự.

Trung tá Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao - Công an tỉnh cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" online vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Trung tá Nam khuyến cáo, người dân không nên truy cập vay tiền qua các app tài chính, công ty tài chính khi chưa biết rõ về lãi suất cũng như phương thức trả nợ. Khi nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, hoặc nhận những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa, “khủng bố”, người dân cần trình báo cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Lê Thành

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/202308/canh-giac-vay-tien-qua-app-6c52098/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ