A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bệnh viện ngàn tỉ hoạt động chưa lâu đã bất cập, thiếu thốn đủ thứ

12:25 | 08/10/2023

Có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng Tây Nguyên nhưng bệnh viện ngàn tỉ đưa vào hoạt động chưa lâu đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu thốn từ thuốc, máy móc đến cả thủ tục pháp lý.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được đưa vào hoạt động năm 2019 với tổng số vốn đầu tư ban đầu hơn 1.000 tỉ đồng (chưa kể các khoản đầu tư lớn trong những năm qua). Mục đích của bệnh viện là chăm sóc sức khỏe người dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung và cả 2 nước bạn Lào và Campuchia.

Thiếu thuốc, thiếu máy móc

Anh P.H.S. (ngụ huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết trong năm 2023, con trai 4 tuổi đã 3 lần phải vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị, chủ yếu bị viêm phổi. Lần đầu, giữa năm 2023, hầu hết các loại thuốc bác sĩ đều kê đơn ra ngoài mua, kể cả kim, dây chuyền dịch. Lần mới đây, bác sĩ kê đơn ra ngoài mua thuốc Zitromax (điều trị viêm phổi).

Bệnh viện ngàn tỉ hoạt động chưa lâu đã bất cập, thiếu thốn đủ thứ - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được đầu tư ngàn tỉ hoạt động chưa lâu đã bộc lộ nhiều bất cập

"Các loại thuốc này chỉ cần ra trước cổng bệnh viện là quầy nào cũng có. Không hiểu sao bệnh viện lớn vậy lại thiếu thuốc trầm trọng đến thế. Việc mua thuốc ngoài sẽ không được thanh toán bảo hiểm, gây thiệt hại cho người bệnh" - anh Sơn bức xúc nói.

Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thừa nhận thời gian qua bệnh viện thiếu một số thuốc và kê đơn cho bệnh nhân ra ngoài mua. Hiện nay, thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã hết, thuốc vận mạch Dopamin sử dụng trong cấp cứu không trúng thầu, một số loại điều trị sốt xuất huyết nặng bảo hiểm y tế chưa thống nhất thanh toán. Bên cạnh đó, do vướng mắc trong đấu thầu nên các loại thuốc: Immune Globulin 2.5g/50ml, Glucose 5%, huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, huyết thanh kháng nọc rắn tre, huyết thanh kháng uốn ván, Paracetamol 1g/100ml.... hiện bệnh nhân vẫn phải tự mua.

Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế tại bệnh viện được đầu tư lâu năm (từ bệnh viện cũ chuyển qua) nay đã cũ, xuống cấp, hư hỏng thường xuyên, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Điển hình, máy CT Scanner, máy MRI, máy DSA, máy lọc thận nhân tạo không đủ đáp ứng số lượng bệnh nhân. Từ tháng 6-2023 đến nay, bệnh viện hết hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu nên phải ký hợp đồng cung cấp máu.

Nhiều hạng mục chưa xây dựng phòng cháy

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ tháng 2-2019, bệnh viện chính thức đi vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấp phép hoạt động chính thức. UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản nêu rõ trách nhiệm của Sở Y tế và yêu cầu khẩn trương lập, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép về môi trường dự án đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, các tòa nhà chính phục vụ công tác khám và điều trị bệnh nhân chưa được ban quản lý dự án bệnh viện (trực thuộc Sở Y tế) quyết toán hoàn thành. Hồ sơ các hạng mục xây dựng chưa được bàn giao đầy đủ, chưa đảm bảo đầy đủ tính pháp lý để lưu trữ và không thực hiện sửa chữa, cải tạo nâng cấp được. Điển hình, trong năm 2023, bệnh viện được giao dự toán sửa chữa khoa dược nhằm cải tạo kho lưu trữ thuốc đạt chuẩn GSP, nhưng do tòa nhà chưa quyết toán hoàn thành nên không thể triển khai.

Bệnh viện ngàn tỉ hoạt động chưa lâu đã bất cập, thiếu thốn đủ thứ - Ảnh 2.

Với hàng loạt những vấn đề chưa được giải quyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khám và điều trị cho người bệnh

Bên cạnh đó, các tòa nhà C,D, E qua quá trình sử dụng tồn tại một số bất cập trong thiết kế. Các tòa nhà rất kín, vào mùa khô không khí rất oi bức. Cũng do chưa quyết toán hoàn thành nên bệnh viện gặp khó khăn trong sửa chữa.

Mốt số hạng mục công trình ở nhiều khoa, nhà tang lễ và hạng mục nhà cầu nối của các tòa nhà B, C, D, E, nhà để xe nhân viên chưa được lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) do thiếu thủ tục pháp lý.

Một vấn đề nhức nhối nữa là hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện đang quá tải, gây ứ đọng, ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân, công suất xử lý nước thải chỉ đáp ứng cho 800 giường bệnh trong khi thực tế hiện nay là từ 1.400 đến 1.600 giường bệnh...

Bác sĩ chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân

Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nhân lực có trình độ chuyên môn cao có xu hướng nghỉ việc chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có thu nhập cao và môi trường làm việc tốt hơn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có 16 nhân viên nghỉ việc và chuyển công tác.

Trong khi đó, dự kiến năm 2025, Trung tâm Ung bướu đi vào hoạt động, nhưng nhiều vị trí nhân lực rất khó tuyển dụng.

"Nếu không có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và thu hút những người có trình độ chuyên môn cao, đặc thù thì sắp tới bệnh viện sẽ thiếu nhân lực trầm trọng" - báo cáo của bệnh viện nêu.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Bài viết gốc:  https://nld.com.vn/thoi-su/benh-vien-ngan-ti-hoat-dong-chua-lau-da-bat-cap-thieu-thon-du-thu-20231008111150753.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ