A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea Súp: Nhiều xã "trắng" các tiêu chí quan trọng

13:58 | 18/01/2016

Triển khai từ năm 2011, Chương trình xây dựng (XD) nông thôn mới (XDNTM) đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biên giới Ea Súp phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện....

... Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, đến nay chặng đường xây dựng nông thôn mới ở Ea Súp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn…

Những kết quả bước đầu

Với đặc thù là huyện thuần nông (nông nghiệp chiếm tỷ trọng  67% trong cơ cấu kinh tế), do đó trong những năm qua huyện Ea Súp đã tập trung chỉ đạo trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn 2011-2015, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai được 60 mô hình trong đó 28 mô hình lúa, 12 mô hình gà, 10 mô hình bắp lai, 12 mô hình phân bón an toàn và 38 mô hình thủy sản. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015 đã tổ chức được 18 lớp dạy nghề như: lớp nghề chăn nuôi – thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, tin học, chăn nuôi heo và chăn nuôi bò… với 602 người tham gia. Một số mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Ea Bung, Ea Rốc và Ea Lê; mô hình điều  tại xã Cư Kbang, xoài trái và bắp trái vụ của xã Ea Bung. Đặc biệt xã Ea Bung là xã đầu tiên nhân rộng mô hình sản xuất lúa lai theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm, bước đầu tạo điều kiện cho người trồng lúa có thị trường ổn định, bớt bấp bênh về giá.

Làm đường nông thôn mới ở xã Ea Lê.

Là địa phương gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng thiết yếu, việc thực hiện chương trình XD NTM trong những năm qua đã góp phần cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Năm 2010 trên địa bàn 9 xã của huyện có hơn 1.100 km đường giao thông, trong đó trên 37 km đường liên xã đã cứng hóa, đạt tỷ lệ là 20,63%; gần 22 km đường liên thôn cứng hóa, đạt tỷ lệ 10,88%. Giai đoạn 2011-2015, toàn huyện đã đầu tư hơn 17,4 tỷ đồng, sửa chữa được 87,54 km đường giao thông, 43 km đường nội thôn, 4,6 km đường ngõ xóm, 39 km đường nội đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình XD NTM là 7,82 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Chương trình XD NTM thực hiện trong 5 năm qua được triển khai đồng bộ từ huyện tới xã và các thôn buôn, bước đầu mang lại  hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân. Năm 2014, bình quân thu nhập đầu người (theo giá so sánh 2010) đạt 14,6 triệu đồng/người/năm; năm 2015 thu nhập đạt 17 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2020 thu nhập phấn đấu đạt trên 22 triệu đồng/người/năm bằng mức thu nhập chung của tỉnh.

“Trắng” nhiều chỉ tiêu quan trọng

Theo đánh giá của ban Chỉ đạo XD NTM huyện, đến nay tổng số 9 xã trên địa bàn huyện đã đạt 48/171 tiêu chí, (bằng 28,1%), chưa có xã nào đạt xã NTM. Một số tiêu chí quan trọng như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường…  hiện chưa có xã nào đạt được. Ngay như ở xã Cư Kbang, mặc dù là xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, nhưng đến nay cũng chỉ mới đạt 4/19 tiêu chí. Trên địa bàn 9 xã có 38 trường từ mầm non đến trung học phổ thông,  trong đó 13 trường mầm non, 15 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông. Trong giai đoạn 2011-2015 UBND huyện đã tận dụng các nguồn vốn lồng ghép để bố trí nguồn vốn trên 106 tỷ đồng xây dựng được 36 công trình , 22 công trình tiểu học, 10 công trình mần non, 4 công trình trung học cơ sở và các công trình khác. Tuy nhiên, một số cơ sở hạ tầng trường học do thời tiết và thời gian xây dựng lâu đang bị xuống cấp, nhất những xã khó khăn, chính vì vậy, đến nay chưa có xã nào đạt tiêu chí về trường học. Còn tiêu chí môi trường là tiêu chí thứ 17 trong 19 tiêu chí XD NTM (với 5 chỉ tiêu gồm: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lýtheo quy định) cũng gặp nhiều trở ngại trong thực hiện. Giai đoạn 2011-2015 huyện đã bố trí 963 triệu đồng cho tiêu chí số 17 (môi trường) từ nguồn vốn lồng ghép, trong đó xây dựng công trình cấp nước 443 triệu đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp NTM 520 triệu đồng. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư xây dựng eo hẹp; nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân còn hạn chế nên việc thực hiện tiêu chí môi trường tại các xã trên địa bàn huyện gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, nguồn nước mà người dân trên địa bàn 9 xã chủ yếu là từ các giếng khoan, giếng đào và các bể chứa nước mưa, các công trình nước sạch đều bị hư hỏng xuống cấp không thể sử dụng. Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh mới đạt 86,15%. Các xã đều chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải và chất thải. Các xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Rốc và Ea Lê đã được cấp kinh phí mua xe thu gom rác, tuy nhiên khối lượng chuyên chở ít và mất nhiều thời gian nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.

Theo mục tiêu giai đoạn 2016-2020 mà huyện Ea Súp đã đề ra, đến năm 2020, các xã phấn đấu đạt 157/171 tiêu chí, trong đó có 2/9 xã (Ea Lê, Ea Bung) đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại sẽ đạt 14-18 tiêu chí. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc thu hút các nguồn lực đầu tư, địa phương sẽ có chính sách khuyến khích xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia.

Lê Hương

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ