A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Buôn Ma Thuột - Hành trình trăm năm

14:34 | 21/11/2024

Nói đến Tây Nguyên, cái tên Buôn Ma Thuột đã trở nên quen thuộc, gần gũi, bởi đây là thành phố lớn của khu vực Tây Nguyên, trung tâm chính trị, kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Đắk Lắk.

Sự lựa chọn của lịch sử

Trên quá trình hình thành và phát triển của mình, Buôn Ma Thuột luôn mang trong mình nhiều dấu mốc, sứ mệnh mang tính lịch sử.

Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êđê Kpă, vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng năm chục nhà dài, mỗi nhà có từ 30 đến 40 người do Tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam.

Đến những năm đầu thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà trở thành điểm tựa để dần quy tụ các buôn, làng xung quanh, làm cơ sở phát triển thành thành phố hôm nay. Thế nên tên gọi Buôn Ma Thuột được cho là cũng bắt nguồn từ đó.

Quân Giải phóng tiến quân như vũ bão trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975. Ảnh tư liệu

Với lợi thế là trung tâm của Đắk Lắk cũng như toàn Tây Nguyên, một vị trí có tầm chiến lược về quân sự và kinh tế của cả vùng, lại nằm gọn trên một cao nguyên đất đỏ màu mỡ và bằng phẳng, năm 1904, khi tỉnh Đắk Lắk được thành lập, Buôn Ma Thuột được chọn làm cơ quan hành chính của tỉnh thay cho Bản Đôn.

Sau gần một năm trở thành tỉnh lỵ của Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi và được thể hiện trên tấm bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1905. Từ thời Sabatier làm Công sứ tỉnh Đắk Lắk (năm 1923), thực dân Pháp đã đẩy mạnh việc xây dựng Buôn Ma Thuột để phục vụ cho chính sách thống trị lâu dài của chúng ở vùng đất này. Với những thay đổi to lớn nên ngày 5/6/1930, Khâm sứ Trung kỳ đã ký nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột. 

Theo tiến trình của cách mạng Việt Nam, Buôn Ma Thuột luôn mang trong mình những sứ mệnh to lớn. Cuối năm 1940, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk được thành lập bí mật tại Nhà đày Buôn Ma Thuột gồm 10 đồng chí. Việc thành lập chi bộ Đảng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột không những đã thống nhất được sự lãnh đạo của Đảng trong tù mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động cách mạng ở Đắk Lắk phát triển thêm một bước mới, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.

Đồng bào Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng. Ảnh tư liệu

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đế quốc Mỹ và ngụy quyền ra sức biến Buôn Ma Thuột thành một trung tâm phòng thủ mạnh ở Tây Nguyên. Hòa nhịp với nhiều đô thị khác ở miền Nam, nhân dân Buôn Ma Thuột đã thể hiện hào khí, tinh thần đấu tranh chống Mỹ và tay sai suốt những năm 1960. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Buôn Ma Thuột là một trong những đô thị miền Nam cầm cự, làm chủ địa bàn lâu nhất.

Đặc biệt, Buôn Ma Thuột đã được chọn là nơi khởi đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng lẫy lừng trong trận ở Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975 đã mở màn cho Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mỗi cột mốc lịch sử của Buôn Ma Thuột đều để lại dấu son chói lọi. Hòa chung nhịp đập với non sông, gấm vóc Việt Nam, đó là niềm kiêu hãnh, hào hùng, từ truyền thống khai khoang mở cõi; bền bỉ, kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xứng tầm vị thế

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đồng sức, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, gian khó, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để xây dựng Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển.

Ghi nhận và khẳng định những thành tích rất đáng tự hào đó, Trung ương đã công nhận thị xã Buôn Ma Thuột trở thành TP. Buôn Ma Thuột và là đô thị loại III vào năm 1995, đô thị loại II vào năm 2005, đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010.

Với vị trí trung tâm, chiến lược, quan trọng của mình, ngày 27/11/2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, ngày 9/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 67 của Bộ Chính trị. Ngày 15/11/2022, Quốc hội khóa XV cũng đã thông qua cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột.

Hàng loạt cơ chế, chính sách đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với việc xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Buôn Ma Thuột ngày càng trở thành một đô thị sầm uất. Ảnh: Thế Hùng

Để biến động lực từ sự quan tâm của Trung ương thành hành động cụ thể, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk và Đảng bộ, chính quyền TP. Buôn Ma thuột cũng đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, đáng chú ý như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Qua đó đã đề ra nhiều giải pháp lớn như: Quy hoạch mở rộng địa bàn thành phố; phân cấp nguồn lực và thẩm quyền cho thành phố; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố, nhất là hạ tầng giao thông; đề nghị Trung ương bố trí thêm nguồn lực cho phát triển giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai...

Một góc đô thị Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Hùng

Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý; tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Đường Võ Nguyên Giáp về đêm. Đây là một trong những công trình giao thông mới được đưa vào sử dụng của Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thế Hùng

Trải qua nhiều bước thăng trầm, biến động của lịch sử, Buôn Ma Thuột từ một vùng đất hẻo lánh, xa xôi, ít người biết đến thì nay đã trở nên thân quen, gần gũi, không những được nhân dân cả nước mà bạn bè quốc tế biết và tìm đến.

Đó là thành quả của sự phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và dân TP. Buôn Ma Thuột trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời sự ghi nhận, phần thưởng xứng đáng của Đảng, Nhà nước về những đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hy vọng, với truyền thống hào hùng, những nỗ lực, tinh thần quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Buôn Ma Thuột sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, xứng đáng với vị thế, vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tạo động lực thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

Giang Nam

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/thoi-su/dak-lak-hanh-trinh-the-ky/202411/buon-ma-thuot-hanh-trinh-tram-nam-ae00af0/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ