A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Festival Huế ... lên rừng

10:02 | 20/04/2014

Những ngày này người dân hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) thực sự vui mừng, phấn khởi khi được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật do Festival Huế mang đến.

 
 Đoàn múa Raduga đến với người dân huyện Nam Đông
 
Thỏa lòng dân bản
 
Khi nghe có chương trình văn nghệ của đoàn múa Raduga nổi tiếng tại TP. Khabarovsk (Nga) đến biểu diễn ở trung tâm thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, từ sáng sớm trên loa truyền thanh ở các xã của huyện Nam Đông đã phát đi thông báo để bà con ở các xã cách xa trung tâm thị trấn Khe Tre như Thượng Quảng, Hương Sơn, Thượng Long,… thu xếp công việc gia đình, nương rẫy để sớm đến với lễ hội. Chương trình khai hội theo kế hoạch đến 19 giờ 30 phút mới diễn ra, nhưng vợ chồng bà Hồ Thị Hột (thôn 1, xã Thượng Quảng) đã có mặt tại trung tâm huyện từ lúc mặt trời vừa lặn. Bà Hột tâm sự: "Mấy ngày qua, nghe trên loa truyền thanh xã thông báo có chương trình festival biểu diễn trên địa bàn huyện, mọi người trong gia đình cứ mong ngày này đến thật sớm để được tận hưởng không khí của lễ hội. Cả gia đình háo hức kéo nhau đến đây từ 5 giờ chiều”. 
 
Trong lúc đó, công tác chuẩn bị được Phòng VHTT&DL huyện miền núi Nam Đông được chuẩn bị rất chu đáo. Tại trung tâm văn hóa huyện, một sân khấu nhỏ vừa được dựng lên, tuy được trang trí khá đơn sơ nhưng rất rộng rãi. Ông Cao Xuân Hiền - Phó Phòng VHTT&DL huyện Nam Đông cho hay: "Mấy ngày nay, anh em của đơn vị chăm lo trang trí, dàn dựng sân khấu phục vụ đoàn nghệ thuật biểu diễn. Sân khấu dàn dựng phù hợp với các tiết mục biểu diễn. Đây là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng, giao thoa nền văn hóa truyền thống giữa Nga và Việt Nam, góp phần thắt chặt mối đoàn kết và tình hữu nghị của hai dân tộc”.
 
Đúng 19 giờ 30, chương trình bắt đầu. Trên nền nhạc sôi động, những vũ công tài năng ở nhiều lứa tuổi đến từ vùng Viễn Đông nước Nga đã trình diễn một chương trình phong phú từ múa hiện đại,  múa dân gian đến những điệu múa cổ điển đặc trưng của xứ sở Bạch dương. Đoàn múa Raduga đến từ nước Nga xinh đẹp đã đem tất cả tính sáng tạo khi chọn lựa những tiết mục hấp dẫn để phục vụ cho bà con. Hàng nghìn khán giả là bà con dân tộc thiểu số tại đây tỏ ra thích thú với các tiết mục biểu diễn đầy màu sắc và ấn tượng của đoàn. Ông Hồ Văn Toi (xã Thượng Quảng) tâm sự: "Từ lâu lắm rồi tôi mới có dịp chứng kiến một chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc, đáp ứng sự mong đợi. Các tiết mục thật sự ấn tượng, dễ đi vào lòng người. Mong rằng trong các kỳ Festival tới, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước tiếp tục đến với người dân Nam Đông”.
 
 
Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật của đoàn Sri Lanka được bà con yêu thích
 
Vượt núi đi xem Festival
 
Đi giữa thị trấn A Lưới cách Tp. Huế hơn 70km, những ngày này cảm giác như cả phố núi đang trẩy hội. Cổng ngõ tinh tươm, hoa trồng tràn ra vỉa hè. Đường Hồ Chí Minh qua trung tâm thị trấn này như một hoa viên. Một cuộc hội hè hiếm có đang diễn ra ngay dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ thuộc địa bàn huyện A Lưới khi ban tổ chức Festival Huế 2014 lần lượt cắt cử các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và đoàn nghệ thuật Ranranga đến từ đất nước Sri Lanka xa xôi về đây biểu diễn.
 
Trong số hàng ngàn khán giả nô nức đổ về nhà văn hóa trung tâm huyện A Lưới đón xem các nghệ sĩ Sri Lanka biểu diễn có rất nhiều người, nhất là những đứa trẻ Pa Cô với đôi mắt trong veo đã bỏ cả cơm trưa lội bộ qua bao thác ghềnh, sông suối về đây đặt chỗ. Thú vị hơn, sau khi xem xong các tiết mục nghệ thuật, đồng bào không chịu về nhà mà vây quanh, nằng nặc yêu cầu các nghệ sĩ diễn lại... Đáp lại, các nghệ sĩ trong đoàn dù đã lên ô tô, vẫn xuống xe nán lại thêm gần 2 giờ, tiếp tục biểu diễn. Ông Hồ Văn Toàn - chủ quán internet gần trụ sở UBND huyện A Lưới cho biết: Loa truyền thanh thông báo có các nghệ sĩ tham gia Festival Huế về địa phương biểu diễn nên ngày nào quán internet cũng tấp nập người ra vào. Nhiều ông già, bà cụ nhờ con cháu truy cập internet tìm kiếm thông tin về nghệ thuật Ranranga và ca múa kịch Lam Sơn.
 
Ông Toàn xuýt xoa: "Không ngờ có ngày đồng bào Pa Cô, Vân Kiều, Pa Hy lại được tận mắt xem các nghệ sĩ đến từ nước Sri Lanka xa xôi và các đoàn nghệ thuật nổi tiếng từ các địa phương khác về biểu diễn”… Những nhịp trống, tiếng nhạc mà đoàn nghệ thuật Ranranga biểu diễn mang đến cho đồng bào A Lưới ấn tượng, đầy màu sắc. Đặc biệt, vũ điệu Ves bắt nguồn từ lễ tế kohomba kankariya được hình thành từ những điều linh thiêng trong văn hóa tín ngưỡng người dân tỉnh Kandyan (Sri Lanka) có nét tương đồng điệu nhảy tại lễ hội A Riêu Piing của đồng bào Pa cô thường tổ chức nhằm tri ân người đã khuất.
 
Ban tổ chức Festival Huế 2014 cho biết: Rất nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật quốc tế khác nữa đã và đang trên đường đến với người dân và đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn để biểu diễn. Sự đồng điệu trong nghệ thuật của con người với con người, của nghệ sĩ và người thưởng thức tạo nên cảm giác thăng hoa trong không gian rộng mở tại Festival Huế 2014.
 
Hôm qua (18-4), trong khuôn khổ Festival Huế 2014, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự. Trong số đó đáng chú ý là hoạt động quảng diễn đường phố của đoàn nghệ thuật cà kheo Bỉ ở đường Hồ Đắc Di. Đặc biệt vào lúc 19 giờ 30 tối qua tại cầu Trường Tiền (Huế), người dân cố đô đã có một đêm được thưởng thức những ánh sáng lạ mắt tỏa ra từ những chậu lửa trên cầu Trường Tiền nhờ vào công phu, tài nghệ sáng tạo của các thành viên đoàn Carabosse, vùng Poitou - Charentes, Cộng hoà Pháp. 
 
Ngoài ra, các chương trình nghệ thuật diễn ra trong các sân khấu ở Đại Nội như Đêm Phương Đông tại điện Thái Hòa hay chương trình văn nghệ của đoàn ca múa dân tộc Đăk Lăk ở đường Hồ Đắc Di thu hút hàng nghìn khán giả đến tham dự.
 
Trang Hạ

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ