A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Từ bàn ăn đến nghĩa địa

08:25 | 22/02/2016

Bây giờ không khó để hình dung thế nào là mất vệ sinh an toàn thực phẩm vì tất cả người Việt đều đang biết đến vấn nạn này chỉ là chúng ta đang phải “nhu nhược” chấp nhận một thực tế: “Biết vậy nhưng vẫn phải nhắm mắt mà ăn”.

Hàng ăn đường phố ẩn chứa mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chết một cách từ từ

Theo định nghĩa của Tổ chức Lương – Nông thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì “vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là việc đảm bảo thực phẩm không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người sử dụng, đảm bảo thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lý, hóa học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng”.

Thực tế trong 15 năm qua, nhận thức về an toàn thực phẩm ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn, từ trẻ nhỏ cho đến người già đều có sự thay đổi về nhận thức và quá trình kiểm soát VSATTP cũng đã có những kết quả tích cực. Đặc biệt là sự phối hợp của  các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương với nhiều nỗ lực trong việc phát hiện những vụ vi phạm VSATTP. 

Dù vậy, vi phạm VSATTP vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng trong mỗi bữa ăn gia đình Việt và mỗi ngày lại có thêm những vụ việc vi phạm bị phát hiện gây choáng váng trong dư luận. 

Từ việc trồng rau muống xanh bằng dầu nhớt để tăng năng suất ở TP.HCM, Nha Trang, Khánh Hoà đến việc hàng tấn nội tạng lợn, bò ôi thiu hết hạn sử dụng từ nhiều năm trước được nhập khẩu vào Việt Nam cho đến việc một  công ty cung cấp thực phẩm sạch cho một số trường mẫu giáo ở khu vực Tây Hồ, Hà Nội sản xuất thực phẩm sạch bằng cách... ra chợ và mua thực phẩm không rõ nguồn gốc rồi dán mác sạch đã khiến người dân ngao ngán thì nay người ta lại hết trộn vàng O vào thức ăn cho gà cho đến “nhuộm” gà bằng hóa chất nhuộm vải. 

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, giảng viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết, hóa chất nhuộm vải không được phép sử dụng trong việc nhuộm thực phẩm bởi những tác hại khôn lường như gây ung thư, hư hại ADN trong tế bào gan, thận…

Còn nữa, la liệt trước các cổng trường học hiện nay là đồ ăn bẩn như xúc xích, nem chua. Với việc học sinh sử dụng đồ ăn bẩn trước cổng trường học như hiện nay, những thế hệ mầm non của đất nước sau 20 đến 30 năm nữa tương lai và sức khỏe sẽ như thế nào? Và nếu cứ tiếp tục như vậy, chắc chắn “cái chết từ từ” từ những căn bệnh như tim mạch, tiểu đường, ung thư… sẽ khó tránh khỏi.

Điều này không còn dừng lại ở mức cảnh báo mà đã được các tổ chức quốc tế công bố, cứ mỗi năm Việt Nam có trên 100 ngàn người mắc bệnh ung thư, phần lớn có nguyên nhân từ môi trường sống và từ việc sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố. 

Và nói như đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại kỳ họp Quốc hội khoá 13: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dầy đến nghĩa địa lại nhanh và dễ dàng như bây giờ”… là một trong những tiếng chuông cảnh báo về cuộc sống đầy rủi ro của người dân Việt Nam liên quan trực tiếp đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Đào mồ chôn lợn để… làm giò 

Một trong những điều lo ngại hơn là ở đâu đó, vẫn còn nhiều người, vì lợi ích cá nhân vẫn ngày đêm đầu độc đồng bào của mình bằng chính những sản phẩm mà họ làm ra và chưa bị phát hiện. Vì vậy, nói vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là một “quả núi” không ngoa mà “kẻ thù” thì vẫn vô hình. 

“Kẻ thù” vô hình đó vẫn ẩn nấp đâu đó, có thể là bạn bè, là hàng xóm của chúng ta. Điều này khiến chúng tôi nhớ tới câu chuyện con lợn chết của chị Nguyễn Thị Hoa ở Đội 5, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Sau nhiều ngày chăm bẵm, con lợn nặng khoảng gần 70 kg của gia đình chị lăn ra ốm rồi chết vào đúng dịp giáp Tết Bính Thân. 

Lợn chết vì bệnh nên gia đình chị đành cắn răng đem đi chôn dù trước đó đã có mấy người làm hàng thịt ở làng bên biết chuyện đến dò hỏi, ngã giá khi con lợn đang hấp hối. 

“Lúc đó, tôi chỉ kịp nghĩ, lợn ốm thế này mà có người mua thì cũng tốt, vớt vát tí nào hay tí đó. Nhưng lạ cái đưa ra giá nào họ cũng chê đắt rồi bỏ về. Chỉ đến khi con lợn chết, người nổi đầy mụn, dù tiếc lắm nhưng chúng tôi phải đem đi chôn, không dám ăn thì lại có người tìm đến nhà...xin con lợn chết” - chị Hoa kể lại. 

Theo chị Hoa, người tìm đến nhà chị là một chủ cửa hàng chuyên làm giò có tiếng ở xã. Ông ta bảo, cứ chỉ chỗ chôn con lợn, ông ấy sẽ đào lên, thịt ôi thiu còn sử dụng được huống chi con lợn mới chết vài ngày, bỏ tất cả vào giò, vẫn thơm ngon vô cùng!? 

“Khi ông ấy nói vậy, chúng tôi mới thấy kinh hãi vì những miếng giò mình thường ăn bấy lâu nay. Lương tâm mách bảo, gia đình nhất quyết không chỉ chỗ chôn con lợn” - chị Hoa quả quyết. 

Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu chị có dám đứng ra để tố cáo hành vi này thì chúng tôi nhận được cái lắc đầu. “Khác làng, cùng xã nhưng quanh đi quẩn lại vẫn biết nhau cả, ngại lắm cô ạ. Với lại ở quê tôi, chưa thấy ai đi tố cáo việc này bao giờ mà cũng không biết phải tố với ai”- chị Hoa phân trần. 

Giải quyết “cái nợ” với dân 

Nỗi trăn trở của chị Hoa không dễ trả lời và ít nhiều câu hỏi của một người nông dân quanh năm chỉ biết phân gio lúa má như chị cũng đã cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mong mỏi và bức xúc của người dân Việt Nam. 

Vì thế, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xem là một “cái nợ” của các cơ quan quản lý nhà nước cũng là “cái nợ” của MTTQ với nhân dân. 

Bởi thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận trong năm 2016 là giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, coi đó là một trong những tiêu chí nhằm góp phần xây dựng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Trên thực tế, kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm đã được người Mặt trận “ấp ủ” từ lâu nhưng vì nó quá khó và không dễ thực hiện nên sau hai năm bàn bạc thống nhất với một số bộ ngành liên quan, việc giám sát an toàn thực phẩm mới bắt đầu được triển khai trong năm 2016 này. 

“Chúng ta thường nói “thương người như thể thương thân”, nhưng ở đâu đó trong câu chuyện này  vẫn có việc người không thương người. Biết là độc mà vẫn bán thì chúng ta phải thống nhất lại nhận thức, phải nói không với văn hoá kiếm tiền bằng cách đầu độc chính người Việt Nam. Không được phép làm việc đó. Việc này phải làm Cuộc vận động. Những người sản xuất phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, tôi là gia đình văn hoá thì không được làm những việc trái với văn hoá là sản xuất không an toàn”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. 

    Dạ Yến 
    (Còn nữa)

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ