A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đóng BHXH?

08:03 | 06/01/2016

Bắt đầu từ ngày 1/1/2016, tất cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc....

...Theo đó, có khoảng 80.000 - 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc với mức đóng là 22% của hai lần mức lương cơ sở. 

Nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đều tỏ ra lo lắng khi bắt buộc phải tham gia BHXH.

Thêm gánh nặng cho người lao động?

Cụ thể, theo quy định của Nghị định 115/2015/NĐ-CP, những đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc được chia làm hai nhóm. Nhóm trước đó đã tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% trên mức đóng tiền lương tháng trước khi họ nghỉ việc đi làm việc ở nước ngoài. Đối với trường hợp chưa tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% của hai lần mức lương cơ sở.

Đón nhận thông tin này, anh Nguyễn Quốc Cường ở Thanh Oai, Hà Nội thẳng thắn cho rằng, mức đóng trên khá nhiều, song điều đáng nói là mặc dù phải đóng mức phí khá cao 22% (người lao động trong nước chỉ phải đóng 8% do được chủ sử dụng lao động đóng cùng), nhưng người lao động đi làm việc ở nước ngoài lại chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất chứ không phải 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thai sản, ốm đau) như lao động làm việc trong nước. 

Tương tự khi đón nhận thông tin bắt buộc phải đóng tiền BHXH khi đi làm việc ở nước ngoài, chị Nguyễn Thị Mơ (Bắc Ninh) cho biết, một người đi lao động ở Nhật Bản được 15 triệu đồng tiền lương một tháng, tức trong 1 năm người đó sẽ có 180 triệu đồng. Nhưng chi phí trả trước cho công ty xuất khẩu lao động là 140 - 200 triệu đồng, tương đương gần một năm lương.Vì thế, nếu đóng thêm BHXH trong nước, người lao động sẽ mất thêm một khoản chi phí không nhỏ và quyền lợi chưa biết sẽ được hưởng như thế nào.

Trên đây không chỉ là nỗi lo của NLĐ mà quy định bắt buộc NLĐ phải đóng BHXH khi đi làm việc ở nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lo lắng. Phần lớn doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng, việc đưa nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài vào diện bắt buộc tham gia BHXH là một cách để nâng cao độ bao phủ BHXH. Tuy nhiên, đây sẽ là sức ép lớn cho người lao động khi phải chịu thêm một loại phí nữa với thủ tục rất rườm rà, trong khi để được đi làm việc tại nước ngoài, họ đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. 

Ông Trần Văn Tư, một chuyên gia về lao động cho hay, trước đây chính sách BHXH vẫn còn khoảng trống với lao động làm việc ở nước ngoài. Điều này dẫn tới nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài hơn chục năm, trở về đã hơn 40 tuổi, họ không còn đủ thời gian lao động trong nước và điều kiện để hưởng lương hưu. Vì vậy, việc bổ sung đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc sẽ đảm bảo lợi ích của người lao động. 

Sẽ có nhiều linh hoạt 

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn kết xung quanh vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Qua đó, quy định hướng người lao động đến việc tích lũy tiền đóng BHXH khi còn trẻ, để sau này khi về già họ sẽ được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống.

“Việc thu BHXH với lao động đi làm ở nước ngoài không phải mới, chỉ mở rộng đối tượng tham gia. Theo đó, trước đây những lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH trong nước nhưng chưa nhận BHXH 1 lần, sẽ phải tiếp tục tham gia. Luật BHXH 2014 mở rộng thêm đối tượng đi làm ở nước ngoài nhưng trước đây chưa tham gia BHXH trong nước, từ năm 2016. Đặc biệt để tránh cho lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần, chúng ta đang xúc tiến ký hiệp định tương hỗ về BHXH với một số nước, như Đức, Hàn Quốc. Trước mắt, chưa có hiệp định nào được ký nên NLĐ vẫn đóng bảo hiểm”, bà Nga khẳng định.

Đáng chú ý, theo bà Trần Thị Thúy Nga, phương thức đóng BHXH của đối tượng này cũng linh hoạt hơn, có thể đóng một lần cho toàn bộ thời gian làm việc ở nước sở tại với đối tượng có điều kiện, hay đóng một lần trong 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 1 năm với đối tượng không có điều kiện. Đồng thời, họ cũng được lựa chọn đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hay đóng qua doanh nghiệp đưa mình tới đây.

 Lan Hương

_________________________________________________________

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ