A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cấp bách xử lý kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu gây ô nhiễm

10:19 | 24/11/2015

Kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu (tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Dù biết tác hại của các hóa chất BVTV tồn lưu ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân, thế nhưng việc xử lý triệt để ô nhiễm đang là vấn đề nan giải.

Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 15 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để, gồm 13 cơ sở sản xuất kinh doanh, 2 bệnh viện và 1 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu. Trong đó, kho thuốc BVTV tồn lưu được xây dựng từ trước năm 1984 là nơi lưu chứa hàng hàng trăm tấn thuốc BVTV phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến năm 1996 kho thuốc ngưng hoạt động. Theo ông Lê Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trước đây, trong quá trình sử dụng do không được quan tâm tu sửa, gia cố hàng năm, nên kho chứa thuốc đã xuống cấp nghiêm trọng; các hóa chất BVTV hầu hết đều được đựng trong các thùng phi lớn bằng sắt hoặc chai lọ thủy tinh nên qua thời gian, các thùng chứa thuốc bị rỉ sét, chai lọ đổ vỡ khiến các loại hóa chất ngấm vào lòng đất là điều không thể tránh khỏi. Mặc khác, do sự hiểu biết về hóa chất BVTV còn hạn chế, công tác quản lý còn lỏng lẻo, chỉ coi trọng về mặt tích cực là phòng và diệt dịch hại, xem nhẹ việc bảo vệ môi trường nên đã vô tình gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Công ty TNHH MTV Đình Trung xây dựng xưởng sản xuất trên nền Kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu  tại phường Khánh Xuân.

Công ty TNHH MTV Đình Trung xây dựng xưởng sản xuất trên nền Kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại phường Khánh Xuân.

Hóa chất BVTV tồn lưu được biết đến là các chất có tính độc hại bởi khả năng tích lũy sinh học cao, khó phân hủy và có khả năng phát tán, di chuyển xa trong phạm vi hàng trăm kilômét, nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh. Nó không chỉ làm thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, không khí và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái mà còn gây tác động trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của những người dân bị nhiễm độc lâu dài. Được biết, các loại hóa chất BVTV tồn lưu trong đất chủ yếu gồm: DDT, Basal, Lindan, thuốc diệt chuột, thuốc diệt gián, muỗi của Trung Quốc, Vinizeb, Echo, Xibuta, Kayazinno, Hinossan, Viben-C, Ridostar… và nhiều loại thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chính vì thế, khi phát hiện “điểm đen” này, Chính phủ đã yêu cầu địa phương phải cải tạo, nâng cấp kho thuốc trong khoảng thời gian từ năm 2003-2004; tuy nhiên đến nay đã hơn 10 năm nhưng cơ sở này vẫn chưa được xử lý triệt để theo quy định. Trả lời vấn đề này, ông Thành cho biết: “Việc xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV rất phức tạp, kỹ thuật xử lý cao và chi phí lớn. Do đó, từ năm 2014 chúng tôi đã có tờ trình xin hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án xử lý, phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu (với số tiền gần 400 triệu đồng), tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi của Sở Tài chính. Trong khi đó, để có thể xin kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương phải xây dựng và phê duyệt Dự án, nếu cứ tình trạng này thì không biết đến bao giờ tình trạng ô nhiễm môi trường từ kho thuốc BVTV tồn lưu mới được xử lý triệt để”.

Hiện nay, kho thuốc BVTV đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Đình Trung quản lý; trên nền kho thuốc vẫn còn mùi hôi thối nồng nặc; khu vực chôn chai lọ giờ đã được dựng nhà xưởng. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng nhà ở và cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên phần diện tích đất của kho thuốc trước đây. Bà Phan Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đình Trung cho biết: “Sống và làm việc trong khu vực ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu chúng tôi rất lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và hàng chục công nhân lao động ở đây. Ngoài việc hằng ngày phải sống trong mùi hôi trên nền kho thuốc cũ thì nỗi lo ô nhiễm nguồn nước khiến tôi phải đi mua nước sạch về dùng để nấu ăn, uống; các nhu cầu khác như tắm giặt hầu hết đều phải sử dụng nước giếng khoan cách kho thuốc cũ khoảng 30 m. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm xử lý tình trạng ô nhiễm này để chúng tôi yên tâm sống, sản xuất mà không phải nơm nớp lo sợ”. Không những thế, xung quanh phần diện tích đất của kho thuốc cũ hiện các hộ dân cũng đang trồng các loại cây lương thực, trong khi đó, nhận thức của hầu hết nhân dân đều chưa hiểu rõ tác hại của việc hóa chất BVTV tồn lưu ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống con người.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên có biện pháp xử lý và giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ hóa chất BVTV tồn lưu nhằm bảo vệ môi trường, nguồn nước sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân.

Thúy Hồng

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ