Ngăn chặn nạn “tín dụng đen” gia tăng trở lại
08:52 | 16/11/2023
Sau một thời gian được kiềm chế, nạn “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng đang có xu hướng tái diễn.
Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động bị mất việc làm, không có thu nhập. Đời sống khó khăn, nhiều người phải tìm đến “tín dụng đen” để có tiền trang trải chi phí trong gia đình, chữa bệnh… Điều này làm nạn cho vay nặng lãi có cơ hội phát triển. Tội phạm “tín dụng đen” hướng đến những “khách hàng” cho vay là các hộ buôn bán nhỏ lẻ, người có khó khăn tài chính và các đối tượng cờ bạc… Đối tượng cho vay thường đánh vào tâm lý người dân như thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, lãi suất mà người vay phải trả trên thực tế cao hơn rất nhiều so lãi suất ghi trong hợp đồng, thông thường từ 3.000 – 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, có trường hợp cao hơn nữa. Khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền lãi phải trả gấp nhiều lần số tiền gốc đã vay, người vay vướng vào vòng xoáy nợ nần, bế tắc. Tội phạm “tín dụng đen” thường đi liền với các loại tội phạm về hình sự, ma túy, lô đề, cờ bạc, các hành vi cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác. Cụ thể, khi con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng gây sức ép bằng cách bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa, hoặc thậm chí là bị bắt giữ trái pháp luật, gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Công an TP. Buôn Ma Thuột lấy lời khai các đối tượng hoạt động liên quan đến "tín dụng đen". Ảnh: Sỹ Đức
Từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội nổi lên trong từng thời điểm, tập trung vào tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm, tội phạm hình sự nguy hiểm hoạt động lưu động, liên tuyến, liên tỉnh, tội phạm liên quan “tín dụng đen”... Đến nay, cơ quan công an đã đấu tranh triệt phá 21 vụ, 37 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, khởi tố 21 vụ, 34 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Một số vụ việc điển hình như: Cuối tháng 4/2023, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã triệt xóa một nhóm đối tượng ngoại tỉnh đến địa phương hoạt động “tín dụng đen” quy mô rất lớn, lãi suất lên đến 600%/năm. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Lê Văn Khánh, Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Hoàng cùng trú huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Theo kết quả điều tra ban đầu, ba đối tượng rủ nhau vào tỉnh Đắk Lắk để hoạt động cho vay nặng lãi bằng cách lập tài khoản Facebook tên “Cho góp ngày Buôn Ma Thuột” để đăng thông tin cho vay tiền, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Chỉ trong hai tháng, nhóm này đã cho khoảng 300 người vay, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, lãi suất 15.000 - 25.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương từ 365 - 600%/năm.
Một vụ việc khác là cuối tháng 10/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Đinh Đức Trọng (trú huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) đến Đắk Lắk để hoạt động “tín dụng đen”. Cụ thể, giữa tháng 7/2023, Trọng đến TP Buôn Ma Thuột thuê trọ ở để hoạt động. Đối tượng này in 2.000 thẻ card với nội dung “Cho vay góp ngày” kèm số điện thoại rồi đi phát cho người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Khi có người gọi điện hỏi vay tiền thì Trọng sẽ đến tận nhà kiểm tra các giấy tờ liên quan rồi làm thủ tục cho vay tiền. Với hình thức này, Trọng đã cho hơn 20 người tại tỉnh Đắk Lắk vay với số tiền trên 270 triệu đồng, lãi suất từ 282,5 - 365%/năm, thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng.
Theo cơ quan công an, công tác đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm liên quan đến “tín dụng đen” gặp nhiều thách thức do các đối tượng thường xuyên thay đổi chỗ ở, hoạt động lén lút, với nhiều thủ đoạn tinh vi, trá hình, biến tướng bằng các hình thức, vỏ bọc khác nhau. Bên cạnh đó, việc tiến hành giao dịch trong các hoạt động thường rất kín đáo, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng. Mặc dù bị trấn áp mạnh nhưng loại tội phạm này vẫn còn những diễn biến phức tạp, tồn tại âm ỉ.
Để tránh những hậu quả, hệ lụy từ “tín dụng đen”, người dân khi có nhu cầu vay tiền làm ăn, kinh doanh cần tìm đến những kênh cho vay chính thống như ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng hợp pháp. Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, phải báo ngay cho lực lượng công an hoặc cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.
Minh Chi
Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/202311/ngan-chan-nan-tin-dung-den-gia-tang-tro-lai-b01207d/
Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”
CÁC TIN KHÁC
- Bắt giam người đàn ông dùng máy cắt cỏ chống đối lực lượng CSGT (20/11/2023)
- Huyện Lắk: Phát hiện một người đàn ông tử vong nghi do điện giật ở lò sấy (17/11/2023)
- Truy tìm thanh niên chém 1 học sinh nhiều nhát (16/11/2023)
- Đắk Nông bắt quả tang đối tượng phá trắng 2.700m2 rừng (16/11/2023)
- Yêu cầu công an điều tra vụ việc nam sinh bị đánh dã man (16/11/2023)
- Đắk Lắk: 1 nam sinh bị chém trọng thương (15/11/2023)
- Vụ tranh chấp hài cốt người chết hơn 3 tháng: Người vợ khiếu nại chính quyền (15/11/2023)
- “Nóng” tình trạng hái trộm cà phê xanh (15/11/2023)
- Xe con tông vào lan can, 2 người chết, 3 người bị thương (14/11/2023)
- Ma túy mới: Hệ lụy khôn lường (14/11/2023)
- Bệnh nhi 2 tuổi tử vong vì bệnh tay chân miệng (14/11/2023)
- Lịch tạm ngừng cung cấp điện trên địa bàn Tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian từ ngày 06/01 đến ngày 12/01/2025
- Bất an với giá đỗ ngâm hoá chất
- Tạm giam vợ chồng chủ doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ sách kế toán
- Lời khai quan trọng của nhóm đối tượng bán gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm
- Giá cà phê hôm nay 28-12: Nhà đầu tư chốt lời, kéo giá giảm mạnh
- UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo "nóng" vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ủ chất cấm
- Dự báo top 5 ngành nghề "hái ra tiền" trong năm 2025
- Mua giá đỗ ngâm hóa chất ở Bách Hoá Xanh, người dân có đòi được quyền lợi?
- Phản ứng của nhiều siêu thị sau vụ giá đỗ trong Bách Hóa Xanh nhiễm chất độc
- Giá điện điều chỉnh 2 tháng/lần: Ổn không?
BÌNH LUẬN CỦA BẠN
BÌNH LUẬN