A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Dần hình thành văn hóa tham gia giao thông

13:27 | 30/10/2023

Thời gian qua, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng đối với công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn đã được người dân đồng tình, đánh giá cao.

Cũng từ đây, người tham gia giao thông ngày càng ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Câu chuyện xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đi vào từng bữa cơm của mỗi gia đình.

Thay vì tự lái xe, sau đó tìm cách đối phó, “né” các chốt kiểm tra nồng độ cồn, nhiều người đã chọn Grab, taxi, hoặc gọi người nhà chở đến địa điểm giao lưu, ăn nhậu, đi về. Đây là giải pháp an toàn, được nhiều người lựa chọn.

Anh Hồ Trung Thương (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, sau mỗi ngày làm việc, nhóm bạn của anh thường gọi nhau đến một quán nhậu hoặc tập trung tại một nhà riêng của nhóm giao lưu. Trước đây, anh thường tự đi xe máy, nhiều khi “say ngoắc cần câu” vẫn lái xe về nhà. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi theo dõi các thông tin trên phương tiện truyền thông, anh thấy tất cả mọi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn (nhất là cán bộ, đảng viên) đều bị lực lượng chức năng xử lý, thậm chí gửi thông tin về cơ quan đơn vị. Từ đó, anh dần thay đổi suy nghĩ, đã đi nhậu thì không lái xe, trước hết để an toàn cho bản thân mình, người chung quanh và không bị ảnh hưởng kinh tế gia đình khi bị xử phạt.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên đường Phan Chu Trinh.

Anh Trần Đức Thăng (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cũng bày tỏ sự đồng tình với việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn. Theo anh, nhờ đó mà bản thân đã dần hình thành nên ý thức “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Giờ đây, mỗi lần có việc cần "giao lưu", anh lựa chọn sử dụng taxi để di chuyển. Không chỉ hình thành thói quen cho bản thân, trong bữa ăn, hay buổi nhậu anh cũng khuyên bạn bè, người thân không tự lái xe sau khi đã uống rượu, bia để bảo đảm an toàn cho bản thân và người chung quanh.

Tại cuộc họp sơ kết 9 tháng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm mới đây, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá cao công tác xử lý vi phạm giao thông theo nhóm chuyên đề của lực lượng chức năng trên phạm vi cả nước. Cụ thể, có 5 chuyên đề được triển khai đồng bộ, quyết liệt, mang lại kết quả cao gồm: Xử lý người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn; Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa; Xe chở quá tải, quá khổ; Vi phạm tốc độ và Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển phương tiện. Nhìn chung, các chuyên đề này được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đặc biệt, kết quả xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn được nhiều báo, đài, mạng xã hội đưa tin và được quần chúng nhân dân ủng hộ. Câu chuyện về xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình, mọi người trong nhà, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu, bia thì không lái xe. Qua đó dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân "không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia". Kết quả 9 tháng, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đáng chú ý, từ ngày 30/8 đến 15/10/2023, 6 tổ công tác của Bộ Công an do Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) chủ trì đã phối hợp với 58 địa phương trên phạm vi cả nước để xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy. Qua đó, phát hiện 6.119 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy. Đặc biệt qua xác minh, các tổ CSGT ghi nhận 232 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức...

Người điều khiển phương tiện xem kết quả từ máy đo nồng độ cồn

Tại Đắk Lắk, sau đợt cao điểm phối hợp với Cục CSGT về xử lý vi phạm nồng độ cồn, tỉnh đã thành lập 21 tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Chỉ trong đêm đầu tiên ra quân (tối 7/10/2023), các tổ công tác đã lập biên bản xử phạt 320 trường hợp, với số tiền 2,7 tỷ đồng, tạm giữ 247 phương tiện các loại.

Thượng tá Ngô Hoài Nam, Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết, từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ phối hợp với lực lượng khác tăng cường xử lý triệt để vi phạm nồng độ cồn, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn hóa giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe” trong nhân dân. Quá trình xử lý vi phạm tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nghiêm cấm mọi sự can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm…

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/an-toan-giao-thong/202310/xu-ly-vi-pham-nong-do-con-dan-hinh-thanh-van-hoa-tham-gia-giao-thong-33200fa/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ